📞

GDP châu Âu dù tăng trưởng vượt kỳ vọng vẫn ‘dưới cơ’ Mỹ rất nhiều, nền kinh tế đầu tàu ‘quá chậm’, đây chính là lý do

Hải An 07:45 | 01/08/2024
Châu Âu tăng trưởng tốt hơn mong đợi sẽ mang lại niềm vui cho nhiều người. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại về Đức, quốc gia đang gây áp lực lên hoạt động của khu vực đồng Euro.
GDP của Eurozone trong quý II/2024 tăng trưởng 0,3%, vượt dự báo của các nhà kinh tế. Trong ảnh: Người dân đi ngang qua tòa nhà trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Main, Đức, tháng 6/2024. (Nguồn: AFP)

Nền kinh tế châu Âu đã tăng trưởng nhẹ trong quý II/2024 trong khi Mỹ vượt kỳ vọng, nhấn mạnh khoảng cách xuyên Đại Tây Dương vẫn dai dẳng. Đức, nền kinh tế hàng đầu châu lục vẫn đang tiếp tục vật lộn trong khi người tiêu dùng thận trọng lựa chọn tiết kiệm thay vì chi tiêu cho các mặt hàng đắt tiền như nhà cửa và ô tô.

Theo số liệu chính thức do Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố ngày 30/7, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại 20 quốc gia sử dụng đồng Euro đã tăng 0,3% trong quý II/2024, vượt qua dự báo của các nhà kinh tế.

Các số liệu trên có thể sẽ ủng hộ quan điểm của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) rằng không cần phải vội vàng hạ lãi suất thêm nữa sau đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 6 vừa qua. Trước đó, các nhà phân tích được FactSet và Bloomberg khảo sát dự kiến, ​​mức tăng trưởng GDP của châu Âu trong quý II năm nay ở mức 0,2%.

Thành tích này nối tiếp mức tăng GDP 0,3% trong quý I/2024 - mức tăng trưởng đáng kể đầu tiên sau hơn một năm trì trệ khi chỉ ghi nhận mức trên, bằng hoặc dưới 0%.

Tăng trưởng tốt hơn mong đợi sẽ mang lại niềm vui cho nhiều người. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại về Đức, quốc gia đang gây áp lực lên hoạt động của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Thêm vào đó, đã có những dấu hiệu cảnh báo cho nền kinh tế lục địa già khi dữ liệu tuần trước cho thấy, hoạt động kinh doanh tại Eurozone chậm lại vào tháng 7 này, với sự yếu kém dai dẳng trong lĩnh vực sản xuất.

“Kẻ chậm chân” của khu vực

Dữ liệu cho thấy Đức bất ngờ quay trở lại tình trạng suy thoái, ghi nhận mức GDP giảm 0,1% trong quý II/2024.

Chuyên gia Carsten Brzeski của Ngân hàng ING có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan nhận định: "Nhìn chung, thống kê một lần nữa khẳng định rằng, Đức là quốc gia chậm chân về tăng trưởng của khu vực đồng Euro".

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng "trong nửa cuối năm nay vẫn có thể ghi nhận sự sự phục hồi, dù rất khó có khả năng đây sẽ là sự phục hồi mạnh mẽ".

Ngược lại, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 0,7% trong quý II năm nay so với quý trước đó, hay 2,8% theo năm.

Người tiêu dùng nền kinh tế lớn số 1 thế giới đang chi tiêu thoải mái hơn. Trong khi đó, chi tiêu của chính phủ Mỹ và trợ cấp cho đầu tư kinh doanh vào năng lượng tái tạo, sản xuất chất bán dẫn và cơ sở hạ tầng, theo Đạo luật Giảm lạm phát cũng đang góp phần vào tăng trưởng của nước này.

Ngược lại, ở châu Âu ghi nhận thực tế khác hoàn toàn. Người tiêu dùng nơi đây đang tiết kiệm ở mức kỷ lục và các chính phủ đã bắt đầu hạn chế chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách.

Ông Thomas Obst, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Kinh tế Đức có trụ sở ở Cologne cho biết: "Thành tích vượt trội của nền kinh tế Mỹ phần lớn là do tiêu dùng tư nhân và đầu tư trong nước mạnh mẽ. Hỗ trợ chính sách tài khóa ở nước này cao hơn so với các nền kinh tế tiên tiến khác, tổng chi tiêu chiếm 25% GDP. Trong khi đó, tại Mỹ, lãi suất cao hơn ít tác động đến hoạt động cho vay và nền kinh tế so với ở châu Âu”.

Pháp, Tây Ban Nha vượt kỳ vọng

Trái ngược hoàn toàn với Đức, Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai của Eurozone và Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ tư, đã vượt dự báo tăng trưởng trong quý II năm nay, lần lượt là 0,3% và 0,8%.

Tổ chức nghiên cứu kinh tế độc lập có trụ sở tại London (Anh) Capital Economics nhận định, Thế vận hội Olympic mùa Hè hiện đang được tổ chức ở Paris (Pháp) hứa hẹn "tạo ra một cú hích nhỏ" cho nền kinh tế nước này vào quý III năm nay.

Tăng trưởng ở Tây Ban Nha, một trong những nền kinh tế có thành tích mạnh nhất trong khu vực, được thúc đẩy bởi xuất khẩu và chi tiêu hộ gia đình mạnh mẽ. Trong khi đó, ở Pháp, GDP tăng nhờ vào thương mại quốc tế và sự phục hồi trong đầu tư của doanh nghiệp.

Khu vực Nam Âu dường như đang hoạt động tốt hơn so với các quốc gia khác trên lục địa già. Italy và Bồ Đào Nha cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 0,2% và 0,1%.

Nông dân thu hoạch lúa mì ở Stöffin, Đức, ngày 21/7/2024. Hiệp hội các hợp tác xã nông nghiệp Đức cho biết, ước tính sản lượng lúa mì năm 2024 của nước này có thể giảm 5,5% xuống 20,34 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: Bloomberg/Getty)

Thiếu động lực

Dữ liệu mới nhất cũng cho thấy nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia thành viên đã tăng trưởng 0,3% trong quý II/2024.

Con số này sau 5 quý liên tiếp về cơ bản “không nhúc nhích” do lạm phát bùng phát khiến người tiêu dùng giảm sức mua. Giá năng lượng tăng vọt sau khi Nga cắt hầu hết nguồn cung khí đốt tự nhiên vào năm 2022 và khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch đã gây căng thẳng cho nguồn cung phụ tùng và nguyên liệu thô.

Tới nay, những trở ngại đó đã dịu đi, nhưng châu Âu phải đối mặt với những tác động kéo dài liên quan đến chính sách tiền lương, các khoản hỗ trợ của chính phủ đối với người dân hay quy định về giảm thuế.

Nhà kinh tế học Obst lưu ý rằng, mặc dù châu lục này tránh được tình trạng sa thải hàng loạt trong thời kỳ đại dịch bằng cách trả tiền cho người sử dụng lao động để giữ chân người lao động, nhưng các biện pháp trên đã "hạn chế khả năng thích ứng của nền kinh tế Eurozone" và chuyển nguồn lực sang các doanh nghiệp mới.

Ông nói: "Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng phần lớn khoảng cách về tăng trưởng GDP bắt nguồn từ động lực kinh doanh ở Mỹ cao hơn so với khu vực đồng tiền chung châu Âu".

Theo nhà kinh tế Salomon Fiedler của ngân hàng tư nhân đa quốc gia Berenberg (có trụ sở chính tại Hamburg, Đức), tăng trưởng của châu Âu cũng bị kìm hãm bởi các yếu tố dài hạn như thuế suất cao hơn và quy định chặt chẽ hơn. Điều này khiến tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trung bình hằng năm thấp hơn ít nhất một điểm phần trăm so với Mỹ.

Ông nói: "Nếu Eurozone muốn bắt kịp Mỹ về mặt kinh tế, họ cần phải nâng cao năng suất và tăng đầu tư vào vốn sản xuất".

Trong trường hợp của Đức, các chính trị gia và nhà kinh tế cho biết, các quy trình cấp phép quá phức tạp, ví dụ như có thể mất nhiều năm để được “bật đèn xanh” xây dựng một cơ sở năng lượng gió mới, thiếu lao động lành nghề hay đầu tư chậm trễ vào cơ sở hạ tầng là một số trong những vấn đề chính mà quốc gia này cần giải quyết.

Lãi suất cao hơn từ ECB đã giúp hạ lạm phát từ 10,6% vào tháng 10/2022 xuống còn 2,5% vào tháng 6/2024, nhưng đồng thời kìm hãm hoạt động xây dựng và dập tắt đà tăng giá nhà kéo dài nhiều năm. Doanh số bán ô tô mới tăng 4,3% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn khoảng 18% so với mức trước đại dịch Covid-19.

Một yếu tố khác là mức tiết kiệm phòng ngừa cao bất thường của người tiêu dùng châu Âu, đạt 15,4% trong 3 tháng đầu năm, mức cao kỷ lục không tính những năm đại dịch. Người dân tiết kiệm nhiều hơn có thể là do họ mong muốn được hưởng lãi suất cao hơn hoặc do họ cảm thấy nghèo hơn và lo sợ về tương lai, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp thấp, ở mức 6,4%.

Ông Jack Allen-Reynolds, Phó giám đốc kinh tế khu vực đồng Euro tại Capital Economics nhận định: “Tỷ lệ tiết kiệm cao và các cuộc khảo sát người tiêu dùng cho thấy 'ý định mua sắm lớn là cực kỳ thấp'".

Giới chuyên gia đánh giá rằng, dữ liệu vừa công bố cho thấy nền kinh tế Eurozone đang trong tình hình tốt hơn so với một năm trước. Ông Bert Colijn, nhà kinh tế cấp cao về Eurozone tại Ngân hàng ING nói: “Sau tình trạng trì trệ trong suốt năm 2023, đây là một sự nhẹ nhõm và cho thấy nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi thận trọng. Câu hỏi vẫn là nền kinh tế sẽ đi về đâu và dữ liệu gần đây không đem lại nhiều sự tự tin rằng Eurozone đang tăng tốc hơn nữa”.

(theo Daily Sabah)