Giáo dục giới tính cho trẻ để giúp các em không vào "bụi rậm". (Nguồn: TT) |
Là phụ huynh, anh chị làm gì khi phát hiện con mình vào web “đen” và xem phim “người lớn”?
Tôi từng đi dự một hội thảo về giáo dục giới tính cho trẻ, ban tổ chức đã đặt vấn đề như vậy. Phụ huynh im lặng, nhưng dường như ai cũng thấy hoang mang, chưa biết xử trí thế nào.
Chuyên gia nói chuyện trong buổi hôm ấy đã mở lời, “các anh chị đừng vội vàng phản ứng gay gắt, đánh mắng hay làm cho con xấu hổ, dù chuyện này rất khó chấp nhận”. Và gợi ý tiếp theo của chuyên gia là “khi chúng ta lắng nghe được nhu cầu của trẻ trong độ tuổi dậy thì - là tò mò, khám phá về giới tính, tìm hiểu những thứ thuộc về mình, mang tính bản năng thì chúng ta sẽ có định hướng đúng cho con”.
Ấy là câu chuyện của gần chục năm trước nhưng đâu đó, thi thoảng nó vẫn “sống dậy” trong các diễn đàn dạy con của những ông bố, bà mẹ.
Mới đây, câu chuyện này lại rộ lên và các ông bố bà mẹ hiện đại ngày nay vẫn phân ra một vài phe để tranh luận. Có người xem đó là chuyện bình thường, phải bình tĩnh để nói cho con hiểu và từng bước bước ra khỏi “cơn mê”. Có người vẫn bày tỏ lo lắng cực kỳ lớn vì con mới lớn mà… làm chuyện động trời vậy, không làm cho ra lẽ thì sẽ “ngựa quen đường cũ”.
"Việc để con mình tự bơi trong bể thông tin và 'mắc bẫy' trên mạng có lỗi của phụ huynh, bởi có nhiều người giao phó cho con cái điện thoại thông minh mà không hề có hướng dẫn, giám sát việc sử dụng". |
Rõ ràng, tìm hiểu, khám phá bản thân là nhu cầu hết sức bình thường của con người. Điều quan trọng là khám phá như thế nào, thỏa mãn nhu cầu ấy ra sao, ở lứa tuổi nào thì phù hợp… Đây là những đề bài cho việc giáo dục giới tính trong nhà trường cũng như chia sẻ cởi mở giữa bố mẹ, con cái về chuyện được mặc chiếc áo “nhạy cảm” này.
Tôi vẫn còn nhớ hồi học phổ thông, cô giáo dạy sinh học của mình đã khá ngượng ngùng khi nói về các giai đoạn của tuổi dậy thì. Thời điểm đó cách đây 20 năm, nhưng xem chừng, hiện tại, nhiều thầy cô giáo và phụ huynh hẳn cũng né tránh khi nói đến đề tài này. Tất nhiên, nói sao cho khéo là vấn đề đặt ra.
UNICEF năm 2020 đã từng có khảo sát và kết quả cho thấy, 49% trẻ vị thành niên được hỏi đã tiếp xúc với nội dung khiêu dâm trực tuyến, vô tình hoặc cố ý. Có thể con số này cao hơn. Nhưng với con số ấy cũng cho thấy, đây là nhu cầu tất yếu của trẻ bước vào độ tuổi dậy thì, với các thay đổi chóng mặt về chỉ số cơ thể, những biến đổi tâm-sinh lý một cách “lạ kỳ” trong nhận thức của các em.
Nếu người bố khéo léo có thể kéo con trai mình ra một góc để nói về những thay đổi của bộ phận sinh dục nam, rủ con đi siêu thị và cùng chọn chiếc “quần nhỏ” phù hợp. Người mẹ có thể tỉ tê cùng con gái về nhiều vấn đề tế nhị, phải giữ gìn, phải biết tự bảo vệ mình…
Ngày nay, trẻ được nuôi dưỡng đủ dinh dưỡng hơn nên lớn nhanh, dậy thì sớm hơn; đồng thời các em tiếp xúc với khá nhiều phim ảnh, thông tin liên quan đến giới tính, tình dục và bị tác động ít nhiều.
Nhất là thời gian gần đây, các em học online, tiếp cận hằng ngày với công nghệ. Do vậy, các em càng cần được sự chia sẻ, giúp đỡ từ phía gia đình, nhà trường thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, những cuộc trò chuyện cởi mở giữa bố mẹ - con cái.
Thêm nữa, việc tạo môi trường lành mạnh cho con tham gia vào để tránh suốt ngày ôm điện thoại, nhốt mình vào thế giới ảo dẫn tới những “cơ hội” đi vào các web không lành mạnh, nghiện game cũng là một hướng giúp trẻ cân bằng lại.
Nói về điều này, Thạc sĩ Tâm lý Võ Hồng Tâm chia sẻ: “Cho trẻ môi trường sinh hoạt lành mạnh, trò chuyện với trẻ một cách chân thành như những người bạn về vấn đề giới tính, tình yêu sẽ giúp con không tự tìm hiểu và dễ rơi vào các vùng tối khó thoát ra. Tôi gọi đó là bờ đê cho trẻ trưởng thành trong dòng chảy yên bình. Đây là vấn đề mà các bậc phụ huynh phải chuẩn bị từ sớm chứ không phải đợi tới lúc phát hiện con mình… xem phim người lớn rồi mới hoảng hốt, trút sự hoang mang lên con bằng đòn roi, chì chiết. Đó là phản giáo dục”.
Theo ThS Tâm, việc để con mình tự bơi trong bể thông tin và “mắc bẫy” trên mạng có lỗi của phụ huynh, bởi có nhiều người giao phó cho con cái điện thoại thông minh mà không hề có hướng dẫn, giám sát việc sử dụng.
Thực sự, chúng ta chỉ sắm cho con đủ tiện nghi nhưng lại thiếu trang bị cho con kỹ năng và kỷ luật trong việc làm chủ bản thân trước cuộc sống xô bồ. Vì vậy, không nên vội vàng trách phạt con, dù sao trẻ cũng chỉ là đứa trẻ mới lớn.
ThS Võ Hồng Tâm cho rằng, ngay từ nhỏ phải cho con môi trường tốt, gần gũi quan tâm để trẻ có niềm vui từ nhiều hoạt động thực tế bên ngoài, cởi mở chia sẻ được với phụ huynh, nhất là chuyện giới tính, tình yêu, tình dục - những vấn đề thiết thân với mỗi người.
| Cha mẹ nên làm gì để bảo vệ con trước những hiểm nguy trên mạng xã hội? Hội Bảo vệ quyền trẻ em tại Anh khuyến nghị cha mẹ nên trò chuyện với con về phim khiêu dâm và quấy rối tình ... |
| Chuyên gia tâm lý: 'Điện thoại là công cụ, trút giận vào nó chỉ thể hiện sự bất lực của người lớn' Trên mạng xã hội cũng có rất nhiều cạm bẫy. Mà cạm bẫy thì mình sẽ học kỹ năng để tránh nó, chứ điện thoại ... |