Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi hòa nhạc. Ảnh:Minh Châu/TG&VN |
Vừa là MC dẫn chương trình, vừa là người trình diễn độc tấu trên sân khấu, ông Alain Lefévre đã làm được như lời ông nói ban đầu là: lần đầu tiên ông đến Việt Nam và mong muốn đem lại điều đặc biệt cho khán giả. Và, Ông đã làm được điều đặc biệt đó.
Ông lựa chọn những tác phẩm của 3 người: nhà soạn nhạc Francois Dompierre, các tác phẩm do ông tự biên soạn và cuối cùng là những tác phẩm của André Mathieu với cùng một màu âm nhạc, mang đậm chất lãng mạn tự sự, để dẫn dắt khán giả qua nhiều đợt cảm xúc đi hết cung bậc này đến cung bậc khác, bằng những kỹ năng điêu luyện. Khan giả yêu nhạc Hà Nội dường như được thăng hoa âm nhạc trong suốt gần 2 giờ đồng hồ do Alain Lefévre công diễn.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: “Buổi hòa nhạc hôm nay sẽ không chỉ mang lại những âm hưởng và giai điệu của nghệ thuật mà còn là những âm hưởng của tình hữu nghị và hợp tác Việt Nam- Canada trong 40 năm qua và nhiều năm tới...” |
Đặc biệt trào dâng trong chương trình có lẽ là phần II, làm nức lòng khán giả. Phần tác phẩm do chính ông biên soạn từ năm 1962, năm tác phẩm âm nhạc gồm: Dis-moi tout, Balalaika, Un ange passe, Petite mère, Vingt ans. Bản Dis-moi tout, Alain Lefévre viết về chuyện một đứa bé hết sức yêu cha của mình và muốn bày tỏ nỗi lòng với cha. Qua Dis-moi tout, Alain Lefèvre thể hiện đầy đủ con người, phẩm chất, cá tính của mình. Bản nhạc trữ tình này có thể khiến người ta rơi nước mắt vì đầy nét tự sự, như thủ thỉ chuyện trò với người đối diện, hai tay đàn như đối đáp nhau, cũng như trút nỗi lòng tâm sự của cá nhân mà không đòi hỏi ai phải hiểu thấu. Ở bản Balalaika, Alain Lefévre làm rung động người nghe với chất liệu dân ca hồn hậu, thơ mộng. Sang bản Un ange passé, tiếng đàn của ông nói lên tấm lòng của chính mình về người cha đã qua đời, những day dứt, rồi như tha thứ, nồng nàn đầm ấm. Ở phần II, người nghe thấy những âm thanh nhiều bè bởi “10 ngón tay ma thuật xứ Quebec ” như báo đài quốc tế từng nhắc đến tiếng đàn của ông, với tốc độ quá nhanh, kỹ thuật cực cao mà âm thanh cho ra lại sạch không tin nổi. Những nốt nhạc đôi khi như nổi loạn, quặn đau lôi cuốn người nghe hết mực.
Nhà soạn nhạc - nghệ sỹ dương cầm nổi tiếng thế giới Alain Lefevre. Ảnh: Minh Châu/TG&VN |
Khi tiếng dương cầm của Alain Lefevre kết thúc trên sân khấu. Cả khán phòng im lặng trong một giây, rồi chợt ào lên tiếng vỗ tay không ngớt.
Đúng như lời bà Đại sứ Canada, Deborah Chatsis nói trước buổi biểu diễn. “Sự kiện tối nay đánh dấu mốc son 40 năm quan hệ và tôi thấy khó có thể nghĩ ra cách hay hơn để chúc mừng mối quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc bằng cách cùng thưởng thức một buổi hòa nhạc. Nhờ ngôn ngữ chung âm nhạc, chúng ta có chung cảm nhận và trên nền cảm nhận chung ấy quan hệ giữa hai nước chúng ta sẽ ngày càng được vun đắp, thắm thiết”.
Cũng xin lấy lời phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại buổi biểu diễn thay cho tấm lòng người yêu nhạc Hà Nội gửi tới ông Alain Lefévre: “Buổi hòa nhạc hôm nay sẽ không chỉ mang lại những âm hưởng và giai điệu của nghệ thuật mà còn là những âm hưởng của tình hữu nghị và hợp tác Việt Nam- Canada trong 40 năm qua và nhiều năm tới...”
Minh Hòa