📞

George H.W.Bush với ngoại giao

11:18 | 16/12/2018
Vị Tổng thống thứ 41 của Mỹ, George Herbert Walker Bush, người vừa qua đời hôm 30/11 ở tuổi 94 là một người rất am hiểu từ kinh doanh đến chính trị, với phong cách ngoại giao khôn khéo và khiêm nhường.

Ông Bush “cha” có lẽ là vị Tổng thống sở hữu bộ hồ sơ cá nhân ấn tượng nhất. Ngoài việc từng là một phi công của Hải quân Mỹ, một vị doanh nhân thành đạt, ông còn giữ nhiều chức vụ quan trọng khác nhau, từ Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (1971-1973), trưởng Văn phòng liên lạc Mỹ tại Trung Quốc (1974-1976), giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) (1976-1977), phó Tổng thống Mỹ dưới quyền Tổng thống Ronald Reagan. Những thành tích này, cùng với rất nhiều điều tốt đẹp khác, đã biến ông trở thành một nhà lãnh đạo đặc biệt của nước Mỹ.

Nhà ngoại giao khôn khéo

George H. W. Bush rất hiểu ngoại giao. Ông biết rằng ngoại giao không phải lúc nào cũng cần cứng rắn và theo sát các văn bản khô cứng. Ông cũng biết chính sách đối ngoại hiệu quả về bản chất rất phức tạp và không thể nào được thể hiện rõ qua những từ ngữ đơn giản. Ông cho rằng Mỹ, ngay cả khi là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, vẫn cần phải quan tâm sát sao đến các đồng minh nhằm đạt được các mục tiêu toàn cầu.

Tổng thống George H. W. Bush tại phòng Bầu Dục năm 1989. (Nguồn: AP)

Có nhiều điều cần học hỏi từ những cách mà cựu Tổng thống Bush thiết kế và thực thi chính sách của Mỹ. Những người kế vị của ông tại Nhà Trắng (bao gồm cả con trai ông) không phải lúc nào cũng ghi nhớ những bài học này, và cũng vì thế, hiện nay vị trí của Mỹ trên trường quốc tế đang bị giảm sút.

Cách tiếp cận của ông khi làm việc trực tiếp cũng rất tinh tế và tận tụy. Trong những năm 1989 và 1990, tương lai của NATO khi đó đang rất mờ nhạt và phụ thuộc đáng kể vào tương lai của nước Đức. Tổng thống Bush khi đó đã làm việc chặt chẽ với Thủ tướng Đức Helmut Kohl, điều hướng cho việc hợp nhất hai miền Đông và Tây Đức và trấn an các nước láng giềng, những người vẫn còn chưa quên đi quá khứ của một nước Đức trong Thế chiến thứ hai.

Quyết định đó vấp phải phản ứng từ các đồng minh NATO. Thủ tướng Anh Margaret Thatcher không hề thấy hài lòng với việc Đức thống nhất, với lo sợ rằng người Đức sẽ lại một lần nữa thống trị châu Âu. Các chính phủ Ba Lan và Tiệp Khắc lo lắng rằng nước Đức mới sẽ tìm cách xác định lại biên giới với các quốc gia lân cận do có một lượng lớn cư dân ở đây nói tiếng Đức. Còn Tổng thống Liên bang Xô Viết Mikhail Gorbachev thì biết rõ rằng ông sẽ phải đối mặt với những nguy cơ chính trị trong nước nếu một nước Đức mạnh mẽ, thống nhất bắt đầu phô trương sức mạnh.

Vậy mà Bush “cha” vẫn kiên trì. Ông không muốn cơ hội xác định lại tương lai của châu Âu bị lãng phí. Ông hiểu rằng việc Bức tường Berlin bị phá dỡ năm 1989 và các cuộc khuấy động dân chủ khác ở châu Âu sẽ tạo ra nhiều động lực mới. Vì vậy, ông đã dốc hết công sức vào việc thực hiện các cuộc gặp mặt trực tiếp, gọi điện thoại, gửi thư từ với các lãnh đạo châu Âu. Ông Bush cùng hai cố vấn ngoại giao của mình, Ngoại trưởng James Baker và Cố vấn An ninh Quốc gia Brent Scowcroft, dần dần định hình được NATO theo tầm nhìn của Mỹ và thành công trong việc thuyết phục các quốc gia khác. Khôn khéo hơn nữa, điều này diễn ra khi Chiến tranh Lạnh đang dần đi tới hồi kết, ông Bush cũng đặc biệt cẩn thận không ăn mừng chiến thắng và làm ảnh hưởng tới quan hệ với ông Gorbachev, người mà ông cho rằng có thể hợp tác và làm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô.

Khiêm nhường nhưng quyết đoán

Tổng thống Bush đôi khi bị chỉ trích là không năng động, ít khi xuất hiện tại các sự kiện lớn. Điều đó cũng khá dễ hiểu vì vị cựu Tổng thống luôn cho rằng việc xuất hiện quá nhiều trong các sự kiện đối ngoại gần như sẽ phản tác dụng. Ông là một người thợ thủ công, chứ không phải là một người cổ vũ. Điều này một lần nữa được thể hiện rõ khi ông tập hợp một liên minh các lực lượng bao gồm cả quân đội Ả rập để giải phóng Kuwait trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Để giải phóng được Kuwait cần có thời gian và sự kiên trì, nhưng Bush hiểu rõ động lực địa chính trị của Trung Đông đủ để biết rằng nếu Mỹ đích thân tham gia vào cuộc chiến và giành chiến thắng, có nhiều khả năng sẽ giúp đẩy lùi chủ nghĩa chống Mỹ tại khu vực. Đặc biệt hơn nữa, Chiến tranh vùng Vịnh đánh dấu sự kết thúc thực sự của Chiến tranh Lạnh vì Liên Xô, thay vì phản đối chiến tranh, đã đồng hành cùng Mỹ để lên án cuộc xâm lược Kuwait của Iraq.

Bush “cha” sau đó chuyển sự chú ý sang cứu vãn nền kinh tế Mỹ, nhưng ông đã quá muộn. Vào tháng 11/1992, ông mất chức tổng thống vào tay của Bill Clinton. Tuy nhiên, di sản của ông không phải là thất bại trong việc tiếp tục nhiệm kỳ Tổng thống, mà ông đã thành công trong việc biến thế giới thành nơi an toàn hơn và củng cố vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. “Chúng ta không thể rút lui vào sự cô lập. Chúng ta sẽ chỉ thành công trong thế giới kết nối chặt chẽ này bằng cách tiếp tục dẫn đầu.” – lời khuyên đó cũng là một phần của di sản mà George H. W. Bush để lại, và đến ngày hôm nay, nó vẫn đáng để suy ngẫm.

(theo Pacific Council)