📞

'Giáo dục bền vững cần hướng trẻ đến việc có một trái tim nóng và cái đầu lạnh'

Nguyệt Anh 13:48 | 14/12/2022
"Giáo dục bền vững mà chúng ta theo đuổi cần có sự cân bằng giữa cảm xúc và lý trí, cần hướng các con đến mục tiêu có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh".
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng, giáo dục bền vững cần hướng các con đến chuyện có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh. (Ảnh: NVCC)

Đó là quan điểm của bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh (nghiên cứu sinh ngành thiết kế và lãnh đạo giáo dục tại ĐH Illinois, Mỹ) với Báo Thế giới và Việt Nam xung quanh câu chuyện giáo dục trẻ.

Những năm gần đây, giáo dục hòa nhập, giáo dục cảm xúc được đề cập khá nhiều. Theo bà, để có một nền giáo dục bền vững, phải bắt đầu từ đâu?

Câu nói mà có lẽ tất cả chúng ta đều quen thuộc đó là điều gì bền vững đều bắt đầu từ gốc, việc giáo dục trẻ cũng như chúng ta chăm sóc một cái cây. Có những cây với cành lá bên ngoài rất tốt nhưng bộ rễ bên trong bị mục rữa, cái cây đó sẽ không thể đứng vững trước mưa to, gió lớn.

Có thể thấy, nền giáo dục hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề bởi dường như chúng ta mới đang chỉ chăm cho phần ngọn. Trẻ em bây giờ có các điều kiện vật chất tốt hơn xưa. Các em có điều kiện được tiếp xúc với những trang thiết bị và nguồn sách vở tốt hơn, gia đình chăm chút hơn nên các em cao lớn hơn, đẹp hơn.

Chương trình học và lượng kiến thức mà các em tiếp nhận cũng nhiều hơn các thế hệ trước. Tuy nhiên, nhìn về phía trước thì tương lai gần như là không thể dự đoán nếu chúng ta mới chỉ chăm phần ngọn.

"Một nền giáo dục nhân văn sẽ hướng con người tới những giá trị đúng đắn, đồng thời tôn trọng quyền lựa chọn của mỗi cá thể".

Có rất nhiều yếu tố tiềm ẩn biến động mà chúng ta không lường trước được, giống như đại dịch Covid-19 vừa qua. Do đó, không khỏi lo ngại cái cây đang chăm nó to khỏe ở phần ngọn nhưng gốc rễ gần như lại rất là mỏng manh.

Vậy bắt đầu chăm cho phần gốc là bắt đầu từ cái gì? Với con người, theo tôi thấy, phần gốc, thứ nhất chính là nhân cách, thứ hai là năng lực tư duy.

Giáo dục nhân cách hay giáo dục cảm xúc tức là trang bị để các con có thể hiểu được bản thân mình là ai ở trong thế giới này, nên hành động như thế nào là một con người đúng nghĩa?

Nếu giữa rất nhiều lựa chọn trong một thời đại phức tạp thì đâu là lựa chọn đúng đắn. Lựa chọn đúng đắn đó chính là lựa chọn không chỉ dựa trên lợi ích của bản thân mình mà còn phải dựa trên lợi ích chung của cộng đồng.

Việc trở thành người có nhân cách là yếu tố quan trọng, sẽ là thứ giúp chúng ta đưa ra những lựa chọn bền vững trước những bối cảnh khó khăn.

Phần gốc cũng nằm ở khả năng tư duy, vì chúng ta chỉ hành động bằng một trái tim nóng thì không đủ. Đây là thời đại rất cần đến tư duy để đưa ra những quyết định đúng. Bởi thông tin chưa bao giờ nhiều đến vậy, nếu không cẩn thận sẽ bị dẫn dắt bằng cảm xúc. Do đó, khi lên mạng xã hội, chúng ta cần lý trí để phân biệt tin thật và tin giả.

Nếu chúng ta chỉ đi theo đám đông, nếu chỉ hành động theo cảm xúc mà không có tư duy phản biện, không cho lý trí lên tiếng, rất có thể gây hại cho bản thân và người khác.

Tôi cho rằng, giáo dục bền vững mà chúng ta theo đuổi cần có sự cân bằng giữa cảm xúc và lý trí, cần hướng trẻ đến chuyện có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh.

Vậy nhà trường cần thiết phải xây dựng chương trình thế nào để trẻ có kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện? Theo bà, trẻ cần học được cách hiểu chính bản thân mình, khai phá ra những tiềm năng còn ẩn giấu ra sao?

Trước khi nói chương trình được xây dựng như thế nào, tôi muốn nói đến chuyện giáo viên và nền văn hóa của trường học có cho phép trẻ có cơ hội đưa ra chính kiến của riêng mình, cũng như những suy nghĩ có tính chất phản biện không?

Nếu chúng ta có những giáo án giải quyết vấn đề về tư duy phản biện hay đến mấy nhưng chính những người làm nhiệm vụ giáo dục trẻ lại không lắng nghe các con, không cho các con được cơ hội đưa ra những góc nhìn khác thì chương trình ấy cũng không thể nảy mầm trên mảnh đất thiếu đi sự lắng nghe và sự tôn trọng con trẻ.

"Giáo dục nhân cách hay giáo dục cảm xúc tức là chúng ta trang bị để các con có thể hiểu được bản thân mình là ai ở trong thế giới này, nên hành động như thế nào là một con người đúng nghĩa".

Trong thế giới mở hiện nay, chúng ta tiếp cận những chương trình, những giáo án, những nguồn sách vở tân tiến mà tác giả tạo ra với tràn đầy tư duy phản biện, mong muốn trao cho con cơ hội giải quyết vấn đề.

Ở những nhà sách, chúng ta thấy sách ngoại văn thế giới có mặt ở Việt Nam rất nhiều. Nhưng như tôi nói chương trình học chính là “hạt”, văn hóa do nhà trường hay gia đình tạo nên xung quanh các con chính “đất”. Hạt chỉ có thể nảy mầm trên mảnh đất có thổ nhưỡng phù hợp.

Trẻ con luôn là những nhà khám phá bẩm sinh và luôn có sẵn trong đầu mình những câu hỏi: Tại sao bầu trời lại màu xanh? Tại sao con phải hành động như thế này mà con không nên hành động như thế kia?

Nhưng chính khi bước vào trường học, việc các con đặt quá nhiều câu hỏi tại sao lại không được khuyến khích. Các con chỉ cần học theo những gì có trong sách.

Giáo dục nhân cách hay giáo dục cảm xúc tức là chúng ta trang bị để các con có thể hiểu được bản thân mình là ai ở trong thế giới này, nên hành động như thế nào là một con người đúng nghĩa. (Ảnh: Nguyễn Yến)

Như gia đình bạn tôi là người theo đạo công giáo, khi vào trường, con học bài sinh học về sự tiến hóa của con người là từ vượn. Con của người bạn mới hỏi cô giáo tại sao trong đạo nhà con lại nói Chúa tạo ra con người, một số tài liệu khác thì con người được tạo theo cách khác không phải từ vượn.

Đây là câu hỏi phản ánh đứa trẻ có tư duy phản biện. Thế nhưng, giáo viên lại yêu cầu đứa bé học theo sách vở, không trân trọng lối tư của duy trẻ, không lắng nghe trẻ, triệt tiêu tư duy và khả năng giải quyết vấn đề.

Chương trình cũng là một yếu tố tác động, thế nhưng nó sẽ không quan trọng bằng việc xây dựng một nền văn hóa cho phép trẻ dám nói lên suy nghĩ riêng của mình. Chúng ta không cần tạo ra một chương trình quá phức tạp, chỉ cần tạo ra một bầu không khí để nuôi dưỡng yếu tố khám phá bẩm sinh của trẻ là đủ.

Mọi kỹ năng giải quyết vấn đề đều bắt đầu từ kỹ năng đặt câu hỏi. Chỉ khi trăn trở về các vấn đề xung quanh mình, chúng ta mới đặt câu hỏi, mới muốn bắt tay giải quyết vấn đề.

Do đó, hãy lắng nghe những câu hỏi của trẻ em, cho các em quyền đặt câu hỏi. Tôi nghĩ, nếu các trường học làm được thì nó sẽ là một mảnh đất thật tốt, khi đó, những chương trình mang tinh thần mới được nảy mầm trên đó một cách thuận lợi.

Có cần thiết giáo dục trẻ hướng tới việc “khác biệt để dẫn đầu” dưới góc nhìn của bà?

Khác biệt để dẫn đầu không có gì sai, thực ra mỗi con người chúng ta đã là một bản thể khác biệt. Việc tìm kiếm điểm khác biệt và nổi trội của riêng mình không có gì sai. Xã hội nào cũng cần những con người ưu tú.

Thời gian gần đây tôi thấy mọi người "bài xích" rất nhiều chuyện hãy để con trở thành một con người ưu tú. Chúng ta hay nói là nên để trẻ là chính mình, để trẻ được vui chơi thỏa thích, nhưng vấn đề là “chính mình” đó có phải là một người ổn không?

“Chính mình” có nghĩa là cứ thoải mái, cứ thỏa mãn với những gì mình đang có, kể cả mình là con người yếu kém, điều đó có ổn không? Không ép con học, cho con chơi thỏa thích cũng có nghĩa là không cần phải học hành gì cả, dù cho con đang là một con người yếu kém. Trong trường hợp này, “chính mình” được hiểu là dễ dãi với chính những yếu kém của mình mà không nỗ lực cố gắng. Điều đó rất nguy hiểm.

Bởi vì, xã hội nào muốn đi lên cũng đều cần những con người có trách nhiệm, không ngừng hướng bản thân mình đến những giá trị chuẩn mực tốt hơn. Thực tế cho thấy, trong những bối cảnh khó khăn nhất lại cần có những con người dẫn dắt chúng ta vượt qua.

Như đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta luôn có những nhà khoa học nghiên cứu vaccine cho nhân loại. Nếu không có những con người tận tụy dấn thân cho cộng đồng như thế thì khó có thể vượt qua đại dịch.

Tôi nghĩ, khác biệt để dẫn đầu không có gì phải bài xích, điều cần bài xích, nói một cách chính xác, là giáo dục hướng đến thước đo thành tích. Thậm chí, suốt quá trình chạy theo thành tích để cố gắng làm mình khác biệt, chúng ta dễ đánh mất cơ hội hiểu về chính mình. Đây là điều đáng lên án.

Theo tôi, một nền giáo dục nhân văn là ở đó, học sinh có quyền lựa chọn trở thành con người khác biệt để dẫn đầu, hoặc không cần phải dẫn đầu nhưng các con có cách để làm việc nhỏ với tình yêu lớn.

Giống như một câu nói mà tôi rất thích: “Bạn có thể không làm được việc lớn nhưng tất cả chúng ta đều có thể làm được việc nhỏ với tình yêu lớn”. Một nền giáo dục nhân văn sẽ hướng con người tới những giá trị đúng đắn, đồng thời tôn trọng quyền lựa chọn của mỗi cá thể.

Xin cảm ơn bà!