Giá dầu hai loại chủ chốt đều tăng khoảng 5% trong tuần qua. Trong ảnh là các bể chứa dầu thô tại trung tâm dầu khí Cushing, bang Oklahoma, Mỹ. (Nguồn: Reuters) |
Thị trường đã đi lên sau khi công ty theo dõi ngành công nghiệp GasBuddy cho biết nhu cầu xăng của Mỹ vào ngày Chủ nhật (30/5) đã tăng 9,6% so với mức trung bình của bốn Chủ nhật trước đó. Đây cũng là ngày Chủ nhật ghi nhận nhu cầu năng lượng cao nhất kể từ mùa Hè năm 2019.
Đà tăng giá tiếp tục nới rộng trong hai phiên 1-2/6. Giá dầu Brent có thời điểm chạm mức 71,48 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 1/2020, sau quyết định của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh (OPEC+) về việc tuân theo kế hoạch dần dần khôi phục nguồn cung, cùng với tốc độ các cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran chậm lại. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng chạm mức 69 USD/thùng trong phiên 2/6, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Sau hai phiên tăng giá liên tiếp, giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch 3/6, sau số liệu cho thấy lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm mạnh nhưng lượng nhiên liệu dự trữ lại tăng nhiều hơn dự đoán.
Thị trường "vàng đen" tiếp tục đi lên trong phiên cuối tuần 4/6, với giá dầu WTI giao tháng 7/2021 tiến thêm 1,2% lên 69,62 USD/thùng còn giá dầu Brent cũng tăng 0,8% và đóng cửa phiên ở mức 71,89 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 5%, ghi nhận mức cao nhất kể từ phiên 17/10/2018. Giá dầu Brent cũng tăng 4,6% lên mức cao nhất kể từ phiên giao dịch 21/5/2019.
Theo Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy, không phải mọi quốc gia trên thế giới đều đang ở trong trạng thái phục hồi hoàn toàn, nhưng tại thời điểm hiện tại, dường như không có biến cố nào có thể đảo ngược đà tăng giá dầu do nhu cầu năng lượng mạnh mẽ vào mùa Hè này.
Yếu tố có lợi cho giá dầu không chỉ là nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong mùa Hè, mà cả tiến triển tích cực trong các chiến dịch tiêm chủng và nỗ lực lớn của các chính phủ trong việc thuyết phục người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Trong khi đó, các nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank nhận định, thị trường dầu mỏ đang "thuận buồm xuôi gió" với những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhu cầu đang phục hồi vững chắc. Cả OPEC+ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều dự đoán nhu cầu dầu sẽ phục hồi tốt hơn trong khi IEA ước tính nhu cầu dầu mỏ sẽ trở lại mức trước khủng hoảng trong vòng một năm tới. Nếu OPEC+ không gia tăng nguồn cung nhiều hơn sau tháng Bảy, thị trường dầu có nguy cơ thắt chặt đáng kể trong nửa cuối năm.
Đầu tuần này, OPEC+ đã nhất trí với một lộ trình tăng dần sản lượng trong tháng Bảy. Robbie Fraser, giám đốc nghiên cứu & phân tích toàn cầu tại Schneider Electric, chỉ ra rằng các thành viên OPEC+ dường như không “hào hứng" trong việc đẩy nhanh tiến độ chấm dứt thỏa thuận cắt giảm nguồn cung, và sẽ duy trì các mốc thời gian hiện tại, nghĩa là tăng khoảng 2 triệu thùng/ngày từ nay đến cuối tháng Bảy.
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận có thể được thúc đẩy khi giá dầu duy trì ở mức trên 70 USD/thùng. Nga đã thúc đẩy việc tăng sản lượng nhiều hơn trong nửa cuối năm nay.
Bên cạnh đó, tiến trình đàm phán giữa Iran và các cường quốc trên thế giới về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 đang chậm lại. Nếu đàm phán thành công, Mỹ có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran và Iran xuất khẩu dầu nhiều hơn ra nước ngoài, giúp tăng nguồn cung cấp cho toàn thế giới.
Bà Dickson cho rằng, một số nhà giao dịch lo ngại nguồn cung dầu của Iran sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng trong mùa Hè, nhưng các cuộc đàm phán hiện đang bị đình trệ nên triển vọng giá dầu vẫn đang ở trạng thái tích cực và có thể sẽ duy trì cho đến ít nhất là tháng Bảy. Diễn biến sau giai đoạn này sẽ phụ thuộc vào chính sách mới được OPEC+ vạch ra trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 1/7.