📞

Giáo viên cần được "sàng lọc" bằng các tiêu chuẩn đạo đức

22:48 | 09/02/2017
Đó là quan điểm của chuyên gia tâm lý - Tiến sĩ Trần Thành Nam, giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, về các vụ bạo hành trẻ tại trường mầm non.
TS Trần Thành Nam. (Ảnh: NVCC)

Thưa Tiến sĩ, dư luận mấy ngày nay xôn xao trước clip ghi lại hình ảnh của cô giáo mầm non dùng dép đập vào đầu, quát mắng và tát trẻ. Vấn đề ở chỗ trước đây cũng từng xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ và bị lên án gay gắt. Tuy nhiên, tại sao những vụ bạo hành vẫn tái diễn?

Tiến sĩ Trần Thành Nam: Thứ nhất, theo tôi niềm tin “yêu cho roi cho vọt” đã ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ cộng đồng xã hội, trong đó có cả các bậc phụ huynh. Trong giáo dục trẻ, nhiều người vẫn tin rằng nếu trẻ không sợ mình, không sợ bị phạt thì không thể giáo dục được. Những niềm tin này làm nhiều người lớn tặc lưỡi khi trót bạo hành trẻ.

Thứ hai, bạo hành vẫn tồn tại, chỉ là kín đáo hơn sau khi có một số vụ việc được truyền thông phản ánh. Tôi đã từng chứng kiến chính lãnh đạo một số trường tư ngầm làm ngơ và để mặc giáo viên làm như vậy vì phải ưu tiên nhiều mục tiêu khác nhằm hài lòng bố mẹ. Ví dụ, cân nặng của trẻ phải tăng đủ, nơi giữ trẻ phải luôn sạch sẽ thơm tho. Thậm chí trẻ khóc mà bố mẹ phát hiện thì giáo viên sẽ bị trừ lương… Tất cả những điều này góp phần tạo ra những hành vi bạo lực với trẻ trong giờ ăn (ép trẻ ăn); khi bị bẩn (ị đùn) thậm chí kéo ra chỗ khuất, dọa dẫm để trẻ không dám khóc…

Thứ ba, bản thân giáo viên mầm non quá tải và kiệt sức vì phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu từ cha mẹ, nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục để nuôi, dạy dỗ con chúng ta. Trong khi phần lợi ích kinh tế bù đắp cho họ lại chưa xứng đáng. Nhiều giáo viên cảm thấy ấm ức khi không được xã hội và phụ huynh tôn trọng. Những stress công việc này cũng góp phần lớn gây ra những hành vi không chuẩn mực.

Sau khi bị bạo hành, trẻ sẽ bị tổn thương như thế nào, thưa Tiến sĩ?

Trẻ trải qua bạo hành sẽ bị tổn thương cả về cơ thể lẫn tâm lý. Vì thế, về lâu dài trẻ thường có thói quen theo chiều hướng tiêu cực. Các em sẽ có xu hướng tin rằng mọi người xung quanh không tốt, thế giới này là nguy hiểm. Với những niềm tin tiền đề như thế, đứa trẻ lớn lên với những hoài nghi về lòng tốt của những người khác và có thể sẽ hành xử theo cách chúng đã được đối xử.

Những trẻ này thường có những đoạn hồi tưởng về hình ảnh sợ hãi khi bị bạo hành trong giấc ngủ hay khi tiếp cận với một tình huống tương tự khi thức. Các em có xu hướng thu mình, sợ đến trường, luôn lo lắng và hoảng sợ. Trong trạng thái như vậy, các em chẳng thể có tâm trí để tiếp thu hay học tập thêm kiến thức mới.

Phải chăng trách nhiệm của việc quản lý giáo dục mầm non đang quá lỏng lẻo, nhiều giáo viên chưa qua trường lớp mầm non, có chuyên môn quá thấp vẫn được vào dạy dỗ trẻ?

Tôi cho rằng với một số ngành nghề, đặc biệt là những ngành nghề phục vụ con người như bác sỹ, luật sư, nhà tâm lý, nhà giáo thì năng lực bằng cấp quan trọng một thì phẩm chất còn quan trọng mười.

Đối với giáo dục mầm non, việc tuyển lựa cũng cần phải làm thế nào để đo được không chỉ năng lực mà còn phẩm chất của người giáo viên. Tôi có người bạn muốn xin vào làm việc tại một trung tâm chăm sóc người già. Hồ sơ của anh rất đẹp, các yêu cầu về bằng cấp của anh đều đầy đủ và đáp ứng hết.

Tuy nhiên, cơ quan tuyển dụng vẫn quyết định cho anh tự trả lời một bộ câu hỏi trắc nghiệm nhân cách. Kết quả là anh bị loại vì những người tuyển dụng cho rằng điểm một số thang như nhiễu tâm, lo âu trầm cảm và xâm kích của anh cao hơn mức quy định. Theo đó, anh hay có cảm xúc tiêu cực, lo lắng và có xu hướng ứng xử theo kiểu thô bạo khi rơi vào những trạng thái tiêu cực. Ở Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được những hoạt động như thế.

Việc cô giáo dùng dép đánh trẻ là hành vi phản giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc dư luận xã hội và gây hoang mang, lo lắng cho các bậc cha mẹ. Theo ông, vấn đề lúc này có phải chỉ là đạo đức nghề giáo?

Hiện tượng này có cả phần lỗi của phụ huynh (khi đòi hỏi quá nhiều về việc cân nặng của con); phần áp lực công việc trong tính chất chăm sóc nuôi dạy trẻ mầm non và cả lỗi thuộc về phẩm chất kỹ năng của các cô giáo; sự kiệt sức và ấm ức cá nhân đã gây ra hiện tượng trên.

Tuy nhiên, về mặt quản lý, chúng ta vẫn cần phải có những giải pháp cụ thể để cải thiện tình hình này. Ở Mỹ, một sinh viên để có thể được phép xuống làm việc với trẻ bắt buộc phải thực hiện thủ tục lấy dấu vân tay cho cơ quan điều tra FBI. Họ sẽ chịu trách nhiệm sàng lọc tất cả các thông tin cá nhân của sinh viên để biết xem liệu người đó đã từng có tiền án tiền sự gì chưa. Sinh viên đó đã từng bị báo cáo về hành vi ứng xử thô bạo với người khác hay không.

Họ làm vậy vì muốn loại trừ hết tất cả những yếu tố nguy cơ có thể gây ra nguy hiểm cho các em nhỏ. Kể cả việc một sinh viên có lịch sử đã từng bị bố mẹ bạo hành, mặc dù sinh viên đó chưa có bất kỳ hành vi thiếu chuẩn mực nào với những người xung quanh, vẫn bị loại. Bởi lẽ, bằng chứng nghiên cứu đã chứng minh rằng những người bị bạo hành rất dễ có những hành vi bạo lực tương tự với những người khác. Sau công đoạn sàng lọc như vậy, chỉ những sinh viên đáp ứng đủ các tiêu chuẩn mới được cấp phép xuống tiếp cận với các em nhỏ.

Những hiện tượng bạo hành sẽ được hạn chế nếu chúng ta đẩy mạnh việc xây dựng và phổ biến những quy tắc đạo đức hành nghề cho các ngành nghề chuyên nghiệp. Một số nguyên tắc đạo đức căn bản như thiện tâm và không gây hại, tin cậy và trách nhiệm, chính trực và công bằng, tôn trọng quyền và nhân phẩm của học sinh cần được đề cập và đưa vào chương trình đào tạo giáo sinh. Tuy nhiên, chỉ dạy lý thuyết thôi không đủ mà cần tạo điều kiện, môi trường để giáo sinh có thể trải nghiệm để hình thành nên những phẩm chất cần thiết trước khi ra nghề.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!