📞

Giấc mơ về một châu Âu không biên giới đã xa mờ

19:54 | 17/01/2017
Sáu quốc gia châu Âu đã áp dụng quy định miễn thị thực vừa thiết lập lại việc kiểm soát thị thực. Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? 

Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng người tị nạn châu Âu năm 2015, sáu quốc gia gồm Áo, Đan Mạch, Pháp, Đức, Thụy Điển và Na Uy đã tạm thời áp dụng lại việc kiểm soát bằng thị thực tại hầu hết các điểm biên giới thuộc vùng tự do đi lại theo quy định của Hiệp ước Schengen về miễn thị thực.

Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là rõ ràng các quốc gia này đều đã mất niềm tin vào khả năng quản lý‎ dòng người di trú của các quốc gia láng giềng

Trong khi đó, việc người tị nạn tập trung quá nhiều tại các nước có diện tích nhỏ hẹp, ví dụ như Hy Lạp – nơi thời tiết khắc nghiệt trong tháng này đã khiến cho hàng ngàn người tị nạn phải ẩn trong những căn lều tạm bợ – vẫn không có dấu hiệu suy giảm.

Binh lính đang dựng hàng rào ở Slovenia - thuộc vùng ngoại vi của Vùng Schengen. (Nguồn: Reuters)  

Hệ quả là hàng rào biên giới được hình thành, không những gây ra khủng hoảng nhân đạo mà còn ảnh hưởng đến môi trường, chặn đường di trú của một số loài động vật, khiến cho những loài này lâm vào nguy cơ suy giảm hoặc thậm chí tuyệt chủng.

Điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm lạc quan ban đầu được đưa ra trong Hiệp ước Schengen về một khu vực miễn thị thực. Tất nhiên là Liên minh châu Âu đã không thông qua được hiệp định này. Dù đã có thêm Na Uy và Thụy Sỹ là thành viên nhưng Vương quốc Anh, Ireland và các quốc gia phía Đông Nam châu Âu (không bao gồm Hy Lạp) vẫn đứng ngoài cuộc.

Mất tin tưởng

Hiệp ước Schengen vẫn còn đó. Cũng không quốc gia nào dám bác bỏ những điều khoản mà mình đã ký kết‎. Vấn đề nằm ở chỗ các quy định về kiểm soát biên giới đã tồn tại khá lâu và dường như sẽ trở nên "bền vững" khó thay đổi.

Giám đốc Viện Chính sách di dân châu Âu, bà Elizabeth Collett, cho biết, một số nước nêu quan điểm “nếu tôi ổn và tự quản lý được biên giới của mình thì tôi sẽ không quan tâm lắm đến việc của người khác”.

Bà Collett nói: “Niềm tin về hợp tác quốc tế đang ngày càng mai một dần đến mức báo động. Và đó chính là điều khiến cho các quy định của Hiệp ước Schengen dần mất đi tính hiệu lực. Hợp tác là phải tin tưởng lẫn nhau trong khi chúng ta đã mất đi sự tin tưởng đó.”

Những bất cập

Lòng tin mất đi một phần là do hệ thống, cơ cấu hoạt động của Hiệp ước không lường trước được các vấn đề có thể xảy ra. Vùng Schengen được mở rộng ra hầu hết các quốc gia thành viên EU thuộc khu vực Trung và Đông châu Âu năm 2007 là dựa trên quy tắc cơ bản: Việc đi lại bên trong Vùng Schengen sẽ không phải qua kiểm soát hộ chiếu, nhưng vẫn kiểm soát gắt gao tại các cửa khẩu biên giới của Vùng ra bên ngoài.

Theo đó, vấn đề đặt ra là cần phải xây dựng các chuẩn an ninh biên giới chung cho các nước, để khi cần mỗi nước đều có thể kêu gọi sự trợ giúp từ các quốc gia khác. Nếu không, tất cả các quốc gia sẽ thường xuyên phải đón nhận dòng người đến từ các nơi có sự quản lý lỏng lẻo về biên giới.

Châu Âu đang phải đối phó với dòng người nhập cư đông đúc đến từ nhiều nơi trên thế giới. (Nguồn: AP)

Sự việc ngày càng trở nên phức tạp khi các quốc gia EU không đồng tình về khái niệm “biên giới nội bộ” (biên giới giữa các nước bên trong Vùng Schengen).

Theo bà Collett cho biết, các nước thành viên Tây Âu của vùng Schengen cho rằng việc mở cửa biên giới nội bộ và xây dựng khu tị nạn là hai nhiệm vụ phải được gắn liền với nhau. Tuy nhiên các nước thành viên Trung Âu lại có cách nhìn nhận khác, theo đó họ cho rằng, "xây dựng khu tị nạn phải là trách nhiệm của Schengen. Hai nhiệm vụ này là hoàn toàn tách biệt và chúng tôi không thừa nhận việc này”.

Bà Collett cho biết, Hungary và một số quốc gia khác cách đây vài tháng đã nêu ra quan điểm “không muốn tiếp nhận những người tị nạn và sẽ thắt chặt hơn nữa việc bảo vệ biên giới", "những việc còn lại thuộc trách nhiệm của các quốc gia khác”.

Một gia đình người Syria đang tìm cách vượt hàng rào ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để vào châu Âu. (Nguồn: AFP)

Chủ nghĩa dân túy  

Tại châu Âu, các nhà chính trị theo chủ nghĩa dân túy đang yêu cầu phải tăng cường an ninh biên giới do sợ tấn công khủng bố. Lý do là hoàn toàn chính đáng nhưng khó khăn chồng chất khó khăn khi các động thái chính trị kiểu này có khả năng sẽ gạt bỏ các giải pháp hữu hiệu được đặt ra.

Bà Collett nói: “Các giải pháp, biện pháp này có thể làm cho mọi người cảm thấy an toàn, chẳng hạn như, tôi lấy ví dụ, cho quân đội tuần tra các đường phố Brussels hoặc tăng cường kiểm tra xuất nhập cảnh tại các sân bay. Tuy nhiên các chính trị gia này chỉ cho thấy là chính phủ đang làm cái gì đó chứ không cần quan tâm cái đó có hiệu quả hay không. Hay nói cách khác, là họ đang hành động để trấn an dư luận chứ không để ‎ý đến việc phải giải quyết gốc rễ của vấn đề.”

Xét về mặt kinh tế, ở nơi mà có đến 1,3 tỷ dân hàng năm thường xuyên phải di chuyển, đi công tác và đi du lịch, thì việc kiểm soát hết các điểm biên giới sẽ gây cản trở đến các hoạt động kinh tế và phát sinh chi phí khổng lồ. Chưa hết, báo The Economist khẳng định rằng việc kiểm soát biên giới chặt chẽ sẽ làm giảm sản lượng Vùng Schengen tới 134 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Mới đây quy định mới về kiểm soát biên giới giữa Thụy Điển và Đan Mạch đã làm nảy sinh mâu thuẫn, khiến cho một số người thường xuyên phải di chuyển bằng xe buýt và ô tô đã đòi kiện chính phủ Thụy Điển. Rồi Slovenia cũng đã phải kiến nghị với Áo nên giảm các thủ tục kiểm soát biên giới do gây ra các tác động tiêu cực tới nền kinh tế của nước này.

Theo bà Collett, có thể sẽ có động thái tái cơ cấu vùng Schengen – Hy Lạp sẽ bị gạch tên, Trung Âu và sáu nước thành viên đầu tiên (Pháp, Đức, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan và Italy) sẽ tự phân chia địa phận để quản l‎ý biên giới.

Hiệp ước Schengen là hiệp ước về đi lại tự do, do một số nước Châu Âu ký kết. Hiệp ước Schengen được thoả thuận xong ngày 19/6/1990. Đến ngày 27/11/1990, 6 nước Pháp, Đức, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan và Italy chính thức ký Hiệp ước Schengen. Hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ký ngày 25/6/1991.

Hiệp ước quy định quyền tự do đi lại của công dân các nước thành viên. Đối với công dân nước ngoài chỉ cần có visa của một trong các nước trên là được phép đi lại trong toàn bộ khu vực Schengen.

Tính đến 19/12/2011, tổng số quốc gia công nhận hoàn toàn hiệp ước này là 26 nước, được gọi là các quốc gia Schengen: Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Italy, Hy Lạp, Thụy Sỹ, Liechtenstein (trong đó có 22 nước thuộc Liên minh châu Âu).

(theo CityLab)