Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra từ ngày 2 - 3/3/2017 tại thành phố Nha Trang, Việt Nam, mở đầu cho Năm APEC Việt Nam 2017. Các đại biểu từ 21 nền kinh tế thành viên APEC đã khởi động triển khai các kế hoạch hành động chung nhằm mở rộng cơ hội kinh doanh và đầu tư và nâng cao năng lực để người dân và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung tận dụng được các cơ hội của một thế giới toàn cầu hoá và đang thay đổi nhanh chóng.
Bốn ưu tiên đúng và trúng của Việt Nam
Thông báo tới báo giới, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế Alan Bollard cho biết, trong hơn 10 ngày qua, các đại biểu APEC đã tiến hành gần 60 cuộc họp của nhóm kỹ thuật liên quan đến hầu hết các hoạt động của APEC như thương mại, đầu tư, biên giới, cải cách thương mại cũng như nâng cao năng lực và nhiều lĩnh vực chuyên môn khác. Trong hai ngày tiếp theo, các quan chức cao cấp của APEC sẽ cùng ngồi lại để đưa ra những quyết định về các ưu tiên của Việt Nam, cũng như các sáng kiến cụ thể sẽ được triển khai trong năm nay. “Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy sự tăng trưởng của khu vực, cũng như nâng cao đời sống của nhân dân trong khu vực", ông Bollard nói.
Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC Alan Bollard và Giám đốc điều hành PSU Denis Hew chủ trì cuộc họp báo chiều ngày 1/3. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Theo thông báo từ ông Alan Bollard, trong bối cảnh có những biến động mạnh trong môi trường thương mại và kinh tế, tác động của xu hướng chống toàn cầu hóa… nước chủ nhà Việt Nam đã đề xuất 4 lĩnh vực ưu tiên chính sách gồm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, trong đó tập trung thời gian và nguồn lực để tất cả mọi người cùng được hưởng lợi từ tăng trưởng, mở rộng cơ hội kinh tế, thương mại cho người dân và doanh nghiệp;
Ưu tiên thứ hai của Việt Nam là nâng cao hội nhập kinh tế sâu rộng trong khu vực, để có thể kết nối tất cả các nền kinh tế với nhau, cùng hưởng lợi từ thương mại và đầu tư. Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế hết sức năng động trong nỗ lực này.
Đánh giá về ưu tiên thứ ba của Việt Nam, ông Alan Bollard cho rằng, Việt Nam đã “rất trúng” khi đưa ra ưu tiên cải cách, thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia thương mại quốc tế. Bởi hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chưa được hội nhập sâu sắc vào các chuỗi đầu tư và thương mại toàn cầu.
Phóng viên đặt câu hỏi cho chủ tọa cuộc họp báo liên quan đến Hội nghị SOM1 APEC và các cuộc họp liên quan. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Việt Nam đã đưa ra ưu tiên thứ tư là an ninh lương thực và làm thế nào để tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó tốt với biến đổi khí hậu. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đã có nhiều sáng kiến về lĩnh vực này.
Trả lời phóng viên TG&VN về vai trò của các nền kinh tế vừa và nhỏ như Việt Nam trong việc tạo động lực mới cho tăng trưởng và liên kết khu vực, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế Alan Bollard cho rằng, các nền kinh tế vừa và nhỏ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế APEC, họ có mong muốn được đóng góp và nhận thức rõ hơn hết về tầm quan trọng của thương mại tự do. Vì thế, các nền kinh tế vừa và nhỏ hiện đã đóng vai trò lãnh đạo trong nhiều sáng kiến. Trong đó, nền kinh tế mở cửa của Việt Nam đang được hưởng lợi từ những nỗ lực này. Những dự án của APEC sẽ tiếp tục tiếp sức cho sự năng động của Việt Nam. Trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại về xu hướng chống toàn cầu hóa, thì APEC càng cần tiếp tục được đảm bảo bởi sự tham gia của các nền kinh tế như việt Nam.
Nhiều cải thiện trong khu vực
Cập nhật về bối cảnh kinh tế - xã hội trong khu vực và những ảnh hưởng của APEC, dựa trên những con số mới nhất trong năm 2016, Giám đốc PSU Denis Hew cho biết, tăng trưởng khu vực trong năm qua đã đạt 3,5% và năm 2017, con số tăng trưởng trong quý II dự kiến sẽ là 3,4%.
Ông Denis cho biết, có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế APEC đã được cải thiện, trong đó phải kể đến sự đóng góp mạnh mẽ của tiêu thụ tư nhân và nhà nước trong nền kinh tế. Hiện cũng có những khoảng không về tài chính để có thể tiến hành những gói kích thích nhất định. Mặc dù thương mại đã có những bước sụt giảm trong thời gian qua, nhưng giá cả hàng hóa, lương thực đang ở mức khá thấp, trong khi nhiều nền kinh tế có mức lãi suất thấp sẽ là những yếu tố khả quan để thúc đẩy tiêu dùng.
Cuộc họp báo thu hút đông đảo các phóng viên trong nước và quốc tế. (Ảnh: Nguyễn Hồng). |
Thời gian qua, nền kinh tế Việt nam đã thể hiện khả năng vượt qua bối cảnh khó khăn và đạt được những cải thiện đáng kể về chỉ số kinh doanh và thương mại.
“Dự kiến, nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng khoảng 3,3% trong năm 2017 và 3,6% trong năm 2018. Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới, nhưng chúng tôi quan sát thấy có những cải thiện trong khu vực, như tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở châu Âu, Nhật Bản, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển”, ông Denis Hew dự báo.
Về đầu tư nước ngoài, Giám đốc PSU cho biết, các số liệu cho thấy năm qua, khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn tiếp tục là một trong top 10 khu vực thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 500 tỷ USD). Tuy nhiên, thời gian tới, khu vực cần phải tính đến những rủi ro, trong đó, có chiều hướng tăng lãi xuất tăng của Mỹ.