📞

Giá tiêu hôm nay 24/3: Thế giới giảm mạnh, cao nhất 73.000 đ/kg; nông dân ‘lên xuống’ cùng giá ‘vàng đen’

Hoàng Nam 05:10 | 24/03/2021
TGVN. Giá tiêu thế giới hôm nay giảm mạnh so với một ngày trước đó, giao dịch ở 38.075 Rupee/tạ (thấp nhất) và 38.225 Rupee/tạ (cao nhất).
Giá tiêu hôm nay 24/3: Thế giới giảm mạnh, cao nhất 73.000 đ/kg. (Nguồn: AdobeStock)

Cập nhật giá tiêu thế giới

Giá tiêu thế giới hôm nay giảm mạnh so với một ngày trước đó khi giảm tới 125 Rupee/tạ. Ghi nhận lúc 0h15 ngày 24/3 (giờ Việt Nam), giá hồ tiêu thế giới giao ngay trên sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) giao dịch ở 38.075 Rupee/tạ (thấp nhất) và 38.225 Rupee/tạ (cao nhất).

Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR ngày 23/3 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng là 318,25 VND/INR.

Theo số liệu của Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC), xuất khẩu hồ tiêu trên toàn thế giới năm 2020 đạt hơn 459.000 tấn, tăng 2% so với năm 2019. Trong đó, lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 282.000 tấn, tương đương gần 60% của cả thế giới.

Trên thị trường thế giới, tháng 2/2021, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng ở hầu hết các nước sản xuất lớn, trừ Indonesia. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng mạnh ở các nước sản xuất như Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

Theo tính toán, nhu cầu cả thế giới hiện ở mức 510.000 tấn hồ tiêu/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2-3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8-10%.

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu đạt hơn 660.000 tấn năm 2020, dự báo sẽ tăng lên 1 triệu tấn đến năm 2050, và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung.

Do vậy, giới chuyên gia khuyến cáo giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong nhiều năm nữa.

Giá tiêu trong nước

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục giảm tại các địa phương, giao dịch ở mức từ 69.000 - 73.000 đồng/kg,.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 69.000đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (70.000đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (71.000đ/kg); Bình Phước (72.000đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 73.000 đ/kg.

Vụ mùa năm nay, những hộ trồng tiêu ở Bình Phước phải thuê nhân công hái tiêu với giá khá cao, từ 180.000 - 220.000 đồng/người/ngày. Nông dân trồng tiêu tính toán, nếu cây tiêu chỉ đạt năng suất 2 tấn/ha thì sau khi trừ chi phí, người trồng không có lãi.

Ông Bùi Quốc Hai - Chủ nhiệm Hợp tác xã tiêu bền vững Hưng Phước, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước cho biết: "Với giá như hiện nay, nhiều thành viên trong hợp tác xã chưa bán vì tính các khoản chi phí chưa đủ vốn, do đó còn chờ đến khi giá hợp lý người trồng tiêu có lợi nhuận mới bán".

Đề cập thực trạng phát triển cây tiêu ở tỉnh Bình Phước, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương cho hay, Bình Phước là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất của cả nước với hơn 16.000ha, vượt quy hoạch hơn 2.000ha.

Diện tích tiêu của tỉnh 3 năm qua giảm mạnh do giá luôn ở dưới đáy. Nhiều nhà vườn không cầm cự được phải chuyển sang trồng cây ăn trái. Phần còn lại thiếu đầu tư dẫn đến suy yếu kéo theo dịch bệnh, năng suất, sản lượng giảm.

Để khắc phục điệp khúc "được giá, mất mùa", ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện chủ trương quy hoạch, sản xuất tiêu theo hướng sinh học, hữu cơ bền vững đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nên đã giảm áp lực về giá, thị trường.

Với việc trữ tiêu, một số hộ dân ở tỉnh hiện kỳ vọng tiêu tăng giá hơn nữa. Tuy nhiên tình trạng này cũng dễ dẫn đến hệ lụy làm mất cân bằng cung - cầu trên thị trường.

Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cho biết: "Giá tiêu tăng đã trở thành chuyện thời sự ở Bình Phước. Ở địa phương này người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu nên cuộc sống cũng "lên xuống" theo giá tiêu, giá cao thì cả làng vui, còn giá thấp thì cả làng buồn".

Trước những biến động mạnh về giá, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) khuyến cáo: Hiện người dân mới bắt đầu thu hoạch rộ, dự kiến cuối tháng 4 mới kết thúc. Lúc đó sản lượng tăng lên cộng thêm tiêu Campuchia tràn vào, giá có thể sẽ không còn như bây giờ. Người nông dân nên cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm, không vì giá tăng cao mà vay nóng để trữ hàng, tránh rủi ro khi giá xuống.