📞

Giải quyết bất bình đẳng để không ai bị bỏ lại phía sau

20:50 | 12/01/2017
Theo báo cáo về bất bình đẳng tại Việt Nam do Oxfam thực hiện, người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất Việt Nam trong 10 năm.

Hôm nay (12/1) tại Hà Nội, Oxfam đã công bố báo cáo về bất bình đẳng tại Việt Nam và khởi động chiến dịch thu hẹp khoảng cách.

Tới dự có ông Steve Price Thomas (Giám đốc vận động chính sách và chiến dịch toàn cầu, Oxfam quốc tế), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ông Nguyễn Hoàng Mai  - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, ông Hoàng Đức Minh (Giám đốc Wake it Up), ông Lê Quang Bình - Chủ tịch Nhóm công tác vì sự tham gia của người dân (PPWG) và bà Babeth Ngọc Hân Lefur (Giám đốc quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam)…

Chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam khá lớn

Phát biểu khai mạc, bà Lilian Mercado (Giám đốc Oxfam quốc tế tại châu Á) cho rằng: “Bất bình đẳng hiện là rào cản lớn trong tương lai, đồng thời ngăn cản cơ hội của người nghèo trong việc cống hiến cho xã hội, từ đó làm suy yếu kết cấu xã hội, gây ra mầm mống tội phạm, tham nhũng, tệ nạn xã hội. Vì vậy, giải quyết bất bình đẳng để không ai bị bỏ lại phía sau chính là mục tiêu của phát triển bền vững”.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Gia Hưng)

Riêng tại Việt Nam, nghiên cứu của Oxfam cho thấy, mức độ thay đổi khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất là khá lớn. Người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất trong 10 năm. Trong một giờ, người giàu nhất Việt Nam có thu nhập từ các nguồn tài sản cao hơn gần 5.000 lần thu nhập của nhóm 10% nghèo nhất Việt Nam chi hàng năm cho các nhu cầu thiết yếu. Thu nhập một năm của nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam thừa sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước.

Bất bình đẳng kinh tế đi kèm với bất bình đẳng về tiếng nói và cơ hội. Việc không được tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục do thu nhập thấp và bị phân biệt đối xử cũng đang kìm hãm sự tiến bộ của nhóm hộ nghèo. Vì nghèo nên họ không thể đảm bảo việc học hành cho các con mình, thậm chí có nhiều trẻ em gái phải nghỉ học để các anh/em của mình được tiếp tục đến trường. Người nghèo cũng có xu hướng sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng kém hơn. 

Nghiên cứu cũng tập trung rà soát bốn trụ cột của khung chính sách về bình đẳng, bao gồm hệ thống thuế, xã hội hóa các dịch vụ công, chi tiêu công cho y tế và giáo dục và chính sách cho người lao động. Các chính sách hiện hành của Việt Nam theo bốn lĩnh vực này cho thấy cả điểm mạnh và những điểm cần cải thiện.

Làm gì để giảm bất bình đẳng?

Theo bà Babeth Ngọc Hân Lefur - Giám đốc quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam, mô hình kinh tế của Việt Nam thời kỳ sau đổi mới đã rất thành công trong việc tạo ra mức tăng trưởng cao, trong khi vẫn giúp phần lớn người dân Việt Nam thoát nghèo và có cuộc sống khá giả hơn.

Tuy nhiên, khung chính sách hiện hành chưa đủ để giải quyết các dạng bất bình đẳng đang ngày càng phổ biến trong xã hội Việt Nam, như bất bình đẳng theo vùng, giữa các giới và nhóm dân tộc, các dạng chênh lệch về tiếng nói và cơ hội.

Chị Thảo Vân - một đại biểu cho người khuyết tật chia sẻ tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Gia Hưng)

“Để ngăn chặn nghèo và giảm nghèo mạnh hơn nữa, Chính phủ cần nhìn nhận tất cả các dạng bất bình đẳng về kinh tế và cơ hội đang gia tăng tại Việt Nam và có các biện pháp phù hợp. Nếu không, những người nghèo nhất và những người thiệt thòi sẽ không được hưởng lợi từ thành quả phát triển kinh tế”, bà Babeth Ngọc Hân Lefur nhận định.

Theo bà Phạm Chi Lan, Việt Nam là nước thành công trong đổi mới và tăng trưởng kinh tế đi cùng xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng ở Việt Nam đang tăng lên là nỗi lo, nỗi trăn trở của toàn xã hội.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết bất bình đẳng, ông Nguyễn Hoàng Mai cho rằng cải cách dịch vụ công tốt hơn cho người dân phải được chú trọng hàng đầu. Bên cạnh đó, người dân phải được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, tạo cơ hội giúp họ hòa nhập và hòa đồng hơn.

Trong khi đó, ông Ngô Trường Thi trăn trở: "Cá nhân tôi mong muốn ba việc: tất cả mọi người dân nói chung, đặc biệt là người nghèo có được một mái nhà để ở; tất cả trẻ em đều được đến trường, không vì lý do khó khăn mà bỏ học; tất cả những đối tượng bảo trợ xã hội đều phải được bảo đảm mức sống tối thiểu".

Qua những phân tích đa chiều về bất bình đẳng, để giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng nghiêm trọng hiện nay, Việt Nam cần triển khai các chính sách tiến bộ về quản trị nhà nước, hệ thống thuế, dịch vụ công, quyền của người lao động và sự tham gia của người dân...

Giải quyết bất bình đẳng là sứ mệnh của Oxfam trong việc đấu tranh chống đói nghèo. Việt Nam là một trong hơn 40 nước đang cùng nỗ lực phát triển chiến dịch "Thu hẹp khoảng cách" ở các quốc gia. Chiến dịch "Thu hẹp khoảng cách" ở Việt Nam diễn ra từ năm 2016 đến 2019.

Oxfam là một liên minh quốc tế gồm 18 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại hơn 90 quốc gia trên thế giới. Tổ chức này là một phần của phong trào toàn cầu nhằm đem lại tác động lớn hơn trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng.