📞

Giấc mơ chinh phục văn đàn của cô bé khuyết tật

14:10 | 29/03/2013
Nếu có cơ hội gặp Trần Trà My, bạn sẽ không thể không khâm phục nghị lực phi thường của cô gái bé nhỏ này. Không thể nói tròn chữ, đôi chân bị liệt, hai tay co rút chỉ cử động được duy nhất một ngón tay nhưng Trà My đã vượt qua tất thảy để trở thành một cây bút trẻ được nhiều người yêu mến và mang đến cho văn đàn những trang sách ý nghĩa, tràn đầy tình yêu thương cuộc sống.
Trà My đã vượt qua tất thảy để trở thành một cây bút trẻ.

Sinh ra trong gia đình nghèo ở Quảng Trị, chỉ 3 tháng sau ngày ra đời, Trà My phải nhập viện để phẫu thuật khối u máu ở chân. Sống sót thần kỳ sau ca đại phẫu, Trà My tỉnh dậy trong sự vỡ oà vui mừng của gia đình. Nhưng số phận lại một lần nữa trêu đùa cô gái nhỏ khi bác sỹ chẩn đoán cô bị tổn thương vùng não, ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động. Từ đó, người My yếu dần đi, mềm nhũn và chỉ nằm yên tại chỗ. Do hệ thần kinh quá yếu, chỉ một tiếng động cũng khiến My sợ hãi và ngã lăn ra đất. My không thể đến trường, không thể theo học và chơi đùa cùng các bạn đồng trang lứa. Cánh cửa cuộc đời dường như khép lại với cô gái nhỏ bất hạnh…

My kể cô đã gặp biết bao thất bại tưởng chừng gục ngã, đã có lúc My cảm thấy căm ghét bản thân bởi mình là kẻ tàn phế. Trong cô luôn khát khao cháy bỏng được sống một cuộc sống có ý nghĩa, được đi nhiều nơi và có thật nhiều bạn bè nhưng số phận nghiệt ngã tưởng như đã cướp đi của My tất cả. Năm 16 tuổi, My trải qua một cú sốc lớn và tìm đến cái chết nhưng không thành. Kể từ đó, My bắt đầu thay đổi và ý thức hơn về giá trị của mình. "Bài học lớn nhất tôi đã học được sau những chuyện như vậy là con người ta chỉ thật sự thành công khi họ quên đi số phận kém may mắn của mình, để sống và vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống; dẫu cho bạn là một người lành lặn hay khuyếm khuyết thì bạn vẫn là một con người mà thôi! Bởi một nhẽ sự mặc cảm không bao giờ tồn tại trong những người yêu cuộc sống và khát khao được sống", Trà My tâm sự.

Dù chưa một ngày được đến trường nhưng ước muốn được đem câu chuyện của đời mình để kể cho mọi người, được truyền cảm hứng và mang lại sức mạnh niềm tin cho nhiều người đã thôi thúc Trà My tìm đến những trang viết. My bắt đầu học viết văn. Viết để được trút những suy nghĩ của mình vào đó và được sống với bao số phận nhân vật khác nhau…

Khởi đầu với truyện ngắn đầu tay "Bán trinh" kể về số phận của những nữ sinh nghèo lên thành phố học, My nhanh chóng được biết đến qua một phóng sự được giải trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc. Không dừng lại ở đó, My đã có quyết định táo bạo khi một mình vào Sài Gòn lập nghiệp. Nhưng cuộc sống tại nơi thành phố bon chen chật hẹp, khắc nghiệt với người bình thường bao nhiêu thì với một người khuyết tật như My không thể nào liệt kê ra hết. My vẫn kiên trì bám trụ, tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ của mình bằng việc viết cho các tờ báo, các tạp chí, viết các chương trình event nhỏ cho các câu lạc bộ.

Năm 2008, My ra Hà Nội xin được xuất bản tác phẩm đầu tay Giấc mơ thiên thần. Nhiều nhà xuất bản từ chối in, cũng chỉ vì là văn của người khuyết tật. Suốt 1 năm trời, My đã đi gõ cửa rất nhiều nhà xuất bản, rồi tự mình chỉnh sửa bản thảo, cuối cùng sách của My được NXB Lao động đồng ý xuất bản, lần đầu 1.000 cuốn, sang năm sau 2010 đã tái bản 2.000 cuốn. Trong thời gian đó, My lại cho ra đời thêm cuốn sách Chúng ta chính là Mùa xuân.

Bước sang tuổi 26 tuổi, vừa qua, Trà My đã cho ra đời cuốn sách thứ ba để kỷ niệm 10 năm viết văn mang tên Yêu… trên từng ngón tay, tập hợp 11 truyện ngắn mới nhất được in trên các báo Tiếp thị & Gia Đình, Eva, Phụ nữ Việt Nam,…xoay quanh tình yêu, hôn nhân của những người phụ nữ trẻ trong cuộc sống hiện đại.

Yêu … trên từng ngón tay là những câu chuyện nhỏ nhặt, những tình huống thường ngày khi người phụ nữ âm thầm hi sinh cho tình yêu, gia đình, cho cả những người con dù không phải do họ sinh ra. Họ là những người phụ nữ như những bản tình ca bất tận của cuộc sống với những nốt nhạc trầm bổng khác nhau, tạo nên những câu chuyện giàu tình nhân văn... 11 truyện ngắn trong cuốn sách, truyện nào cũng mở ra từ những nhức nhối, dằn vặt, những nỗi đau,… nhưng kết thúc mỗi truyện luôn là niềm tin và hi vọng. Nhờ đâu mà có phép màu ấy? Phương thuốc thần được Trần Trà My "kê" cho mỗi nhân vật chính là tình thân và tình yêu. Có tình yêu, con người ta biết tha thứ, biết hi sinh, biết chấp nhận để vun đắp, để dựng xây. Có tình thân, con người ta có nơi tựa vào, có chốn quay về để vươn lên, để tiến xa hơn nữa.

Hồng Nga