Trung thu là dịp tốt để giáo dục trẻ về vốn sống và văn hóa. (Nguồn: Toquoc.vn) |
Đó là quan điểm của ThS. Đinh Văn Mãi, Giảng viên kỹ năng mềm, Trung tâm phát triển năng lực sinh viên, Trường Đại học Văn Lang với Báo Thế giới và Việt Nam nhân dịp Tết Trung thu cận kề, trong bối cảnh nhiều tỉnh thành miền Bắc đang hứng chịu những thiệt hại nặng nề do cơn bão số ba gây ra.
Dưới góc nhìn của ông, Tết Trung thu có vai trò như thế nào trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc?
Trung thu luôn là dịp đặc biệt để gia đình sum vầy; trẻ em và người lớn tham gia làm đèn lồng, rước đèn, múa lân và bày cỗ trông trăng tăng cường sự gắn bó, tình yêu thương trong gia đình. Du khách quốc tế đến với Việt Nam được hòa mình vào các hoạt động, ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa của Tết Trung thu, chia sẻ trên mạng xã hội. Điều đó giúp quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Đời sống của người dân ngày một hiện đại, số hóa nhưng Tết Trung thu không thay đổi. Những hoạt động truyền thống vẫn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong thời đại ngày nay khi mà công nghệ ngày càng “xâm lấn” cuộc sống thường nhật, làm thế nào để giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của Tết Trung thu?
Công tác giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp của Tết Trung thu đòi hỏi sự kết hợp khéo léo giữa truyền thống và hiện đại. Một mặt vẫn triển khai những hoạt động truyền thống dưới nhiều hình thức sáng tạo, mặt khác tận dụng công nghệ để lan tỏa giá trị đến nhiều người hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người có xu hướng gắn bó với công nghệ.
Trong mỗi gia đình nên tạo cơ hội để các thành viên cùng tham gia hoạt động làm đèn lồng, tham quan phố đèn lồng, trải nghiệm làm bánh Trung thu. Nhà trường có thể tổ chức các cuộc thi làm đèn lồng sáng tạo, đèn lồng tái chế hay tìm hiểu về ý nghĩa, lịch sử và phong tục của Tết Trung thu. Bạn trẻ có thể sáng tạo những video ngắn và ý nghĩa liên quan Trung thu để lan tỏa trên mạng xã hội.
Những video hướng dẫn làm lồng đèn hay làm bánh Trung thu cũng cần được chia sẻ. Các điểm đến thường xuyên của giới trẻ như Phố Lồng Đèn hay các cửa hàng có thể trang trí hình ảnh chủ đề về Trung thu. Các tổ chức, đoàn thể hay nhóm tình nguyện triển khai chương trình gây quỹ, mang tết Trung thu đến với trẻ em và những người có hoàn cảnh khó khăn hơn để ai cũng được đón Tết Trung thu ấm áp, tràn đầy yêu thương. Bằng nhiều cách thức khác nhau với sự tham gia các mọi thành phần trong xã hội, chúng ta có thể bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của Tết Trung thu, đồng thời giúp giá trị này phù hợp hơn với đời sống hiện đại.
ThS. Đinh Văn Mãi. (Ảnh: NVCC) |
Việc giáo dục trẻ về Tết Trung thu có ý nghĩa như thế nào?
Giáo dục về vốn sống và văn hóa qua Tết Trung thu có ý nghĩa sâu sắc trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Thông qua các hoạt động truyền thống với sự tham gia của phụ huynh, trẻ học được tình yêu thương mà ông bà, cha mẹ dành cho mình bằng hành động cụ thể, tạo nền tảng vững chắc để phát triển tình cảm, tâm lý của trẻ.
Bên cạnh đó, trẻ có thể phát triển các kỹ năng giao tiếp, hợp tác với bạn bè hay thành viên trong gia đình qua việc sáng tạo làm lồng đèn, trang trí mâm cỗ; học cách chia sẻ yêu thương, tặng quà bánh cho những người có hoàn cảnh khó khăn, gửi quà, quần áo cho trẻ em vùng lũ. Điều này giúp trẻ phát triển lòng nhân ái, tinh thần cộng đồng và thấu hiểu người khác. Bằng việc tham gia và tìm hiểu về lịch sử, ý nghĩa của các phong tục tập quán dịp Tết Trung thu, trẻ sẽ hiểu, trân trọng và phát huy các giá trị văn hóa mà cha ông để lại phù hợp với thời đại hiện nay.
Mục đích cốt lõi của những hoạt động này là giúp trẻ phát triển toàn diện cả về trí tuệ, tình cảm, lòng nhân ái và kỹ năng xã hội. Qua việc tham gia các hoạt động, trẻ bộc lộ nét tính cách của bản thân, giúp gia đình hướng dẫn trẻ thực hành những hành vi ứng xử chuẩn mực, tôn trọng và gắn kết bản thân với mọi người xung quanh, bảo đảm quyền được học tập, tham gia tìm hiểu, khám phá những giá trị tốt đẹp. Từ đó, các em sẽ sống có ý thức và trách nhiệm hơn.
Trung thu năm nay rất khác so với mọi năm do thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh, thành miền Bắc hứng chịu những thiệt hại nặng nề do cơn bão Yagi gây ra như lũ quét, nước dâng cao, sập cầu… Nhiều trẻ em không có Tết Trung thu. Theo tôi, dịp này, các nhà trường, gia đình nên hướng đến giáo dục các em về việc sẻ chia với các bạn vùng lũ. Đây là một trong những hoạt động vô cùng quan trọng, ý nghĩa của giáo dục.
Những lợi ích nào trẻ em có thể nhận được khi được tham gia các hoạt động giáo dục trong dịp này?
Tết Trung thu là cơ hội tốt để gia đình, nhà trường giáo dục trẻ bằng nhiều cách khác nhau. Trẻ có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp, sự kiên nhẫn và tinh thần đồng đội khi tham gia hoạt động tập thể như làm đèn lồng, múa lân, chuẩn bị mâm cỗ. Các em giao tiếp với nhiều người hơn tạo nền tảng phát triển khả năng hòa nhập, xây dựng mối quan hệ. Trẻ học cách sáng tạo các sản phẩm đèn lồng hay tranh vẽ về Trung thu của bản thân và trình bày trước mọi người.
"Việc giáo dục lòng nhân ái thông qua sẻ chia với các bạn nhỏ vùng mưa lũ miền Bắc, trẻ em vùng sâu vùng xa... là vô cùng quan trọng, cần thực hiện thường xuyên không chỉ trong dịp Tết Trung thu". |
Một mặt, trẻ gia tăng sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử, gần gũi với thiên nhiên qua các câu chuyện kể. Mặt khác, các em học được giá trị của chia sẻ, yêu thương và thấu cảm với trẻ em khó khăn. Việc tiếp cận sớm với các giá trị văn hóa truyền thống giúp trẻ khơi gợi tinh thần ham học hỏi và trân trọng bản sắc dân tộc, hình thành ý thức bảo tồn văn hóa, khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
Tết Trung thu cũng là dịp để giáo dục lòng nhân ái cho trẻ. (Ảnh: NVCC) |
Làm thế nào để kết hợp các hoạt động vui chơi giải trí với việc truyền đạt kiến thức cho trẻ một cách hiệu quả?
Khi truyền đạt kiến thức cho trẻ thông qua các hoạt động vui chơi, phụ huynh và nhà trường cần đảm bảo sự an toàn, sáng tạo phù hợp với lứa tuổi cũng như cân bằng giữa giáo dục và giải trí. Đồng thời, lắng nghe mong muốn của trẻ để phối hợp tổ chức đa dạng các hoạt động như thiết kế các trò chơi theo kiểu “Ai là triệu phú” với các câu hỏi về Tết Trung thu; khuyến khích trẻ kể chuyện dân gian, diễn kịch, nhập vai; tổ chức các trò chơi dân gian kết nối với lễ hội làm đèn lồng, vẽ tranh, làm bánh, múa lân, trang trí mâm cỗ. Ngoài ra, trẻ tham gia hoạt động tình nguyện, tham quan các địa điểm văn hóa, phố lồng đèn hay chụp ảnh cùng gia đình.
"Trung thu năm nay rất khác so với mọi năm do thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh, thành miền Bắc hứng chịu những thiệt hại nặng nề do cơn bão Yagi gây ra như lũ quét, nước dâng cao, sập cầu… Nhiều trẻ em không có Tết Trung thu. Dịp này, nhà trường, gia đình nên hướng đến giáo dục các em về việc sẻ chia với các bạn vùng lũ. Đây là một trong những hoạt động vô cùng quan trọng, ý nghĩa của giáo dục". |
Phụ huynh nên sắp xếp thời gian tham gia cùng trẻ, giải thích ý nghĩa của các phong tục về Tết Trung thu để trẻ hiểu sâu hơn về cội nguồn văn hóa dân tộc. Đồng thời, hướng dẫn trẻ cách tương tác, ứng xử phù hợp, lắng nghe chia sẻ cảm nhận của trẻ sau khi tham gia.
Nhà trường là nơi trẻ học tập và trải nghiệm Tết Trung thu trong môi trường giáo dục toàn diện. Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường tạo nên môi trường học tập hiệu quả cho trẻ. Nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục, trong khi gia đình tiếp tục duy trì và củng cố các giá trị văn hóa tại nhà. Hơn nữa, việc giáo dục lòng nhân ái thông qua sẻ chia với các bạn nhỏ vùng mưa lũ miền Bắc, với trẻ em vùng sâu vùng xa là vô cùng quan trọng, cần thực hiện thường xuyên không chỉ trong dịp Tết Trung thu.
Xin cảm ơn ông!