TS Vũ Thu Hương cho rằng, giao bài tập dịp Tết có thể là cơ hội để bố mẹ và thầy cô rèn trách nhiệm học tập và tính tự giác cho trẻ. (Ảnh: NVCC) |
Thời điểm này, nhiều phụ huynh băn khoăn, dịp Tết, giáo viên, nhà trường có giao bài tập về nhà cho học sinh hay không? Thậm chí, trên các diễn đàn, vấn đề này còn gây tranh cãi gay gắt.
Nhiều người cho rằng, giao bài tập để học sinh không chơi điện thoại, máy tính hoặc lo lắng trẻ sẽ “rơi rụng” kiến thức nếu không học dịp Tết. Làm sao để bài tập Tết không phải là “ngáo ộp” đối với các em là câu hỏi mà nhiều người đặt ra.
Tôi cho rằng, điều quan trọng không phải là có bài tập hay không mà là những điều đó có lợi hay có hại đối với trẻ. Theo tôi, bài tập Tết không có hại gì cho trẻ nên việc giao bài tập có thể được thực hiện tùy từng quan niệm của giáo viên.
Hơn nữa, giao bài tập dịp Tết có thể là cơ hội để bố mẹ và thầy cô rèn trách nhiệm học tập và tính tự giác cho trẻ. Ngoài ra, điểm khác biệt chính là bài tập Tết của trẻ có gì đặc biệt thú vị hay đơn thuần chỉ là những bài tập như mọi khi?
Ví dụ, với học sinh lớp Một, thay vì bảng tính cộng trừ nhân chia, thầy cô có thể giao bài tập đo một số thiết bị trong gia đình để các con hiểu về tính thực tế của độ dài như chiều dài cái bàn, chiều dài cái giường, khoảng cách từ cửa đến bộ bàn ghế.
Những bài tập như thế này vừa giúp các con hiểu về tính thực tế vừa khiến bài học trở nên hấp dẫn hơn trong mắt trẻ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng sáng tạo và vận dụng thực tế của giáo viên.
Với một số lượng bài tập mà trẻ chỉ cần một giờ mỗi ngày vào khoảng ba ngày là hoàn thiện thì điều đó không gây áp lực gì cho các con. Nhưng nếu lượng bài tập nhiều đến mức trẻ làm toát mồ hôi toàn bộ dịp Tết vẫn không xong thì thực sự sẽ gây ra áp lực lớn khiến các con mất đi niềm vui của một trong những kỳ nghỉ ý nghĩa này.
Hơn nữa, bài tập chỉ có giá trị hỗ trợ chứ hoàn toàn không thay thế các kiến thức học trên lớp. Nên việc giao bài tập nếu không phản ánh đúng trách nhiệm hỗ trợ sẽ khiến phụ huynh và học sinh hiểu nhầm dẫn đến tự gây áp lực cho tất cả mọi người trong gia đình.
Giao bài tập cho trẻ với lượng vừa phải và được chia ra theo ngày với những phần thưởng nho nhỏ khi trẻ đã hoàn thành của từng ngày sẽ khiến trẻ rèn luyện tính tự giác và tạo hứng khởi khi học tập. Hình thức này khá giống với Christmas box calendar (đây là món quà được sử dụng bởi những đất nước đón Giáng sinh).
Làm bài tập Tết cũng giúp trẻ sắp xếp, phân công công việc của bản thân theo các ngày để không ảnh hưởng đến niềm vui chơi Tết. Như vậy có nghĩa, trẻ đang rèn kỹ năng quản lý thời gian. Những hoạt động này rõ ràng giúp trẻ phát triển năng lực.
Khi quá nâng đỡ và chiều chuộng cảm xúc của trẻ, chính chúng ta đã làm cho trẻ trở nên ích kỷ và hành động bản năng. Thực hiện nhiệm vụ của bản thân cho dù là ngày Tết hay ngày thường cũng là những nội dung hợp lý bắt buộc mỗi trẻ đều phải được rèn luyện.
Theo tôi, hãy biến bài tập thành các nhiệm vụ hứng khởi, qua đó học sinh được trải nghiệm giá trị và ý nghĩa của Tết truyền thống. Giáo viên nên trao cho học trò cơ hội tự tay giúp gia đình những công việc chuẩn bị, để biết tri ân nguồn cội.
Mục tiêu của việc giáo dục là hướng đến hình thành năng lực, trong đó có năng lực giải quyết các vấn đề phức tạp và biến đổi liên tục trong cuộc sống. Do đó, những bài tập giao về nhà dịp Tết cũng cần có một cái nhìn rộng mở hơn.
Đó có thể là những hoạt động vui chơi mang tính giáo dục. Đó có thể là tạo cơ hội cho trẻ giúp đỡ ông bà, bố mẹ dọn dẹp nhà chuẩn bị Tết, khai bút Xuân để viết về mục tiêu, kế hoạch năm mới…
Tức là, những công việc nhà, các hoạt động dọn dẹp chuẩn bị đón Tết… đều phải được phân công cho trẻ. Do vậy, điều quan trọng chính là ở nghệ thuật giao bài tập của thầy cô giáo và sự hướng dẫn, phân chia lượng bài tập cho phù hợp của cha mẹ. Khi đó, bài tập Tết không phải là "ngáo ộp" mà chính là niềm vui hữu ích.
Ngoài ra, với các bạn học sinh, việc khai bút đầu Xuân vừa như một nghi lễ trang nghiêm, mang đậm nét truyền thống, vừa giúp các bạn hiểu rõ hơn trách nhiệm học tập của mình.
Việc khai bút đầu Xuân sẽ giúp các bạn đỡ ngại khi trở lại trường sau kỳ nghỉ dài. Đồng thời, nghi lễ này cũng giúp các bạn nhỏ trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm hơn, thấu hiểu được vinh quang và nỗi vất vả của người đi học.