Các trận hạn hán ngắn sẽ xảy ra thường xuyên hơn. (Nguồn: BusinessLive) |
Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 50 tỷ tấn khí từ nhiên liệu hóa thạch gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên, khiến thiên tai liên tục xảy ra.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, trong vòng 20 năm qua, thiên tai đã làm thiệt mạng hơn 1 triệu người, ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ người và gây thiệt hại kinh tế gần 3 nghìn tỷ USD trên toàn thế giới.
Biến đổi khí hậu đã đến mức nguy hiểm mà để ngăn chặn, cần phải cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, cân đối giữa việc giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và tăng trưởng kinh tế đang gây ra nhiều tranh cãi. Hiện thế giới đang phải đối mặt với vấn đề thiếu năng lượng.
Ở nhiều nước, người dân không có đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu hằng ngày và vẫn phải phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Thêm vào đó, bất kỳ quá trình chuyển đổi nào cũng cần nguồn vốn và công nghệ. Từ bỏ nhiên liệu hóa thạch mà không có giải pháp thay thế hợp lý sẽ khiến nhiều nước rơi vào cảnh nghèo đói. Hiện phần lớn khí phát thải là từ các nước phát triển. Trong khi đó, các nước nghèo và đang phát triển lại là nạn nhân chính của biến đổi khí hậu.
Chính vì thế, dư luận cho rằng các nước phát triển phải có nghĩa vụ hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước nghèo trong việc thực hiện phi carbon hóa nền kinh tế.
Theo tính toán, để thực hiện mục tiêu trên, mỗi năm thế giới cần 1,3 nghìn tỷ USD. Trên thực tế, cam kết trợ giúp của các nước giàu hiện chưa tới 100 tỷ USD/năm.
Đây là trách nhiệm đạo lý mà nếu không được quan tâm đúng mức thì mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên của Trái đất theo như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015 sẽ khó có thể trở thành hiện thực.