📞

Giảm nghèo bền vững: Thành công nổi bật, ý nghĩa nhân văn của Việt Nam

Thu Trang 20:30 | 14/10/2021
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo bền vững của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những bước tiến lớn, trở thành một trong những thành công nổi bật, mang đậm ý nghĩa nhân văn trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới.
Giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán của Đảng và Nhà nước, được triển khai xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Từ khi thành lập nước năm 1945 đến nay, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, đời sống của nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước ta ưu tiên đặt lên hàng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “nếu nước độc lập mà dân ta vẫn đói, vẫn rét, không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” và “chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân”.

Chủ trương nhất quán, triển khai đồng bộ, bài bản

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030, đó là “quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Như vậy, kể từ Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001) đến nay, thuật ngữ an sinh xã hội đã luôn được Đảng ta đề cập trong các Nghị quyết Đại hội.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” (Điều 34), “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác” (Điều 59).

Có thể thấy rõ, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán của Đảng và Nhà nước, được triển khai xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Đây là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm đảm bảo quyền con người, nhất là quyền được đảm bảo an sinh xã hội của người dân theo quy định tại điều 34, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Vượt qua nhiều khó khăn, công tác giảm nghèo bền vững ở Việt Nam thời gian qua đã gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng, trở thành một trong những hình mẫu về thành tựu xóa đói, giảm nghèo, là câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho các nước đang phát triển.

Giai đoạn 2016-2020, kết quả giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức nổi bật, thể hiện trên nhiều yếu tố.

Các kết quả giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo là 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) giảm xuống còn 2,75% năm 2020 (năm cuối kỳ), trong 5 năm giảm bình quân 1,43%/năm (chỉ tiêu giảm 1-1,5%/năm); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm (chỉ tiêu giảm 3-4%/năm); tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5,4%/năm (chỉ tiêu giảm 4%/năm).

Cùng với đó là sự nâng cao nhận thức, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai công tác giảm nghèo bền vững. Cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện; huy động sự hưởng ứng tích cực của cả xã hội. Nhận thức của người nghèo dần thay đổi, cơ bản không còn ỷ lại, có nhiều tấm gương, điển hình thoát nghèo, tình nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Đồng thời, chương trình, cơ chế, chính sách, pháp luật về giảm nghèo được Chính phủ ban hành khá đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ toàn diện cho người nghèo, có chính sách giảm nghèo đặc thù, ưu tiên đối với các đối tượng yếu thế, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện.

Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện Chương trình giảm nghèo. Tổng nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình khoảng 120 nghìn tỷ đồng; trong đó gồm nguồn vốn trung ương (chiếm khoảng 35%), vốn huy động xã hội hóa hỗ trợ an sinh xã hội và giảm nghèo của các địa phương (chiếm khoảng 41%), vốn ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động an sinh xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp (chiếm khoảng 24%).

Đặc biệt, việc áp dụng chuẩn nghèo được Việt Nam triển khai đa chiều, bài bản. Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ. Kết quả là, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là một trong những quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc.

Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo, tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Mục tiêu phát triển bền vững là sự tiếp nối của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals – MDG) .

Đường giao thông trung tâm huyện Phong Thổ (Lai Châu) được xây dựng khang trang. (Nguồn: TTXVN)

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Nhờ đó, thu nhập người dân được nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, nhất là người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Bằng chứng là thu nhập của người nghèo tăng hơn 2 lần trong 5 năm vừa qua. Hơn 13.000 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi; 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài.

Nhờ chương trình, cơ chế, chính sách phù hợp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng được ưu tiên đầu tư, làm thay đổi bộ mặt địa bàn nghèo, đặc biệt khó khăn. Cùng với sự chuyển mình của cả nước, nhiều địa phương đã nỗ lực thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Có 32 huyện, 125 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 125 xã và 1.298 thôn hoàn thành Chương trình 135; khoảng 24 nghìn công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư.

Đặc biệt, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động được triển khai sâu rộng, thực chất, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tích cực thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức thực hiện phong trào thi đua, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thông qua phong trào này, nhiều điển hình, mô hình giảm nghèo hiệu quả, sáng kiến giảm nghèo, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, được phát hiện và nhân rộng.

Phong trào cũng tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững.

Sau cùng, công tác tổng kết đánh giá thực tiễn thực hiện công tác giảm nghèo được Chính phủ và các địa phương chú trọng, tập trung đổi mới tư duy, cách thức giảm nghèo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ; phù hợp với thực trạng nghèo và đặc điểm vùng, miền.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV ngày 27/7. (Nguồn: Quốc hội)

Đánh giá tổng quan về công tác giảm nghèo của Việt Nam trong những năm qua, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Chúng ta đi từ chỗ ngân sách nhà nước phải đảm bảo hoàn toàn để triển khai giảm nghèo sang nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt, người dân, hộ nghèo là chủ thể. Đây là những bước đi rất dài về tư duy nhận thức, về hành động của chúng ta trong công cuộc chống đói nghèo. Chúng ta đã sớm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới".

Trong khi đó, Đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen cũng nhận định rằng, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam rất ấn tượng và được quốc tế công nhận.

Với những kết quả nổi bật và thực chất được nhân dân cả nước ghi nhận, cộng đồng quốc tế đánh giá cao, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở và động lực để tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều, duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, phấn đấu vì một Việt Nam không có đói nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau.