📞
Kỷ niệm 75 năm ngày ký Hiệp định Sơ bộ 6/3 (1946-2021)

Giá trị vượt thời gian về đối ngoại của Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946

PGS. TS. Nguyễn Thị Mai Hoa * 20:00 | 06/03/2021
TGVN. Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 đã cho phép Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ trong những thời điểm nguy nan của đất nước biến nghịch thành thuận, biến những khả năng mỏng manh thành hiện thực có lợi cho đất nước...

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) ra đời đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Song không bao lâu sau thời khắc lịch sử ấy, nước Việt Nam mới buộc phải đối mặt với những thách thức tồn vong: Nền độc lập bị đe dọa, tự do đứng trước nguy cơ mất còn.

Trên tinh thần "Độc lập là vô giá, quyền dân tộc là thiêng liêng!", Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đề ra và thực hiện hàng loạt những chính sách, biện pháp quyết liệt, nhằm bảo vệ thành quả xương máu của dân tộc. Một trong nỗ lực ấy chính là bản Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946.

Lễ ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 tại 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Từ trái sang phải: Hồ Chủ tịch, Thứ trưởng Nội vụ Hoàng Minh Giám, Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc Việt Nam Jean Sainteny, Leon Pignon, Cố vấn chính trị của Cao ủy Pháp ở Đông Dương và Luis Caput, Bí thư Phân bộ Đảng Xã hội Pháp (SFIO) ở Bắc Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

1- Yêu chuộng hòa bình, phấn đấu vì hòa bình là nét đặc trưng bản chất của dân tộc Việt Nam, đồng thời là điểm cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam DCCH. Từ rất sớm, trong Thông cáo về chính sách ngoại giao, Nhà nước Việt Nam DCCH đã cam kết cùng với các nước Đồng minh chung tay xây đắp lại nền hòa bình thế giới (1) và tuyên bố: "Mục đích của ta lúc này là tự do, độc lập. Ý chí của ta lúc này là dân chủ, hòa bình" (2). Thông cáo chỉ rõ mục tiêu bất di, bất dịch là "đưa nước nhà đến sự độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn" (3). Để thực hiện mục tiêu ấy, "tất cả chính sách ngoại giao phải có mục đích cốt yếu là giúp cho sự tranh đấu ấy thắng lợi bằng mọi phương pháp êm dịu hay kiên quyết" (4).

Có thể thấy, trong cơn "nước sôi, lửa bỏng", Chính phủ Việt Nam DCCH đã đánh giá điều kiện khách quan, chủ quan, đưa ra phương pháp đấu tranh ngoại giao lấy đối thoại, thương lượng hòa bình làm nền móng.

Nhằm làm rõ hơn những nội dung đối ngoại quan trọng mang tính nguyên tắc, Chỉ thị kháng chiến kiến quốc (25/11/1945) nhấn mạnh hai vấn đề cơ bản: "Một là, thuật ngoại giao là làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết; hai là, muốn ngoại giao được thắng lợi là phải biểu dương thực lực" (5). Nắm vững những định hướng và nguyên tắc đối ngoại nêu trên, Nhà nước Việt Nam DCCH đã tiến hành những hoạt động đối ngoại hết sức đặc biệt, ngay chính trên đất nước mình, thực hiện những bước đi sách lược khôn khéo, nhân nhượng, đối thoại với kẻ thù.

Trước tiên, Chính phủ Việt Nam DCCH tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng, "chủ trương Hoa – Việt thân thiện, coi Hoa kiều như dân tối huệ quốc" (6), nhân nhượng cho quân Tưởng một loạt quyền lợi, song kiên quyết không để chúng can thiệp vào nội trị và xâm hại đến độc lập, tự do. Bước hòa hoãn sách lược ấy đã cho thời gian rảnh tay đối phó với quân Pháp ở miền Nam, từng bước phá tan âm mưu “diệt Cộng cầm Hồ”, “Hoa quân nhập Việt” của Tưởng Giới Thạch, bảo vệ chính quyền cách mạng.

Tuy nhiên, để cứu vãn quyền lợi chung của đế quốc, chống phong trào cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa, Pháp – Tưởng đã ký kết Hiệp ước Trùng Khánh (28/2/1946), mua bán, trao đổi lợi ích, "bắt nhân dân Việt Nam nhắm mắt nuốt chửng Hiệp ước Hoa – Pháp" (7). Hiệp ước Trùng Khánh đã đặt nhân dân Việt Nam trước những thử thách mới – quân Pháp quay trở lại miền Bắc Việt Nam thay thế cho quân đội Trung Hoa Dân Quốc làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật - điều đó cũng đồng nghĩa rằng, cuộc mặc cả Tưởng – Pháp đã bật đèn xanh cho Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam một cách dễ dàng hơn.

"Tổ quốc lâm nguy!"- lúc này, lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, tự do; nhiệm vụ trọng yếu của toàn thể nhân dân là bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ chế độ. Trên quan điểm: "Tổ quốc trên hết!", "Dân tộc trên hết!", Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương: "Củng cố chính quyền, dùng chính trị, ngoại giao, vũ khí cần thiết, đến dùng quân sự để giữ vững nền độc lập" (8).

2- Trong thời khắc gay go, nhận thức rằng, "dù nhân dân Đông Dương muốn hay không muốn, nhất định chúng cũng thi hành Hiệp ước ấy" (9), Đảng Lao động Việt Nam khẳng định: Vấn đề đặt ra không phải là đánh hay không đánh, mà phải biết mình biết người. Phân tích tình hình một cách tỉnh táo, đúng đắn Đảng, Nhà nước Việt Nam DCCH nêu nguyên tắc: "Nhận một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng" (10).

Từ nhận thức đó, một quyết sách đã đi vào lịch sử - Hòa để tiến, hòa hoãn, đối thoại, loại trừ mầm mống chiến tranh, gắng sức tránh chiến tranh, nhất là một cuộc chiến tranh đến sớm.

Chủ trương "Hòa để tiến" được thực hiện thông qua việc ký kết Hiệp định Sơ bộ Pháp - Việt (6/3/1946). Dù còn những điều bất lợi, song ký kết Hiệp định, Việt Nam DCCH đã đạt được những mục tiêu vô cùng quan trọng: Thứ nhất, bản hiệp định mang tính chất văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập ký với nước ngoài, có sự chứng kiến của đại diện các nước Mỹ, Anh và Trung Hoa, chứng tỏ rằng, Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp, "nước Pháp đã thừa nhận nước Việt Nam là một nước tự chủ" (11); thứ hai, biến thoả thuận tay đôi Hoa - Pháp thành thoả thuận tay ba Việt - Pháp – Hoa, kết thúc vai trò của lực lượng Tưởng Giới Thạch về mặt pháp lý ở Việt Nam, làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho đất nước; thứ ba, bảo toàn được thực lực, "dành được giây phút nghỉ ngơi để sửa soạn cuộc chiến đấu mới" (12).

Quan trọng hơn hết thảy là hòa không phải là lùi bước, không phải là đầu hàng, không phải là thất bại, không nhụt ý chí chiến đấu, mà hòa là bước đệm để toàn dân tộc "không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu (...), hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy" (13). Đây cũng là điểm cốt tử của đối ngoại Việt Nam những năm đầu độc lập, nhằm kết hợp với những hoạt động đối nội trong một thể thống nhất, tạo thành sức mạnh cần và đủ cho chính quyền non trẻ trụ vững, để chế độ mới tồn tại một cách vững chắc trên con đường gánh vác tương lai của dân tộc.

Nhờ quyết sách ấy, đất nước đã vượt qua tình thế "ngàn cân treo sợi tóc”, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến được lường định là khó tránh khỏi, là vô cùng khó khăn, lâu dài và gian khổ. Nhà Sử học người Pháp Christopher E. Goscha đã bình luận về việc ký kết hiệp định này như sau: "Hiệp định Sơ bộ Pháp - Việt đã mang lại cơ hội cho một Việt Nam phi thực dân hóa trong hòa bình, có thương lượng. Hồ Chí Minh đã hiểu rõ điều này và hy vọng sẽ nắm bắt thời cơ để tránh để chiến tranh nhấn chìm toàn bộ Đông Dương" (14).

3- Sau khi Cách mạng tháng Tám vừa thành công, nạn giặc ngoại xâm và "nội xâm" cùng hoành hành, có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, đe dọa an nguy của chế độ mới. Cân nhắc cẩn trọng các điều kiện chủ quan, khách quan, lợi dụng triệt để mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, Đảng Lao động Việt Nam chủ trương nhân nhượng, thoả hiệp có nguyên tắc để phá thế bế tắc, vượt qua khó khăn, tranh thủ thời gian, bảo toàn thực lực, biến thời gian thành lực lượng vật chất, tiếp tục xây dựng thực lực, biểu dương thực lực, bảo vệ vững chắc chế độ mới.

Chủ động, độc lập tự chủ trong đường lối và kiên quyết hành động, Nhà nước Việt Nam DCCH chưa đầy tuổi thôi nôi, chiến đấu trong vòng vây của kẻ thù đã không đứng yên chờ đợi, chịu sự chi phối, định đoạt số phận từ các nước lớn, mà vận dụng đối ngoại để bảo vệ lợi ích của mình. Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 là sự thể hiện tập trung và nổi bật của nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” – triết lý hành động của ngoại giao Việt Nam.

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" là lấy cái không thể thay đổi để ứng phó với muôn sự thay đổi, lấy cái "vạn biến" để bảo vệ, giữ gìn, củng cố và phát triển cái "bất biến". Triết lý hành động này của đối ngoại Việt Nam gắn chặt với các hoạt động thực tiễn; trong đó, cái "bất biến" là lợi ích của dân tộc, là độc lập, tự do, đặt độc lập, tự do là lợi ích tối cao của dân tộc; còn cái "vạn biến" chính là những biện pháp, hành động một cách hết sức linh hoạt, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kết hợp hài hoà giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa chiến lược và sách lược, giữa cương và nhu, giữa chủ động và sáng tạo.

Với triết lý ấy, trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ, linh hoạt trong đấu tranh, chủ động, kiên quyết và khôn khéo, Hiệp định Sơ bộ đã cho phép Nhà nước Việt Nam Việt Nam DCCH còn non trẻ trong những thời điểm nguy nan của đất nước biến nghịch thành thuận, biến những khả năng mỏng manh thành hiện thực có lợi cho đất nước.

Từ những kinh nghiệm về ký kết Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, nắm vững triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, ngoại giao Việt Nam đã làm nên những thành công quan trọng ở các hiệp định mang tính bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam: Hiệp định Geneva và Hiệp định Paris – những hiệp định đạt tới đỉnh cao triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” khi tạo ra những khoảng nghỉ cần thiết cho những bước phát triển quan trọng của cách mạng Việt Nam nhằm tiến tới thắng lợi cuối cùng.

Trong những năm đổi mới, trước mọi thử thách và nguy cơ từ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, với cẩm nang “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Nhà nước Việt Nam xác định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, với tinh thần "Việt Nam sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới". Đường lối đối ngoại rộng mở, các chính sách đối ngoại linh hoạt, có tính thích ứng cao đã xây dựng, củng cố môi trường hòa bình xung quanh đất nước, ứng phó với tác động sự sụp đổ Đông Âu, Liên Xô, tích cực hội nhập quốc tế. "Ứng vạn biến" không chỉ đưa Việt Nam ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, mà còn tạo những bước phát triển quan trọng, đem lại thế và lực mới cho đất nước giữ vững mục tiêu bất biến - độc lập dân tộc.

Trên con đường hội nhập, phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt khi vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã khác trước, Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế tin tưởng, giao phó các trọng trách ở các tổ chức đa phương, nhưng thời cơ và thách thức vẫn đan xen, tích cực và tiêu cực vẫn tồn tại, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo vẫn gay gắt, thì những bài học kinh nghiệm từ việc ký kết Hiệp định Sơ bộ vẫn còn nguyên những giá trị vượt thời gian của nó. Chỉ khi biết nhuần nhuyễn, linh hoạt mở rộng giới hạn của điều có thể, thu hẹp giới hạn của điều không thể, biết mình, biết người, biết thời thế, biết vận động, biến đổi phù hợp trong đối ngoại, Việt Nam mới có thể "sánh vai với các cường quốc năm châu", tồn tại vững vàng; đồng thời, phát triển bền vững trên bàn cờ cũng như trong thế cờ địa - chính trị khu vực và thế giới.

* Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội


(1) Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Báo Cứu quốc, ngày 3/10/1945, tr.1.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr.437.

(3) Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tlđd, tr.1.

(4) Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tlđd, tr.1.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sdđ, tr. 27.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 27.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 42.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr.6.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 41.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 44.

(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.305.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr.45.

(13) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 46.

(14) Christopher E. Goscha , Historical Dictionary of the Indochina War (1945–1954), University of Hawaii Press, 2012, p.12.