📞

Giành lại màu xanh cho đất

HOÀNG TRUNG HIẾU 10:01 | 24/11/2024
Đôi vợ chồng nhà nhiếp ảnh nổi tiếng người Brazil Sebastião Salgado đã cùng nhau phục sinh một khu rừng, biến vùng đất khô cằn, hoang hóa trở lại thành rừng cây xanh.
Vợ chồng nhiếp ảnh gia Sebastião Salgado trong cánh rừng đã được họ hồi sinh. (Nguồn: revistapanorama.com)

Hành trình từ kinh tế học đến nhiếp ảnh

Sebastião Salgado, tên đầy đủ Sebastião Ribeiro Salgado Júnior, là nhiếp ảnh gia kiêm phóng viên ảnh nổi tiếng người Brazil, được biết đến như một trong những nhân vật lừng danh nhất của làng nhiếp ảnh thế giới. Ông đã chu du qua 120 quốc gia, tạo nên những dự án nhiếp ảnh ghi dấu ấn sâu sắc.

Sinh năm 1944 tại Aimorés, bang Minas Gerais, Brazil, Salgado từng có một tuổi thơ phiêu bạt. Ông tốt nghiệp ngành kinh tế tại Đại học Liên bang Espírito Santo (UFES), lấy bằng thạc sĩ tại Đại học São Paulo và bằng tiến sĩ tại Đại học Paris.

Khởi đầu sự nghiệp là một nhà kinh tế, Salgado từng làm việc cho Tổ chức Cà phê quốc tế và Ngân hàng thế giới, thường xuyên đến châu Phi. Trong những chuyến công tác ấy, ông bắt đầu bị nhiếp ảnh cuốn hút. Đến năm 1973, Salgado từ bỏ nghề kinh tế để theo đuổi nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Sau thời gian làm việc với các hãng nhiếp ảnh lớn, ông gia nhập Magnum Photos vào năm 1979. Năm 1994, ông cùng vợ, bà Lélia Wanick Salgado thành lập Amazonas Images, công ty chuyên quản lý các dự án nhiếp ảnh của mình.

Salgado đã cống hiến hơn 40 năm cho nhiếp ảnh, đi khắp Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi và Bắc Cực, tập trung vào các đề tài như xung đột quốc tế, nạn đói, di cư và sự suy thoái của thiên nhiên. Tuy nhiên, năm 1994, sau khi ghi lại nạn diệt chủng ở Rwanda, ông rơi vào trạng thái kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần trước sự tàn khốc của những gì đã được chứng kiến.

Để tự chữa lành cho bản thân, ông quyết định trở về quê nhà Brazil, tiếp nhận trang trại của gia đình ở bang Minas Gerais. Trang trại này trước đây vốn nằm trên vùng đồi được rừng nhiệt đới xanh tươi che phủ quanh năm. Tuy nhiên, ông đã sốc khi thấy khu vực từng được rừng che phủ trở nên cằn cỗi, sa mạc hóa, chỉ còn lại 0,5% được phủ xanh. Đất đai thiếu cây xanh bị xói mòn, ô nhiễm, động vật hoang dã không còn nơi ẩn náu, khiến mảnh đất quê hương giống như một vùng đất chết.

Hồi sinh mảnh đất chết

Thực trạng này đã khơi dậy trong bà Lélia, vợ ông, ý tưởng tái sinh rừng. Ban đầu, Salgado nghĩ đây là điều bất khả thi, nhưng với sự kiên trì, họ đã khởi động hành trình phục hồi vùng đất quê hương.

Với đôi bàn tay chuyên bấm máy ảnh chuyển sang trồng cây gây rừng, ông Salgado quyết tâm cùng vợ phủ xanh mảnh đất tuổi thơ ở quê nhà.

Hai vợ chồng ông kêu gọi các chuyên gia lâm nghiệp hỗ trợ và được tặng cho 100.000 cây giống. Loạt cây giống đầu tiên này được trồng năm 1999 với sự góp sức của các học sinh địa phương, đánh dấu sự khởi đầu của sợi dây kết nối, gắn bó giữa hai vợ chồng với cộng đồng cư dân ở đây.

Vợ chồng ông đã thuê 24 nhân công và thành lập Instituto Terra, một tổ chức chuyên triển khai dự án trồng rừng và đem lại sự sống cho những vùng đất chết. Sau một thời gian hoạt động, dự án được nhiều người biết đến, thuyết phục nhiều người trước đó chưa quan tâm vấn đề môi trường, thu hút số lượng lớn tình nguyện viên tham gia đóng góp sức lực và tài chính. Họ cùng nhau kiên trì xới đất vun trồng những mầm non, cải tạo đất đai, chăm sóc cây cối mỗi ngày.

Vợ chồng ông Salgado cùng tổ chức Instituto Terra trồng thật nhiều cây con và dần dà, họ mang khu rừng “trở về từ cõi chết”.

Diện mạo mới của khu rừng nhờ sự "hóa phép" của vợ chồng ông Salgado cùng tổ chức Instituto Terra. (Nguồn: Instituto Terra)

“Chỉ cây xanh mới có thể chuyển hóa CO2 thành oxy. Chúng ta cần trồng lại rừng để phục hồi tự nhiên,” ông Salgado nhấn mạnh. Ông tin rằng con người cần lắng nghe thiên nhiên và bảo vệ ngôi nhà chung, bởi nếu không, chúng ta sẽ tự hủy hoại chính mình.

Trong suốt 20 năm, tổ chức Instituto Terra đã trồng được hơn 2 triệu cây xanh. Khu rừng rộng 709 hecta, nơi từng là vùng đất cằn cỗi đã trở lại lại trạng thái ban đầu như một thiên đường nhiệt đới. Hệ sinh thái của khu rừng tạo môi trường sinh trưởng cho hàng trăm loài động thực vật.

Dự án trồng rừng này đã mang lại những ảnh hưởng tích cực đối với hệ sinh thái địa phương, khi những con suối từng cạn khô vì nạn phá rừng nay đã chảy róc rách trở lại, nền nhiệt độ tại địa phương cũng dịu mát hơn so với trước.

“Chỉ một thứ duy nhất có thể biến đổi CO2 thành oxy, đó là cây xanh. Chúng ta cần trồng lại rừng, và là rừng của những loài cây bản địa. Nếu bạn trồng rừng với những loại cây ngoại lai, động vật sẽ không trở về và đó sẽ chỉ là một khu rừng chết”, ông cho biết.

Hiện khu vực này được coi là Khu bảo tồn Di sản thiên nhiên tư nhân, ước tính có khoảng 293 loài cây, 33 loài động vật có vú, 172 loài chim, cùng 15 loài lưỡng cư và bò sát, trong đó có có cả những loài quý hiếm đang bị đe dọa.

Khu bảo tồn là nơi chịu trách nhiệm trồng hàng triệu cây giống, cũng là nơi nghiên cứu của các nhà sinh vật học, giúp hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho nông dân địa phương, và cũng là nơi chào đón du khách tới thăm.

“Chúng ta cần lắng nghe người dân bản địa. Thiên nhiên chính là ngôi nhà chung của chúng ta và các loài sinh vật khác. Nếu không làm gì để bảo vệ môi trường thì một ngày nào đó, chính chúng ta sẽ bị hủy hoại”, ông Salgado nhấn mạnh.

Sự cống hiến của ông bà Sebastião và Lélia Salgado không chỉ khôi phục môi trường sống, mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ về ý chí và lòng kiên trì trong hành động bảo vệ thiên nhiên. Câu chuyện của họ là minh chứng rõ ràng rằng sự sống có thể hồi sinh nếu con người quyết tâm thay đổi.