Sinh năm 1983, được tiếp xúc với máy tính từ năm lớp 8, Nguyễn Thanh Tùng rất ham mê lập trình. Từ năm lớp 10, anh theo học lớp chuyên Tin học ở trường PTTH Chuyên thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội. Vì yêu nghề giáo, sau khi tốt nghiệp, anh đã đăng kí theo học ngành Tin học của Đại học Sư phạm Hà Nội.
Tốt nghiệp thủ khoa và được mời ở lại trường làm giảng viên trong ba năm, song Tùng xin được học bổng tiến sĩ chuyên ngành Kĩ thuật máy tính tại Mỹ. Nhờ thành tích tốt sau 6 năm tại trường Đại học Bang Iowa, anh đã được làm Giáo sư tập sự (Assistant Professor) tại Đại học Bang Utah.
Bạn không cần phải hoàn hảo
Có lẽ, đây chính là điều mà Tùng muốn nhắn nhủ với những bạn trẻ có hoài bão lớn. Anh kể rằng, khi đang học Đại học, bản thân anh không mấy chú tâm đến việc nâng cao kiến thức chuyên môn và tìm kiếm cơ hội du học. Sau khi tốt nghiệp và được mời ở lại trường làm công tác giảng dạy, anh nhận ra những hạn chế trong kiến thức và bắt đầu có ý định tìm kiếm cơ hội học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài. Mục tiêu của anh là theo học Tiến sĩ khoa học hoặc kĩ thuật máy tính ở một trường Đại học lớn của Mỹ.
Anh Nguyễn Thanh Tùng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Tuy nhiên, mục tiêu đó lại lớn hơn nhiều so với năng lực của Tùng lúc đó. Khi nộp hồ sơ xin học tiến sĩ ở Mỹ, tất cả các tiêu chí của anh đều không nổi trội. Ví dụ, điểm tốt nghiệp trung bình GPA 8.5 (vẫn thua kém sinh viên các trường Đại học kĩ thuật nổi tiếng ở Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội), trình độ tiếng Anh, đặc biệt là kĩ năng giao tiếp của anh chưa tốt (điểm thi TOEFL lần đầu chỉ đạt 540, thấp hơn ngưỡng tối thiểu của đa số các trường Đại học của Mỹ là 550). Ngoài ra, điểm thi GRE (kỳ thi đầu vào của các chương trình sau Đại học ngành khoa học và kỹ thuật) của anh thậm chí còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của du học sinh (điểm từ ngữ chỉ ở mức 13%, kém hơn 87% số thí sinh dự thi)...
Năm đầu tiên, cầm trên tay hồ sơ xin học không đặc sắc, Tùng khó khăn lắm để qua được 3 vòng (xét tuyển hồ sơ, thi toán, thi chứng chỉ GRE) và phải dừng bước ở vòng phỏng vấn tại kỳ thi tuyển học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF). Sau thất bại đó, anh vẫn quyết tâm và đã được VEF cấp học bổng Tiến sĩ trong kỳ thi năm kế tiếp. Có học bổng, nhưng quá trình xin học ở Mỹ của Tùng không dễ dàng. Tất cả các trường được VEF giới thiệu đều từ chối hồ sơ của anh. May mắn thay, Giáo sư Nguyễn Nhựt Tiến đã nhận anh đến trường Đại học bang Iowa để anh theo học ngành Tiến sĩ Kĩ thuật Máy tính dưới sự hướng dẫn của ông.
Tùng cho biết, chương trình đào tạo Tiến sĩ ở Mỹ và các nước tiên tiến là nhằm tạo ra các nhà khoa học và nhà nghiên cứu tương lai. Vì vậy, để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, anh quyết định tham gia tất cả các dự án trong nhóm nghiên cứu tại trường và mong muốn công bố nghiên cứu của mình tại các hội nghị uy tín nhất trong ngành.
Nhưng quá trình nghiên cứu của Tùng lại không suôn sẻ. Bài báo đầu tiên của anh bị từ chối công bố 2 lần, lần thứ 3, 4, 5 cũng chỉ được nhận đăng dưới dạng rút gọn và phải đến lần thứ 6 mới được nhận đăng toàn văn ở ASE (Hội nghị Quốc tế về Tự động hóa Công nghệ Phần mềm, xếp hạng 3 trong ngành). Sau này, khi có kinh nghiệm viết tốt hơn, bài báo thứ hai của anh được nhận đăng ngay sau lần nộp đầu tiên ở FSE (Hội nghị Quốc tế về Cơ sở của Công nghệ Phần mềm, xếp hạng 2 trong ngành) và còn được nhận giải thưởng công trình khoa học xuất sắc. Tuy nhiên, Tùng vẫn gặp phải một số trục trặc như có một bài báo gửi cho TSE (IEEE Transactions on Software Engineering) nhưng anh phải ròng rã chỉnh sửa trong suốt 3 năm theo phản biện của những người bình duyệt mà cuối cùng vẫn không được công bố.
Bí quyết “tham vọng” và “kiên trì”
Khiêm tốn khi nói về thành công của bản thân, Tùng cho rằng, mình không có bí quyết gì cả, ngoài hai chữ “tham vọng” và “kiên trì”. Anh cho biết, do điểm xuất phát thấp, anh thường đặt ra mục tiêu cao hơn năng lực hiện tại. Chính vì vậy, dù gặp thất bại thường xuyên, nhưng anh luôn cố gắng đứng dậy và điều chỉnh mục tiêu.
Hành trình đến thành công của Tùng còn gói trong hai chữ “chật vật”. Trước khi tốt nghiệp tiến sĩ, anh đã xin làm giáo sư ở một số trường Đại học hoặc làm kỹ sư tại một số công ty công nghệ nhưng đều thất bại. Anh trượt vòng phỏng vấn lần đầu ở Google và phải đợi một năm sau mới đạt kết quả. Năm đầu, anh xin làm giáo sư cũng bị từ chối và phải đến năm thứ hai mới nhận được lời mời làm việc của ba trường Đại học.
Hiện Tùng sống tại thành phố Logan (bang Utah) cùng gia đình. Mỗi năm, anh dạy 3 lớp Đại học và sau Đại học của trường Đại học Bang Utah và thỉnh thoảng được mời thẩm định hoặc phản biện công trình khoa học của một số tác giả gửi tới các tạp chí và hội nghị khoa học trong ngành.
Nguyễn Thanh Tùng (thứ hai, từ phải qua) cùng các nghiên cứu sinh Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Tùng kể anh rất vui vì đang hướng dẫn cho 3 nghiên cứu sinh Việt Nam. “Làm việc ở nước ngoài, tôi thấy mình có thể đóng góp tốt nhất cho đất nước bằng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, tôi tuyển chọn sinh viên từ Việt Nam sang làm nghiên cứu sinh với mình”, Tùng chia sẻ. Anh cho biết, các nghiên cứu sinh Việt Nam làm nghiên cứu rất hăng say và hiệu quả. Sau hai năm, họ đã công bố được tổng cộng 5 bài báo và 2 phần mềm nghiên cứu tại ICSE (Hội nghị quốc tế về kỹ thuật phần mềm, xếp hạng 1 trong ngành) và ASE.
Để giúp các em nghiên cứu sinh tránh rắc rối trong quá trình xin học bổng chính phủ, Tùng trực tiếp cấp học bổng cho các em từ quỹ nghiên cứu của mình hoặc giới thiệu các em làm trợ lí giảng dạy cho khoa. Tùng cho biết, khi anh mới đến, khoa anh không có sinh viên Việt Nam nào. Sau hai năm, khoa đã có 6 nghiên cứu sinh người Việt, chiếm 20% tổng số nghiên cứu sinh của toàn khoa.
Thành tích nổi bật của Nguyễn Thanh Tùng: - Đã công bố cùng các cộng sự gần 50 công trình khoa học tại các hội nghị và tạp chí khoa học uy tín của ngành Công nghệ Phần mềm như ICSE (top-1), FSE (top-2), ASE (top-3), TSE (tạp chí top-1). Đạt chỉ số H-index 19 và gần 1300 trích dẫn. - Giải thưởng: 2 giải công trình khoa học xuất sắc của Nhóm chuyên gia ngành Công nghệ Phần mềm (ACM SIGSOFT), 1 giải công trình khoa học đặc biệt tại Hội nghị về Tự động hóa Công nghệ Phần mềm (ASE), Giải thưởng nghiên cứu xuất sắc của Đại học Bang Iowa. |
Việt Nam nên đầu tư vào khoa học ứng dụng Theo Tiến sĩ Lưu Trần Trung - một nhà khoa học trẻ tài năng tại Thụy Sỹ, quê nhà đang là miền đất nhiều cơ ... |
Muốn thả diều như ngày thơ bé Nữ giáo sư gốc Việt Kiều Linh Valverde đã chia sẻ với phóng viên Báo TG&VN về hành trình kết nối lại với quê hương cũng ... |
Ở đâu cũng có thể cống hiến Với Ngô Thị Minh Thùy - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Stanford danh tiếng thì sống ở đâu cũng có thể ... |