Nhỏ Bình thường Lớn

Giới trẻ hôm nay: Không thích là "gà công nghiệp"

Với rất nhiều bạn trẻ hiện nay, đã qua rồi cái thời đi theo bố mẹ, anh chị đến những nơi nghỉ ngơi có sẵn người hướng dẫn đường đi nước bước. Chú trọng hơn tới nhu cầu tự khám phá những điều mới lạ, những người bạn thích phiêu lưu lại thích nhóm họp nhau trên mạng, sử dụng các công cụ hữu ích của Internet để chuẩn bị cho chuyến đi du lịch của mình.


Kết nối những người tìm cảm giác lạ

Cứ vào thử một website du lịch nào đó, bấm nháy vào lời kêu gọi: “Mọi người ơi, ai đi Bản Giốc nào!” hay “Singapore hè giá rẻ đi!” là thấy ngay bao nhiêu lời đáp được nhắn lại, hẹn ngày gặp, hỏi địa điểm tập trung, lịch trình đi và những số điện thoại nhắn lại.

Thế mới biết thế giới mạng đã kết nối bao nhiêu con người có máu phiêu lưu mạo hiểm với nhau. Thành phần tham dự đa số là các bạn trẻ như học sinh, sinh viên, thanh niên chưa lập gia đình, một số bạn đi du học hay sống ở nước ngoài về quê thăm gia đình… trên khắp các tỉnh thành cả nước.

Những người đã đi du lịch nhóm kiểu đó, muốn đi lại để tìm cảm giác lạ, muốn kết giao bạn bè. Còn những người lần đầu tiên đi thì có lý do chung rất lạ: Ngày nghỉ, ai cũng có đôi có lứa, chỉ có mỗi mình là đơn côi. Mọi người cứ hỏi: Sao ngày nghỉ không đi chơi? Ở nhà một mình chi cho tội?… Bị động chạm vào nỗi đau, lại “tương ớt bay vào mũi” nên lên mạng kiếm nhóm “đi du lịch bụi cho đỡ sầu”. Và từ cái sầu ban đầu, nhiều người nghiện du lịch bụi lúc nào không hay.

Đâu phải ít tiền

Nhiều người cho rằng, du lịch bụi, du lịch balô là để dành cho những người ít tiền, không có đủ điều kiện để ăn nghỉ ở những nơi sang trọng, nên đành phải “rúc bờ ngủ bụi” để thăm thú. Sự thực không phải như vậy. Đi du lịch không phải để khổ, đi du lịch bụi là theo cách của mình chọn.

Hạnh Dung có một công việc tốt tại một công ty liên doanh lương tính bằng đô, nhưng nếu hỏi sự lựa chọn phương thức đi du lịch, cô sẽ không ngần ngại nói ngay: du lịch bụi. Với cô, đi du lịch bụi chi tiêu tùy theo mức tiền của mỗi người. Nhiều tiền thì ở chỗ sang hơn, đi tàu khoang nằm, còn ít tiền thì chịu khó mất thời gian để tìm chỗ trọ rẻ và ăn uống tiết kiệm, không có bảo hiểm, nhưng quan trọng là được hòa nhập với cộng đồng. Chuyến đi khởi đầu của cô từ hồi còn là sinh viên. Lúc đầu chỉ nghĩ đi dọc đất nước Malaysia và Thái Lan trong vòng một tháng. Nhưng khi hòa đồng trong thế giới du lịch bụi, đặc biệt ở Thái Lan, nghe họ kể về Nepal, Ấn Độ, Pakistan, Lào, rất hấp dẫn, cứ thế, Hạnh Dung mở rộng lịch trình lúc nào không hay. Cũng từ ngày đó, cô thay đổi quan niệm, đi du lịch mà theo tour thì giống như “gà công nghiệp”, có những điểm cố định, ăn ngủ ở nơi đặt sẵn, và sẽ nhìn thế giới mà công ty du lịch mở ra cho bạn chứ không phải thế giới bạn muốn nhìn qua lăng kính của chính mình.

Tự mình du lịch, được gì?

Mất đi một số tiền không nhỏ nhưng những gì Hạnh Dung mang về lớn hơn rất nhiều: Những người bạn mới, sự trải nghiệm cuộc sống, giao tiếp dễ dàng với dân bản địa, rèn luyện sức khỏe… Và lớn nhất là niềm đam mê, ham thích khám phá, sự hào hứng mong được đi nữa, tìm đến những nơi xa hơn, lạ hơn, được nghe, được nhìn bằng chính con mắt của mình những bí ẩn văn hóa. Đi là để nhận được những giá trị vô hình từ cuộc sống, cảm thấy tự tin hơn.

Có người nhớ lại, trước đây thường sống theo kiểu tới đâu hay tới đó. Nhưng sau những chuyến du lịch bụi, họ đã biết lên các kế hoạch lớn, kế hoạch nhỏ, đã cảm thấy tự tin. Luôn tìm ra được cách giải quyết thông minh khi gặp khó khăn…

Đừng đùa với lửa

Nhiều bạn trẻ hiện nay định nghĩa du lịch bụi là du lịch… chui. Có đi như vậy cảm giác khám phá mạo hiểm mới “đã”. Dân du lịch nhóm vẫn truyền nhau một câu chuyện như bài học cảnh giác, đặng “lấy đó làm gương…mờ”. Chuyện rằng có một nhóm bạn 19 tuổi, nghe bạn bè tư vấn đã từ trong TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Rồi bằng xe tốc hành, cả nhóm mong ngóng tới cửa khẩu Lào Cai sau khi có mặt tại Thủ đô. Cứ theo lời tư vấn, cả bọn trông đợi vào sự “hoa tiêu” của các bác xe ôm, đi đường rừng ngoằn ngoèo để qua bên kia biên giới. “Khỏi phải giấy tờ loằng ngoằng. Mà lại rẻ” – Đó là lời bác xe ôm mách nước cho mấy đứa.

Đang trong mạch hào hứng bởi chiến tích “vượt biên ngoạn mục”, cả nhóm đứng người khi nghe tiếng hô đanh gọn lạnh lùng: “Các anh chị đang vi phạm khu vực biên giới. Yêu cầu cho chúng tôi kiểm tra giấy tờ tùy thân”. Thì ra các chú bộ đội biên phòng đi tuần, gặp cả bọn đang lớ ngớ ngay hành lang biên giới. Méo mặt, cả lũ lục lọi giấy tờ tùy thân và được đưa về đồn lập biên bản, lấy lời khai: “Tụi con có biết gì đâu. Bác xe ôm bảo chung tiền, rồi đưa qua ngon ơ. Không vi phạm gì cả…”. Báo hại bố mẹ mấy bạn trẻ, nghe tin con bị bắt tại biên giới mà cứ bàng hoàng cả người, phải từ Sài Gòn bay gấp ra Hà Nội, rồi ngược lên Lào Cai để bảo lãnh đón con về.

*

Xu hướng du lịch mới cho thấy sự năng động của lớp trẻ thời nay. Chỉ cần chiếc ba lô với vài bộ quần áo, chai nước suối, tấm bản đồ, sách hướng dẫn… rồi lên đường. Đi nhẹ bẫng, về cũng nhẹ bẫng như vậy. Tiền bạc chỉ đủ để ăn và ở. Cái còn lại sau mỗi chuyến đi ngoài làn da đỏ au bắt nắng, những đôi chân săn chắc do leo trèo, còn là cuống vé máy bay, vé tàu hỏa, tấm card của khách sạn, nhà nghỉ… Và không biết từ bao giờ, thú sưu tập những thứ này đang lên ngôi trong giới trẻ. Đi nhiều, bộ sưu tập càng lớn, càng thấy mình lớn hơn. Quan trọng hơn cả, đi để thấy mình cũng đang vận động trong vòng quay của thế giới rộng lớn.

Nguyễn Diệu