📞

Ghi chép: Những “bông hồng thép” ở Trường Sơn năm xưa

HÀ ANH 08:42 | 26/05/2019
TGVN. Tháng 3/1973, khi đến thăm Trung đội B3 (Đoàn 559) trên đèo Phu La Nhích, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thốt lên: “Các cô không phải là người thường. Ở nơi thế này, chỉ có gang thép mới trụ được”... Ghi chép của Báo TG&VN. 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Trung đội nữ công binh B3. (Ảnh tư liệu)

Không chỉ Trung đội B3 của Trung đội trưởng Dương Thị Trình, tất cả nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đều phải là gang là thép mới có thể trụ lại ở con đường huyền thoại ấy. Họ là những người mở đường, dân công hỏa tuyến, bộ đội thông tin, giao liên, quân y, văn công, công binh… đã trực tiếp góp công sức và cả tuổi thanh xuân để mang lại chiến công vĩ đại của con đường lịch sử vừa tròn 60 năm.

Tỏa sáng niềm kiêu hãnh

Đèo Phu La Nhích thuộc địa phận tỉnh Khăm Muộn, nước bạn Lào là một trong những trọng điểm bị ném bom ác liệt nhất trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Bà Dương Thị Trình kể, ngày mưa nước lớn, ngoài việc lấp những hố bom trên cao, Trung đội B3 còn chuẩn bị đá để khi nước rút lấp vào những hố bom dưới ngầm Tà Lê. Toàn tuyến đơn vị bảo vệ dài khoảng 8km lúc nào cũng phải đảm đảo thông suốt trong mọi tình huống. Bởi vậy, không hổ danh khi Đại tướng đến thăm đã đặt tên cho họ là Đội nữ công binh thép.

Giống như Dương Thị Trình, cựu thanh niên xung phong Phạm Thị Thao – Tiểu đoàn 232, Cục Hậu cần, Quân khu V giữ mãi niềm tự hào về đơn vị của mình với hơn 600 cô gái tuổi 18, 20 được thành lập năm 1967 với nhiệm vụ gùi lương, tải đạn, cõng thương binh, mở đường, chống lầy cho xe qua. Ngày ấy, họ đưa ra các khẩu hiệu thi đua như “đạp 50 cân xuống đất, hất 70 cân sang bên, vì chiến trường mang lên 1 tạ”, “không tính khối lượng, không tính chỉ tiêu, có sức bao nhiêu cống hiến tất cả”,.... Trong 4 năm, tiểu đoàn của bà đã chuyển được 5.019 tấn hàng trên tuyến đường 600km.

Thật khó tưởng tượng về sức mạnh những cô gái Việt Nam trong những năm tháng ấy, như Phạm Thị My (Đoàn 559) – người tìm mọi cách ra chiến trường khi mới 16 tuổi và nặng 35 kg. Bà My sửa giấy khai sinh tăng lên 2 tuổi và nhờ bạn thân đi cùng đứng lên cân thay để đủ 40kg trúng tuyển nhập ngũ.

“Sau 3 tháng huấn luyện, thấy tôi nhỏ thó, ban chỉ huy bắt khám lại sức khỏe. Biết bị loại tôi òa khóc năn nỉ Chính trị viên Đại đội cho đi chiến trường. Mủi lòng, anh nhờ bác sĩ khai tăng 5kg. Vị bác sĩ ấy hỏi: “Vào chiến trường có làm lính công binh được không? Có bốc đất đá được không? Có chịu được bom đạn không?”. Thấy tôi dõng dạc “Cháu chịu được tất” thì ông phì cười và chấp nhận”, bà My kể. Cũng vào thời điểm ấy, đồng đội của bà có nhiều người đã sửa hộ khẩu để được ra trận, có người 14 tuổi đã xin nhập ngũ vì nhà chưa có người ra trận, thậm chí có người bỏ lại đứa con 2 tuổi duy nhất để tình nguyện ra chiến trường.

Không “vai mềm sức yếu”, những cô gái với tinh thần thép ấy còn khẳng định sức mạnh khiến cánh mày râu ở chiến trường phải nể phục. Điển hình là cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Huấn, Tiểu đoàn 232, Cục Hậu cần, Quân khu V được phong danh hiệu kiện tướng “chân đồng, vai sắt” với thành tích mỗi năm gùi khoảng 20 tấn hàng, gấp 3 lần khối lượng trung bình của đồng đội. Hay cựu chiến sĩ Nguyễn Thị Vân Liệu thuộc Binh trạm 14, Đoàn 559 đã đưa ra sáng kiến dùng mìn để phá bom nổ chậm, giúp các các đoàn xe nhanh chóng đi qua và không mất thời gian chờ san lấp mặt đường.

Cựu thanh niên xong phong Trần Thị Xuân bên tấm hình năm 17 tuổi. (Ảnh: Hà Anh)

Niềm vui nơi chiến trận

Gian nan là vậy, nhưng tình cảm đồng chí, đồng đội là nguồn cổ vũ, động viên, giúp cho nữ chiến sĩ Trường Sơn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không chỉ tâm sự và động viên nhau, họ cũng luôn nhận được sự quan tâm của các đồng đội nam, thủ trưởng đơn vị và tình cảm của các vị lãnh đạo.

Đinh Thị Thìn - Trung đội nữ Công binh B3 Tây Nguyên nhớ mãi món quà đặc biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho đơn vị sau 20 ngày từ khi Đại tướng đến thăm. “Đó là thùng quà được đóng gói kỹ. Chúng tôi hồi hộp mở thùng quà. Khi nắp thùng vừa mở ra, mọi người ôm nhau bật khóc vì cảm động. Đại tướng gửi cho chúng tôi một bao tải bồ kết, 100 bánh xà phòng thơm và 1 súc vải màn. Không ngờ bận bao nhiêu việc quan trọng mà Đại tướng vẫn quan tâm những điều nhỏ như vậy”, bà Thìn xúc động nhắc lại.

Với bà Trần Thị Lịch - Đoàn Văn công giải phóng Tây Nguyên, niềm vui nhất chính là đám cưới nơi chiến trường. Năm 1971, chồng bà là lính công binh bị sốt rét, được chuyển về an dưỡng rồi vào đội văn nghệ mặt trận. Họ cùng biểu diễn văn nghệ rồi yêu nhau nhưng vì chiến trường ác liệt, tình cảm của cả hai đều giấu kín. Đến năm 1973, khi báo cáo đơn vị, họ được đồng ý tổ chức đám cưới dù không kịp báo về gia đình. Đám cưới tại chiến trường đơn sơ mà ấm cúng, cô dâu và chú rể mặc quân phục, hoa cưới làm bằng giấy, đồng đội đến chia vui chỉ có cân kẹo và 2 tút thuốc lá lãnh đạo tặng.

Đáng ngạc nhiên nữa là ngay tại chiến trường, nữ bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu - Viện Quân y 108, Đoàn 730 lại say mê nghiên cứu khoa học. Cùng với việc cứu chữa thương binh ngay tại mặt trận, bà vẫn tiếp tục nghiên cứu và bảo vệ thành công đề tài “Điều trị sốt rét ác tính và sốt rét sơ nhiễm ở chiến trường”.

Những mất mát còn ở lại

Chiến tranh kết thúc, những cô gái năm xưa như Dương Thị Trình, Trần Thị Lịch... may mắn được hưởng hòa bình vẫn tiếp tục đóng góp sức mình cho công cuộc phát triển đất nước. Hiện tại, hầu hết họ đã nghỉ hưu nhưng vẫn không quên những kỷ niệm cũ, những đồng đội đã ngã xuống và phần gì đó còn gửi lại chiến trường.

Chủ tịch Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn Lê Thị Phương Thảo gác bút nghiên theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ san đường, phá bom nổ chậm từ năm 1965. Bà kể: “Ở Trường Sơn, mùa khô nước không đủ dùng, nhưng vào mùa mưa, quần áo không thể khô, luôn bị ẩm ướt khiến chị em bị ghẻ lở, hắc lào quanh năm. Nguồn nước bị nhiễm chất độc Mỹ rải xuống làm chúng tôi mắc bệnh phụ khoa, rồi bị sốt rét khiến cho da xanh tái và mái tóc rụng gần hết”.

Tiếc mái tóc dài tuổi 17, nữ thanh niên xung phong Trần Thị Xuân còn gửi thư cho mẹ khi ra chiến trường nói rằng: “Mẹ ơi, chiến trường ác liệt quá, điều kiện khó khăn, thiếu thốn, con không thể giữ được mái tóc như mẹ đã dặn. Con gửi mẹ giữ hộ con mái tóc này, khi nào hết chiến tranh con sẽ về và xin lại, mẹ cất hộ con nhé”.

Nói về nỗi đau chiến tranh, bà Nguyễn Thị Thu Yến nhắc đến đồng đội của mình Lương Thị Chúc bị cụt một chân ở chiến trường. Khi đưa đi cấp cứu, bà Chúc còn hỏi “Em bị thương thế này, khi nào hòa bình có lấy được chồng không?”. Tuy nhiên, ngay sau đó bà Chúc đã hi sinh vì vết thương quá nặng vào năm 1972.

Không chỉ thiếu thốn tình yêu, có nữ chiến sĩ trở về từ cuộc chiến đã không còn khả năng làm mẹ. Xuất ngũ năm 1975, bác sĩ quân y Nguyễn Thị Tỵ - Viện 211, Quân đoàn 3 Tây Nguyên trở về quê hương và lập gia đình nhưng không có con vì bị nhiễm chất độc da cam. Thương chồng, bà đứng ra cưới vợ khác cho chồng và vợ chồng ông sau này đã sinh được 4 người con. Tuy nhiên, điều tuyệt vời trong mối quan hệ tốt đẹp ấy là bà Tỵ đã được nhận một đứa con của họ về nuôi. Các con của chồng đều thành đạt và coi bà như mẹ khiến nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa rất ấm lòng.