ThS. Lê Hoàng Quỳnh là 1 trong 10 tài năng khoa học trẻ nhận giải Quả cầu vàng 2021. (Ảnh: NVCC) |
Hơn cả một giải thưởng
Là 1 trong 10 gương mặt được vinh danh Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2021, bạn có bất ngờ khi được nhận giải thưởng danh giá này?
Trở thành 1 trong 10 gương mặt được vinh danh với giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2021 thật sự là một niềm vui, một niềm tự hào vô cùng to lớn với tôi.
Hơn cả một giải thưởng, đối với tôi, đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực và kết quả nghiên cứu của những năm tháng tuổi trẻ.
Khi nhận được thông báo về kết quả giải thưởng, tôi cũng có một chút bất ngờ. Tôi đã xem kỹ hồ sơ của các anh chị em khác trong top 20, phải nói rằng đó đều là những gương mặt trẻ tiêu biểu với nhiều thành tích khoa học công nghệ xuất sắc.
Chính vì thế, việc có thể trở thành chủ nhân của một trong 10 Quả cầu vàng năm 2021 thật sự là một vinh dự to lớn, là động lực cho tôi cố gắng hơn nữa để xứng đáng với sự đánh giá và tin tưởng của ban tổ chức và hội đồng đánh giá giải thưởng.
Không những thế, đối với tôi, nhận được giải thưởng Quả cầu vàng chính là thông điệp về niềm tin, sự kỳ vọng về đam mê sáng tạo mà Trung ương Đoàn Thanh niên và Bộ KH&CN gửi gắm đến những nhà khoa học trẻ, như một động lực cho sự khởi đầu mới trên hành trình khoa học.
"Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong nghiên cứu chính là ở sự kiên trì, không ngại sai, không ngại thử, không ngại hỏng và không ngại cố gắng. Vì nghiên cứu chính là tìm kiếm và mở ra những tri thức mới, không có sẵn con đường trải đầy hoa hồng để đi đến thành công". |
Tôi sẽ coi đây là một vinh dự, đồng thời cũng là lời nhắc nhở phải nỗ lực hơn nữa để chinh phục những thử thách khoa học trong chặng đường dài sắp tới.
Ngoài ra, tôi cho rằng một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của những gương mặt đã từng nhận giải thưởng Quả cầu vàng chính là việc truyền cảm hứng, truyền động lực cho đồng nghiệp, cộng đồng và cả thế hệ sau của mình trong lĩnh vực nghiên cứu để có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển chung.
Hành trình để chinh phục giải thưởng Quả cầu vàng 2021 của bạn đã trải qua như thế nào?
Giải thưởng Quả cầu vàng là một trong những mục tiêu mà tôi đã đặt ra từ nhiều năm trước. Nhưng đến gần đây, khi đã tích lũy được một số thành tích nhất định, tôi mới hạ quyết tâm chinh phục. Đến với giải thưởng, tôi mong những kết quả nghiên cứu mà mình đạt được thể hiện đúng công sức, sự nỗ lực và niềm đam mê của mình trong lĩnh vực này.
Vì vậy, từ trước khi có thông báo chính thức, tôi đã gấp rút đẩy mạnh việc hoàn thành những công việc nghiên cứu còn dang dở.
"Không ngại sai, không ngại thử..."
Nghiên cứu khoa học luôn cần sự sáng tạo và phấn đấu không ngừng, nhất là nghiên cứu khoa học tiệm cận và đạt tầm quốc tế. Có khi nào bạn cảm thấy nản chí khi chinh phục những đỉnh cao tri thức? Khi đó, bạn đã vượt qua như thế nào?
Nhiều lĩnh vực khoa học, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và khoa học dữ liệu nói riêng mà tôi đang theo đuổi, hiện rất cạnh tranh. Có những hội nghị chuyên ngành đỉnh cao có số bài nộp tới, số người tham dự đã lên đến cả chục nghìn người, tăng hàng chục lần trong những năm qua.
Thực sự, để tìm được một ý tưởng nghiên cứu thú vị, có tính mới mẻ và có hiệu quả đáng ghi nhận không phải là chuyện dễ dàng. Hơn nữa, mặc dù có ý tưởng, nhưng việc hiện thực hóa ý tưởng đó có thể không phải lúc nào cũng được như kỳ vọng. Công sức một vài tháng bỏ ra hoàn toàn có thể đi vào ngõ cụt khi thực nghiệm trả lời một đáp án khác với những gì mình đã dự đoán hoặc lên kế hoạch.
Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nản chí khi gặp những khó khăn trong nghiên cứu. Ngược lại, tôi coi đó là những kinh nghiệm quý báu, là thử thách, mục tiêu để vượt qua, từ đó biến khó khăn trở thành động lực để khiến công việc nghiên cứu trở nên thú vị và thách thức hơn.
Theo tôi, một trong những yếu tố quan trọng nhất trong nghiên cứu chính là ở sự kiên trì, không ngại sai, không ngại thử, không ngại hỏng và không ngại cố gắng. Vì nghiên cứu chính là tìm kiếm và mở ra những tri thức mới, không có sẵn con đường trải đầy hoa hồng để đi đến thành công.
Trong những lúc khó khăn, chính sự kiên trì, hỏng thì sửa lại, sai thì rút kinh nghiệm, sẵn sàng thử những ý tưởng mới lạ sẽ là chìa khóa để luôn luôn giữ được lửa nhiệt huyết trong nghiên cứu, cũng như dẫn lối để đi đến sáng tạo.
Tôi nghĩ, các nhà khoa học trẻ cần phải tích luỹ nền tảng kiến thức vững vàng, đồng thời, không ngừng tìm kiếm, khám phá mới có được những hướng đi có bản sắc và được cộng đồng nghiên cứu thừa nhận.
Ths. Lê Hoàng Quỳnh cho rằng, khả năng tự học và trình độ ngoại ngữ là hai trong số các yếu tố quan trọng bậc nhất để các bạn trẻ có thể thích ứng trong kỷ nguyên kỹ thuật số. (Ảnh: NVCC) |
Bạn mong muốn gì trong việc kết nối các trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước tham gia phát triển khoa học – công nghệ và kinh tế của đất nước trong kỷ nguyên số?
Hiện nay, nhiều bạn trẻ ra nước ngoài học tập, nghiên cứu và chỉ số ít quay về các trường đại học, đơn vị trong nước để công tác. Các nhóm nghiên cứu trong nước cũng đang hoạt động khá độc lập, chưa tập trung phát triển một cộng đồng nghiên cứu chung mạnh. Đây là một khó khăn khi những người làm khoa học trẻ muốn tìm các cộng sự tương đồng về trình độ và tuổi tác để xây dựng các nhóm nghiên cứu.
"Trong những lúc khó khăn, chính sự kiên trì, hỏng thì chữa lại, sai thì rút kinh nghiệm, sẵn sàng thử những ý tưởng mới lạ sẽ là chìa khóa để luôn luôn giữ được lửa nhiệt huyết trong nghiên cứu, cũng như dẫn lối để đi đến sáng tạo. Tôi nghĩ, các nhà khoa học trẻ cần phải tích luỹ nền tảng kiến thức vững vàng, đồng thời, không ngừng tìm kiếm, khám phá mới có được những hướng đi có bản sắc và được cộng đồng nghiên cứu thừa nhận". |
Nhưng với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc hợp tác, làm việc từ xa trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Tôi rất mong, với điều kiện thuận lợi này, các tri thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước có thể kết nối với nhau một cách chủ động và tích cực hơn.
Việc kết nối không nhất định chỉ giữa những nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực gần, mà hoàn toàn có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau giữa các lĩnh vực hoàn toàn khác biệt.
Tuy nhiên, để làm được điều này, rất cần một đầu mối uy tín đứng ra để tạo dựng nền tảng kết nối và những bạn trẻ nhiệt tình sẵn sàng làm mấu chốt của các mạng lưới kết nối, từ đó xây dựng và mở rộng mạng lưới các tri thức trẻ.
Sở hữu bảng thành tích “khủng”, bạn có thể chia sẻ bí quyết cho các bạn trẻ khác trên con đường nghiên cứu khoa học và chinh phục chính mình?
Tôi có tham gia một số diễn đàn hướng nghiệp và khám phá tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Điều đầu tiên tôi luôn chia sẻ khi có cơ hội trao đổi với các bạn trẻ là tất cả các bạn đều có một thế mạnh nào đó. Chỉ cần các bạn có đam mê, có nỗ lực thì sẽ tìm được vị trí và vai trò thích hợp trong lĩnh vực đang theo đuổi.
Các bạn trẻ nên nắm bắt rõ lợi thế, ưu điểm cũng như nhược điểm của mình để lựa chọn vị trí và hướng đi phù hợp cho bản thân, tránh tình trạng bước theo số đông hoặc đi theo sự lựa chọn của người khác.
Quan trọng là nên có tinh thần “dám thử sai” để thử thách bản thân trong những vai trò khác nhau, những định hướng khác nhau. Từ đó, lựa chọn hướng đi thực sự đem lại cho mình sự hứng thú, cảm hứng nghiên cứu, cũng như phù hợp với khả năng và cân đối thời gian cho bản thân, gia đình, xã hội.
Vươn ra thế giới bằng "chiếc chìa khóa" công nghệ
Trong kỷ nguyên kỹ thuật số và cuộc CMCN 4.0, tri thức là nền tảng và thước đo của sự thành công. Do đó, theo bạn, khả năng học tập không ngừng, trau dồi kỹ năng, hoàn thiện ngoại ngữ giữ vai trò quan trọng ra sao để bạn trẻ có thể thích ứng và không bị bỏ lại phía sau?
Theo tôi, khả năng tự học và trình độ ngoại ngữ là hai trong số các yếu tố quan trọng bậc nhất để các bạn trẻ có thể thích ứng trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Tri thức hiện nay như biển bao la, không một nhà trường, giảng viên, quyển sách nào có thể dạy được cho các bạn đủ hết mọi thứ. Những gì các bạn học được ở nhà trường chỉ là những vấn đề cốt lõi mang tính định hướng; còn có phát triển, ứng dụng, mở rộng được hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tự tìm tòi, tự nghiên cứu, tự học của mỗi người.
Cùng với đó, chúng ta đang nắm giữ "chiếc chìa khóa" công nghệ để có thể vươn ra thế giới bằng cách tiếp nhận các tri thức mở qua các công trình khoa học đã được công bố, kết nối với cộng đồng nghiên cứu thế giới.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt của "chiếc chìa khóa" này lại nằm ở ngoại ngữ, rất tiếc đây lại là điểm yếu của rất nhiều bạn trẻ có tiềm năng nghiên cứu tốt, trở thành hạn chế trong việc tiếp thu tri thức mới, cũng như chia sẻ và xin ý kiến về những gì mình đang làm cho bạn bè thế giới.
Và kỹ năng mềm của các bạn trẻ Việt Nam hiện nay thế nào?
Rất may mắn là kỹ năng mềm của các bạn nói chung và sinh viên nói riêng hiện nay cũng đã và đang được quan tâm cải thiện đáng kể.
Với vai trò là một giảng viên tại trường đại học và đồng hành cùng các bạn sinh viên trong nhiều hoạt động Đoàn – Hội, tôi quan sát thấy sự quan tâm đầu tư cho các kỹ năng mềm đến từ cả phía trường đại học và cả bản thân các bạn sinh viên.
Hầu hết các bạn trẻ hiện nay đều nhận biết được tầm quan trọng của kỹ năng mềm, không ngại thử sức với những lĩnh vực mà mình còn gặp hạn chế để hoàn thiện bản thân hơn. Tôi cho rằng, đây là một tín hiệu tốt, chứng tỏ sự phát triển ngày một hoàn thiện hơn trên nhiều mặt của giới trẻ Việt Nam.
Nếu được gửi thông điệp, “truyền lửa” đến các bạn trẻ Việt đang khao khát chinh phục khoa học công nghệ, bạn sẽ nói gì?
Khoa học công nghệ không phải là một đỉnh cao, nó là một chặng đường dài và rộng, đủ chỗ cho tất cả chúng ta cùng nhau bước đi. Quan trọng là bạn đi nhanh hay chậm, bạn đi đến được những cột mốc nào trong chặng đường nghiên cứu của mình lại hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân các bạn.
Vì vậy, hãy luôn nắm bắt cơ hội, tận dụng những nền tảng, ưu thế, điều kiện mà chúng ta đang có, quan trọng là tìm kiếm những người bạn đồng hành để cùng nhau chinh phục những cột mốc mới trên chặng đường này.
Xin cảm ơn ThS!
ThS. Lê Hoàng Quỳnh (34 tuổi), giảng viên Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, lĩnh vực Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; có 2 bằng độc quyền sáng chế quốc gia, 3 bài báo công bố quốc tế thuộc danh mục Q1, 22 bài công bố trên hội thảo khoa học quốc tế. Đạt các giải thưởng quốc tế được tổ chức bởi các cộng đồng nghiên cứu uy tín: Top 1 trong nước, top 3% thế giới cuộc thi Women in Data Science (WiDS) Datathon 2021; Rank 2 cuộc thi MEDIQA 2021 - Multi-Answer Summarization (nằm trong chuỗi workshop BioNLP, chuỗi workshop hàng đầu trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên); Top 4 thách thức trích chọn mối quan hệ hóa chất gây ra bệnh trong văn bản y sinh (BioCreative V, 2015)... |
| Sản phẩm du lịch cần thay đổi Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh (Chủ tịch Công ty Le Bros) cho rằng, lúc này sản phẩm du lịch phải thay đổi chứ ... |
| Chuyên gia y tế Phạm Đức Phúc: Không phải học sinh đến trường mới có nguy cơ lây nhiễm bệnh Chia sẻ với báo TG&VN, TS. Bác sĩ Phạm Đức Phúc, chuyên gia y tế công cộng, Điều phối viên Mạng lưới Một sức khỏe ... |