📞

Giáo sư Đại học Massachusetts: Nếu Mỹ xử lý Covid-19 như cách của Việt Nam thì số người chết sẽ không lên đến 100

10:18 | 24/08/2020
TGVN. Giáo sư kinh tế và nghiên cứu chính trị Đại học Massachusetts (Mỹ) cho rằng, Việt Nam là một trường hợp phi thường và nếu Mỹ xử lý Covid-19 như cách của Việt Nam thì số người nước này chết vì đại dịch sẽ không lên đến 100 người.
Theo Giáo sư Mỹ, nếu Washington xử lý Covid-19 như cách của Việt Nam thì số người nước này chết vì đại dịch sẽ không lên đến 100 người. (Nguồn: BBC)

Trong bài phỏng vấn của tờ Truthout với Giáo sư kinh tế học xuất sắc Roerbt Pollin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính trị tại Đại học Massachusetts, tờ báo cho rằng, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ các điểm yếu của hệ thống y tế ở Mỹ và khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng. Đây là những vấn đề đòi hỏi Chính phủ Mỹ cần phải giải quyết.

Với hơn 180.000 ca tử vong trong tổng số hơn 5,7 triệu người nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong ở mức hơn 1 triệu người Mỹ thì có 514 người thiệt mạng, Giáo sư Pollin cho rằng, hiện không có bằng chứng nào cho thấy tỷ lệ tử vong sẽ sớm giảm.

Con số này ở Canada thấp hơn một nửa, khoảng 239 ca tử vong/1 triệu dân, ở Australia chỉ có 15 ca, Nhật Bản 9 ca, Hàn Quốc là 3 ca trên 1 triệu dân. Thậm chí ở Trung Quốc- nơi khởi nguồn của dịch bệnh cũng chỉ có 3 người tử vong trên 1 triệu dân.

Trong cuộc phỏng vấn, Giáo sư Pollin cho rằng, nếu Mỹ ứng phó với đại dịch Covid-19 như Australia sẽ chỉ có chưa đến 5000 người tử vong, chứ không phải như hiện nay là hơn 180.000 người mãi mãi ra đi.

Nhà kinh tế học cho rằng, Việt Nam là trường hợp phi thường nhất, với 27 ca tử vong trong tổng số 1.016 người mắc bệnh, tỷ lệ chỉ có 0,28 trên 1 triệu dân. “Đây là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 3% so với ở Mỹ”, ông Pollin nói, “nếu Mỹ xử lý Covid-19 ở cấp độ có thẩm quyền như ở Việt Nam trong 8 tháng qua, thì hôm nay, tổng số người Mỹ chết vì đại dịch sẽ ở mức dưới 100”.

Trong buổi phỏng vấn, nhà kinh tế học cũng đã chỉ ra những bất cập của chính quyền Mỹ trong việc tiến hành các chính sách cứu trợ kinh tế trong bối cảnh đại dịch. Đồng thời, ông cũng nhắc lại bài học của Việt Nam nói riêng và các quốc gia châu Á nói chung về các chính sách xử lý dịch bệnh.

Ông Robert Pollin nói: “Tôi chắc chắn không có chuyên gia nào (đủ khả năng) tính toán mất bao lâu Mỹ mới kiểm soát được Covid-19, hay đánh giá khả năng nó vẫn sẽ là mối đe dọa dài hạn tới sức khỏe cộng đồng. Nhưng trong trường hợp chúng ta phải đối mặt với một loại virus mà chúng ta không thể kiểm soát đầy đủ, ngay cả thông qua tiêm chủng phổ cập, thì tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên bắt đầu học hỏi từ Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và đặc biệt là Việt Nam về cách tạo ra y tế công cộng để giảm thiểu sự lây lan dịch bệnh”.

Theo GS. Pollin, chính việc thành lập các hệ thống dịch vụ y tế công cộng để mọi người dân Mỹ được tiếp cận với chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt mà không quá phải lo lắng về tài chính là điều cần thiết, nhất là khi đó là những bệnh như Covid-19.

(theo Hải Yến/Suckhoevadoisong/Truthout)