Đại sứ Tôn Sinh Thành đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới sân bay Quân sự Palam, bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 8-11/12/2016. (Nguồn: TTXVN) |
Bất chấp những thăng trầm, biến thiên của lịch sử thế giới và khu vực, mối quan hệ có tuổi đời nửa thập kỷ đó chỉ ngày càng chặt chẽ, mở rộng và phát triển hơn, đem lại lợi ích vô giá về kinh tế, chính trị, quốc phòng và chiến lược với cả hai nước.
Đối với Việt Nam, Ấn Độ không chỉ là một nước lớn mà còn là một người bạn thủy chung trong những lúc khó khăn. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ đứng đầu Phong trào Không liên kết và luôn đứng bên cạnh Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong kháng chống Pháp (1945-1954), chống Mỹ (1954-1975) và chiến tranh biên giới phía Bắc (1979). Ấn Độ là một trong số ít nước đứng về phía Việt Nam trong vấn đề Campuchia và giúp đỡ Việt Nam cả về mặt vật chất để vượt qua khó khăn do bị bao vây cấm vận trong những năm 1980.
Chiến tranh Lạnh kết thúc, Việt Nam tiến hành Đổi mới và thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa đang dạng hóa. Khi đó, Ấn Độ đã trở thành đối tác quan trọng của Việt Nam. Ấn Độ cũng là một trong những nước đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam.
Đặc biệt, Ấn Độ đã hết lòng giúp đỡ Việt Nam phát triển nông nghiệp, nhất là về cải tạo giống cây trồng và đào tạo cán bộ. Các gói tín dụng hào phóng của Ấn Độ cho nhiều dự án thủy lợi có ý nghĩa không nhỏ đối với Việt Nam trong những ngày đầu Đổi mới. Thương mại hai nước liên tục tăng và đã vượt mốc 12 tỷ USD (2021), đưa Ấn Độ trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Sáng 2/10/2015, tàu Hải quân Ấn Độ INS SAHYADRI với 300 sĩ quan, thuỷ thủ đoàn đã cập cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị thành phố Đà Nẵng trong 4 ngày. (Nguồn: TTXVN) |
Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, Việt Nam cũng nhận được sự giúp đỡ hiệu quả của Ấn Độ không chỉ về đào tạo huấn luyện và chia sẻ thông tin, mà còn qua các gói tín dụng lớn với trị giá hàng trăm triệu USD để mua sắm thiết bị quốc phòng.
Những sự giúp đỡ này là vô cùng ý nghĩa, giúp Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng trong bối cảnh nhiều thách thức an ninh đang nổi lên ở khu vực, nhất là trên Biển Đông. Song giá trị hơn cả là sự can dự của Ấn Độ ở Đông Nam Á và lập trường ngày càng tích cực của Ấn Độ với tranh chấp trên Biển Đông, qua đó góp phần lấy lại thế cân bằng chiến lược đồng thời duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.
Hiện nay, cạnh tranh nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày một gay gắt. Trong bối cảnh đó, Việt Nam với chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa, không chọn bên mà chọn lợi ích, sẽ cần phải duy trì mối quan hệ cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc, đồng thời phát triển mối quan hệ với các đối tác lớn khác như Ấn Độ và Nhật Bản nhằm mở rộng không gian và các lựa chọn chiến lược cho mình.
Trong khi đó, dù đã nhiều lần thay đổi, song chính sách đối ngoại của Ấn Độ vẫn đặt Việt Nam ở một vị trí quan trọng. Ngay từ năm 1954, Việt Nam đã nhận được sự quan tâm đặc biệt ngay từ khi Ấn Độ đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban giám sát đình chiến theo Hiệp định Geneva. Đồng thời, Việt Nam chứng tỏ là người bạn thủy chung luôn sát cánh cùng Ấn Độ khi gặp khó khăn, nhất là khi Ấn Độ bị bao vây cấm vận do thử nghiêm hạt nhân năm 1998.
Năm 1991, Ấn Độ phát động Chính sách hướng Đông nhằm mở rộng ảnh hưởng tích cực sang Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là trụ cột. Ngay cả khi chính sách này được đương kim Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nâng cấp thành Chính sách Hành động hướng Đông năm 2014, hay trong Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố vào năm 2018, Việt Nam vẫn giữ vai trò không thể thay thế.
Giờ đây, với thị trường gần 100 triệu dân và nền kinh tế phát triển nhanh chóng, Việt Nam đã trở thành một đối tác đầy tiềm năng cho Ấn Độ trong công cuộc phát triển kinh tế. Đặc biệt, Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức tương đồng với Ấn Độ, nhất là từ phía Bắc. Có lẽ, chính sự song trùng về lợi ích chiến lược này đã xây dựng lòng tin hiếm có giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, đồng thời là động lực bền vững cho sự hình thành của quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước năm 2007 và quá trình nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016.
Sau 50 năm, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đã đem lại nhiều giá trị to lớn về mặt kinh tế và chiến lược cho cả hai nước. Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho sự mở rộng và phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến toàn diện giữa hai nước, vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.