Ngôi nhà dài truyền thống tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Nguồn: Cinet) |
Ngôi nhà dài Êđê và nhà rông Bana dựng trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từ năm 2000 và năm 2003. Qua quá trình phục vụ khách tham quan, hai ngôi nhà đã bắt đầu xuống cấp. Để tiến hành tu sửa cho công trình, Bảo tàng đã mời các nghệ nhân Êđê đến từ buôn Ky ở Đắc Lắc và các nghệ nhân Bana từ xã Vinh Quang ở Kon Tum. Sau gần một tháng, họ đã sửa hoàn tất một số hạng mục của hai ngôi nhà.
Dịp này, Bảo tàng Dân tộc học quyết định tổ chức buổi gặp gỡ, nói chuyện giữa công chúng với các nghệ nhân người Êđê và Bana. Chương trình có sự tham gia của Tiến sỹ Dân tộc học Lưu Hùng và tổ chức nhiều hoạt động khác như Lễ cúng cầu sức khỏe cho chủ nhà dài Êđê, trình diễn Đing năm,cồng chiêng, hát Aray của người Êđê...
Nhà rông là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của đồng bào Bana thể hiện sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng, thích ứng với môi trường thiên nhiên. Trong đời sống của đồng bào Bana, ngôi nhà không chỉ là bộ mặt, niềm tin và lòng kiêu hãnh của cả buôn làng, mà còn là không gian linh thiêng, nơi quy tụ sức mạnh tâm linh và thể hiện bản sắc văn hoá của đồng bào Bana. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc nhà rông được ngành văn hoá rất chú trọng.
Nhà dài truyền thống là một phức hợp không gian kiến trúc độc đáo, thể hiện nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng - tâm linh của người Ê-đê và M’nông. Nhà dài là nơi chung sống của đại gia đình theo chế độ mẫu hệ và thường xuyên được nối dài mỗi khi một thành viên nữ trong đại gia đình xây dựng gia thất. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắc Lắc, tính đến cuối năm 2011, trên địa bàn tỉnh có 2.608 ngôi nhà dài. Con số này cho thấy sự sụt giảm khá rõ, bởi trước đây, tại 600 buôn làng Ê-đê, M’nông đều có từ 50 - 60 ngôi nhà dài trong mỗi buôn làng.