📞

Gian lận thi cử ở Hà Giang: Khi cha mẹ đẩy con mình vào bi kịch

14:52 | 19/07/2018
Sẽ có hàng trăm sinh viên ngồi nhầm lớp nếu sự gian lận ở kỳ thi Trung học phổ thông năm 2018 tại Hà Giang không được phát hiện.

Những người vi phạm có thể thở phào nếu gian lận trót lọt, nhưng chính những người trong cuộc là các bậc phụ huynh liệu có biết, họ đã tự đẩy con em mình vào bi kịch đầu tiên trong đời.

Vài năm trước, tôi đã gặp một sinh viên “đặc biệt”: em gần như không viết nổi câu văn hoàn chỉnh. Khi gọi em trả lời câu hỏi, hay thuyết trình, em cũng không bao giờ diễn đạt được ý cho trọn vẹn. Rà soát lại quá trình học của em, tôi thấy em nợ điểm triền miên, hết môn này đến môn khác do thi không qua, hoặc do bỏ học. Khi khóa sinh viên lớp em học đã ra trường, thì em vẫn chật vật với những môn trả nợ.

Tôi đã gặp em nhiều lần, cố tìm hiểu vì sao em bỏ học, không hoàn thành các bài kiểm tra. Có bạn nói em bị “shock” tâm lý sau khi mẹ em qua đời, bạn thì bảo vì khả năng tiếp thu của em có hạn... Nhưng một câu hỏi cứ ám ảnh tôi: “vì sao em đỗ vào được một trường đại học danh tiếng như vậy?”.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018. (Nguồn: TN)

Là giáo viên chủ nhiệm lớp, sau nhiều lần cố gần gũi và trò chuyện, em tâm sự với tôi em không thể học được, vì khả năng của em chỉ có thế. Nhưng tại bố em cứ ép phải vào trường. Em khóc và im lặng bỏ ngang câu chuyện… Một thời gian sau, em bỏ học. Qua bạn bè của em, tôi được biết em đi bán hàng cho một siêu thị và rất vui vẻ với công việc, không còn vẻ mặt tội tội, lầm lì như ở trên lớp nữa. Tôi hiểu em đã giải thoát cho chính em khỏi môi trường chữ nghĩa mang đầy tính học thuật và những kỳ kiểm tra sàng lọc gay gắt.

Câu chuyện của em, tôi chẳng thể nào quên. Đến mức, sau mỗi kỳ nghỉ hè, trở lại với giảng đường, tôi lại hỏi sinh viên: “Các em có thấy lựa chọn của mình là sai không? Các em có thấy những môn học trong trường phù hợp và lý thú không?”. Ám ảnh về việc sinh viên ngồi nhầm lớp luôn xuất hiện. Tôi không kỳ thị các sinh viên này, mà thực sự thương các em bởi không gì tồi tệ hơn khi phải làm việc không chút đam mê, thậm chí không hiểu gì.

Trở lại với câu chuyện kết quả kỳ thi THPT ở Hà Giang, nếu không phát hiện ra sai phạm, câu chuyện về những sinh viên ngồi nhầm lớp ở đại học sẽ còn kéo dài. Bởi gian lận mà điểm thi của học sinh đã tăng tới 20 điểm, thậm chí cao nhất tới 29 điểm so với điểm thực. Những học sinh này sẽ đàng hoàng vào những trường đại học danh tiếng, cha mẹ có thể tự hào và thấy trót lọt khi bỏ ra một khoản tiền để mua cho con một tấm vé vào đời. Họ nghĩ cứ vào đại học là ra trường, là có bằng. Lối suy nghĩ đó, ngoài việc họ đã phạm pháp, thì còn một hậu quả khác mà họ không nhìn thấy: Họ đã đẩy con mình vào một bi kịch, bi kịch của sự quá sức, của việc ngồi nhầm lớp. Học đại học cũng như một chặng đua, những đứa con sẽ luôn luôn đuối sức, tụt lại phía sau, hoặc rơi vào những rắc rối tâm lý do sự không phù hợp giữa khả năng và đòi hỏi về kiến thức của bậc đại học. Kết quả là dù các em có học cũng không làm được việc, bị thi lại triền miên, phải bỏ học giữa chừng dẫn đến cảm giác thất bại, bị bạn bè coi thường…

Hãy để cho những kỳ thi thực sự khách quan, và những thí sinh hiểu rõ giá trị và năng lực của họ qua các kỳ thi đó. Không nhất thiết phải vào đại học để rồi phải đối diện với những điều ngoài khả năng. Các kỳ thi luôn mang ý nghĩa của sự phân loại. Bạn ở đâu thì hãy về đúng vị trí của mình. Làm tốt vị trí mình đảm đương, bạn sẽ luôn sống một cuộc sống hạnh phúc và nhẹ nhàng.