📞
Kỳ cuối: Thành công của ngành giáo dục đạo đức

Giáo dục đạo đức ở Nhật Bản

08:26 | 23/10/2014
Hình ảnh những cổ động viên nhật ở lại dọn rác sau các trận đấu của đội tuyển nước này tại Brazil trong vòng loại giải bóng đá thế giới vừa qua được nhắc đến với sự cảm phục trên báo chí quốc tế. điều đó cho thấy thành công của giáo dục Nhật Bản.
Hệ thống giáo dục có tính hòa nhập.

Một quốc gia nghèo tài nguyên, thiên tai luôn luôn rình rập, cơ sở vật chất đổ nát hoàn toàn sau chiến tranh, nhưng vẫn có được sự phát triển vượt bậc, làm cho cả thế giỡi ngưỡng mộ. Dân chúng đói nghèo nhưng xã hội vẫn yên bình, không có nạn giết người cướp của vì vật chất… Không có gì để nghi ngờ, những thành công kỳ diệu đó là do phẩm chất của người dân Nhật mang đến, trong đó ngành giáo dục đạo đức đóng một vai trò quan trọng.

Những điểm son

Vai trò người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội Nhật Bản đã được cải thiện rất rõ ràng. Nạn “trọng nam khinh nữ” trong gia đình và xã hội đã giảm đi rất nhiều so với nước Nhật của 50, 60 năm về trước. Ngày nay nước Nhật không hiếm phụ nữ tài năng, họ rất tự tin với các vị trí lãnh đạo trong chính quyền cũng như trong các cơ quan quốc tế (Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới...).

Tỷ lệ tội phạm ở Nhật Bản rất thấp so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tại các tỉnh, thành phố lớn trên dưới 10 triệu dân như Tokyo, Osaka, Nagoya... người ta có thể đi bộ một mình bất cứ đâu vào ban đêm, kể cả phụ nữ, mà không lo vấn đề an ninh. Đặc biệt, không có nạn trấn lột, ăn cướp trên đường phố.

Ngay trong hai cuộc thiên tai động đất sóng thần kinh hoàng ở Kobe (khoảng 7000 người chết), Fukushima (khoảng 20.000 người chết), không có nạn cướp bóc hay hôi của. Chính quyền Fukushima cho biết đã nhận được khoảng 5.700 két sắt của những gia đình bị nạn. Những két sắt này trôi nổi trên biển cả hay trong đống đổ nát nơi thiên tai, trong đó chứa đựng tiền và vàng bạc giá trị khoảng 78 triệu USD do người dân tìm thấy và đem trả lại.

Đặc biệt, đường phố trên toàn nước Nhật từ thành thị đến thôn quê đều được giữ gìn sạch sẽ, không có chuyện xả rác bừa bãi và tôn trọng phân loại rác thải một cách nghiêm minh. Mỗi buổi sáng, ở rất nhiều các khu chung cư, các bà mẹ không đi làm đều tự động đúng giờ hẹn nhau xuống quét dọn. Không một tiếng phân bì kẻ làm nhiều, người làm ít.

Các cơ quan hành chính cũng như nhân viên công an, cảnh sát làm việc rất trách nhiệm, không có chuyện tham nhũng, hối lộ. Trong trường học, vai trò giáo viên vẫn là hình ảnh gương mẫu và luôn được học sinh và xã hội coi trọng.

Trên thế giới, du khách Nhật được cảm mến vì lịch sự, khuôn mẫu gần như không có tình trạng phạm tội, luôn tuân thủ luật pháp, giữ vệ sinh môi trường nơi du lịch hay tạm cư. Ngoài ra, với các hoạt động nhân đạo, bảo vệ và giữ gìn thiên nhiên, tài sản văn hóa thế giới cũng như tham gia các phong trào hoà bình trên thế giới, Nhật Bản luôn là một trong vài quốc gia hàng đầu thế giới tích cực đóng góp và tham gia. Nhật Bản cũng là quốc gia phản đối mạnh mẽ thử nghiệm và chế tạo vũ khí hạt nhân, hàng năm vẫn tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân của hai vụ bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến II.

Và những mặt chưa hoàn hảo

Không ai phủ nhận được những thành công rất đáng cảm phục của nền giáo dục đạo đức Nhật Bản, nhưng điều đó không có nghĩa là nền giáo dục đã hoàn hảo.

Trên thực tế, trong gia đình cũng như trong xã hội, vị trí và vai trò người phụ nữ Nhật vẫn có những điểm thua thiệt, bất công so với nam giới. Nếu so sánh với các quốc gia tiến triển ngang mức với Nhật Bản trên thế giới ở Âu Mỹ, thì Nhật Bản vẫn ở mức thua kém khá xa. Người phụ nữ Nhật cần phải được xã hội và gia đình chấp nhận tinh thần dân chủ và công bằng hơn, để hợp với vị trí một nước Nhật văn minh và thịnh vượng.

Bên cạnh đó, cha mẹ vẫn mang quan niệm trọng bằng cấp, nên đã gây áp lực học hành lên các con một cách quá mức. Rất nhiều trẻ em Nhật gần như không có thời gian rảnh rỗi. Ngoài giờ học tại trường, chúng còn phải học thêm các khoá luyện thi vào buổi tối với hy vọng đậu vào các trường đại học nổi tiếng để làm vui lòng cha mẹ.

Tình trạng bài bạc ở Nhật dù đã giảm khá nhiều so với khoảng 30, 40 năm trước nhưng vẫn còn ở mức đáng kinh ngạc. Khoảng gần 9% nam giới và gần 2% nữ giới vẫn lấy trò đỏ đen làm thú vui. Người ta có thể tìm thấy ở mọi nơi, từ vùng quê xa xôi đến trung tâm đô thị lớn những cơ sở pachinko (một dạng như casino) chiếm hữu những căn nhà nhiều tầng hay những nhà xoa mạt chược luôn luôn đông khách từ sáng đến khuya.

Thống kê cho biết số lượng sách báo, tạp chí được in ấn, xuất bản tại Nhật trên đầu người được coi là cao nhất thế giới. Thế nhưng, chất lượng của những sách báo đó vẫn là điều người ta cần phải cau mày suy nghĩ. Không ít tạp chí màu sắc chói mắt (manga) lại chứa đựng nội dung vô đạo đức có đầy trên sạp báo, trong quán ăn... Ở trung tâm các thành phố lớn cũng không thiếu hình ảnh ăn chơi sa đoạ của một số thanh niên, nam nữ mới lớn với màu tóc sơn xanh, sơn đỏ, quần áo lố lăng, sống không mục đích.

Những nhà giáo dục cho rằng, sự phát triển quá nhanh về vật chất kèm theo thiếu sự săn sóc, giáo dục của gia đình và xã hội đã làm cho một số (dù rất nhỏ) thanh thiếu niên có nếp sống buông thả với những thú vui thấp kém và vô đạo đức.

Như phần trên đã đề cập, mục đích của giáo dục đạo đức là đào tạo ra những người có phẩm chất tốt, hữu ích cho xã hội. Bởi vậy, một trong những yếu tố quan trọng nhất trong thực hành môn đạo đức đó là khuyến khích con người phát triển hiểu biết bằng sự học hỏi tìm tòi để có khả năng phân biệt đúng sai trong cuộc sống.

Với tiêu chí rất đẹp đẽ và đầy tính nhân văn như vậy, nhưng nhiều người vẫn mang một vài cảm giác nghi ngờ khi nhớ đến một số sư kiện đau thương trong lịch sử cận đại mà người Nhật Bản đã đem đến cho nhiều dân tộc khác. Những sự kiện điển hình nêu trên vẫn còn xa lạ với kiến thức của người dân Nhật Bản bình thường. Họ hoàn toàn không có dịp tiếp cận với sự thật mà có lẽ phần đông người Nhật có tinh thần tôn trọng nhân quyền và ý thức đạo đức sẽ không khỏi ân hận và ngỡ ngàng khi biết sự thật mà đất nước họ đã phạm phải trong quá khứ.

Những người nặng lòng với ngành giáo dục đạo đức cho rằng môn đạo đức học phải được đưa sâu hơn vào con người Nhật Bản, không chỉ trong môi trường học đường mà còn phải được đề cập một cách gián tiếp hay trực tiếp đến quần chúng dưới nhiều dạng thức như trên báo chí, truyền thanh truyền hình và ngay cả trong văn học, nghệ thuật... Chính phủ và ngành giáo dục Nhật phải can đảm nhìn vào sự thật, không che giấu hay ngụy tạo những chứng cớ làm sai lệch sự thật.

Mọi người phải biết rằng: Người ta có thể dựa vào tài năng và phương tiện để thay đổi hiện tại hay chuyển hướng tương lai và những lầm lỗi của quá khứ phải được biết đến tường tận để giúp cho người ta tránh được sai lầm tiếp theo.

Tuy nhiên, với sự thành công của ngành giáo dục đạo đức và bản chất tốt đẹp trong cá tính của dân tộc Nhật, người ta tin tưởng rằng, sự khuôn thước của xã hội cũng như bản chất con người Nhật vẫn là biểu tượng gương mẫu về đạo đức và chuẩn mực trong lối sống đáng cho thế giới cảm phục và học hỏi. Nước Nhật với thời gian dài vẫn là một trong những quốc gia thịnh vượng trên thế giới.

Lưu An - Vũ Ngọc Ruẩn