📞

'Giải mã' việc Mỹ đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston

19:36 | 27/07/2020
TGVN. Mỹ đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là bởi hoạt động gián điệp của lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đã vượt quá "lằn ranh đỏ" nên khó có thể được chấp nhận?
Cơ quan chức năng Mỹ tiến vào Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston do cáo buộc là trung tâm hoạt động gián điệp. (Nguồn: Reuters)

Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gia tăng trở lại trong tuần qua sau khi Mỹ ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, cho rằng “đây là một mạng lưới gián điệp Trung Quốc cố gắng đánh cắp dữ liệu từ các cơ sở tại Texas”. Trong một động thái trả đũa, Trung Quốc sau đó đã đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, cáo buộc nhân viên Mỹ can thiệp vào các vấn đề nội bộ.

Tại sao lại là Houston?

Các quan chức cấp cao Mỹ nói rằng, hoạt động gián điệp của các phái đoàn ngoại giao Trung Quốc đang diễn ra trên khắp nước Mỹ, nhưng hoạt động gián điệp của lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đã vượt quá "lằn ranh đỏ" nên khó có thể được chấp nhận.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là một "trung tâm gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ", một cáo buộc mà Trung Quốc bác bỏ và coi đó là “sự vu khống độc hại".

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng liên kết hoạt động gián điệp của lãnh sự quán này với việc Trung Quốc đang cố gắng theo đuổi nghiên cứu vaccine phòng chống virus gây ra dịch Covid-19. Theo ông Anthony Glees, một chuyên gia về an ninh và tình báo, đồng thời là giáo sư chính trị tại trường Đại học Buckingham, Houston là một “điểm nóng” về thông tin do nơi đây có nhiều cơ sở nghiên cứu hàng không vũ trụ và dược phẩm, đặc biệt trong bối cảnh của đại dịch Covid-19.

Động thái trả đũa của Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô cũng có thể là một lựa chọn dựa trên vị trí chiến lược. Giáo sư Wu Xinbo, một chuyên gia nghiên cứu về Mỹ thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải- nói: "Đó là nơi Mỹ thu thập thông tin về Tây Tạng và các hoạt động triển khai vũ khí chiến lược của Trung Quốc ở các khu vực láng giềng".

Giới chuyên gia nhận định, các vấn đề từ thương mại cho tới đại dịch, các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông đã khiến cho mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Sau vụ đột nhập vào địa điểm Houston bị đóng cửa, Trung Quốc đe dọa trả đũa và Nhà Trắng không loại trừ khả năng đóng cửa tiếp các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc. Trong một sự cố có liên quan về một nhà nghiên cứu ấn náu trong lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco, sau khi bị cáo buộc nói dối các nhà điều tra về quan hệ của cô với quân đội Trung Quốc cũng đã bị các quan chức Mỹ bắt giữ. Tổng thống Donald Trump đã phát biểu trước các phóng viên hồi đầu tuần trước rằng: "Việc đóng cửa thêm các cơ quan ngoại giao Trung Quốc là có thể xảy ra".

Những vụ việc tương tự hiếm hoi

Việc đóng cửa các đại sứ quán với cáo buộc hoạt động gián điệp là rất hiếm, nhưng nhân viên ngoại giao bị buộc tội làm gián điệp và bị trục xuất trong quá khứ thì rất nhiều. Năm 2018, 153 nhân viên ngoại giao Nga đã bị Vương Quốc Anh và các nước đồng minh trục xuất sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái ông này tại thị trấn Salisbury ở Anh. Nga đã đáp trả bằng cách trục xuất 23 nhân viên ngoại giao Anh và ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Anh tại St Petersburg và Văn phòng Hội đồng Anh ở Moscow.

Trong thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh, Anh đã trục xuất 25 nhân viên ngoại giao của Liên Xô sau vụ đào tẩu của Oleg Gordievsky, cựu sỹ quan chỉ huy hoạt động của Cơ quan Tình báo Liên Xô (KGB) tại London và cũng là người đã chỉ tên những nhân viên KGB hoạt động trong đại sứ quan Xô Viết tại London. Tại Canberra, Đại sứ quán Liên Xô đã bị đóng cửa năm 1954 khi một sĩ quan tình báo đào tẩu, đề nghị cung cấp thông tin về hoạt động gián điệp của Liên Xô chống lại Australia và phương Tây. Đại sứ quán Liên Xô đã được phép mở cửa trở lại năm 1959.

(theo Abc.net.au)