Ngày 27/12, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) đã tổ chức khai mạc Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.
Chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024. (Nguồn: TITC) |
Được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm (Hà Nội), chương trình nhằm giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, đưa di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi đến gần hơn với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Phát biểu tại khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc chia sẻ: Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, lĩnh vực văn hóa được xác định là một trong những ngành chủ lực, các giá trị văn hóa không chỉ là nền tảng, mục tiêu, động lực cho sự phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa mà còn là nền tảng cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch, văn hóa nói riêng phát triển bền vững, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Việc phát triển công nghiệp văn hóa là yêu cầu cấp thiết để cho quốc gia nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ bản sắc văn hóa của mình.
Tính đến năm 2024, Việt Nam đã 5 lần được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới trao tặng danh hiệu là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới, danh hiệu này là động lực để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá thu hút khách quốc tế đến khám phá vẻ đẹp đất nước và các giá trị di sản văn hóa lâu đời, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững trong tương lai.
Các nghệ nhân trình diễn hát Then. (Nguồn: VGP) |
Chương trình giới thiệu những giá trị nổi bật của hai Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, bao gồm Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Then là một hình thức nghệ thuật dân gian, là biểu hiện của tín ngưỡng truyền thống. Thực hành Then là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Với những giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo, Then không chỉ nuôi dưỡng tinh thần, tình cảm mà còn thể hiện khát vọng vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc của cộng đồng các dân tộc, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong khi đó, gốm là vật dụng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày cũng như trong các nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã phát triển lâu dài trong lịch sử, đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Chăm.
Đặc biệt, bên cạnh các hoạt động trưng bày, Trung tâm Thông tin du lịch cũng mời nghệ nhân từ các địa phương đến giao lưu, trình diễn về hai Di sản văn hóa phi vật thể này, tạo cơ hội cho du khách và cộng đồng hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa đặc sắc. Ngoài ra, chương trình còn tổ chức tọa đàm, giao lưu giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng đồng sở hữu di sản và du khách gắn với mục tiêu quảng bá, phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nghệ nhân Chăm giới thiệu cách làm gốm. (Nguồn: ĐBND) |
Theo ông Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch, “thông qua tổ chức chương trình này kỳ vọng sẽ làm cho giá trị của di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội, khai thác giá trị nổi bật của các di sản văn hóa phi vật thể thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch".
Đây cũng là dịp mở rộng giao lưu văn hóa giữa các địa phương có Di sản văn hóa phi vật thể, đẩy mạnh quảng bá, truyền thông các Di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.
Đồng thời, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc; triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".
| Phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch Ngày 23/11, được sự chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và UBND tỉnh Quảng Ngãi, Báo Văn hóa và ... |
| Nhiều hoạt động kỷ niệm 25 năm ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới Ngày 4/12, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức đoàn diễu hành bằng các phương tiện xe đạp, xích lô, xe điện… trên các ... |
| Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng việc Lễ hội vía ... |
| Lễ hội Tết Việt Saitama 2025: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống và gắn kết tinh thần dân tộc Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nỗi nhớ quê nhà da diết lại trào dâng trong ... |
| Tỉnh Quảng Bình có thêm 3 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Ngày 12/12, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định công nhận 3 di sản của ... |