📞

Giới trẻ Việt: Ai nghe hát Tuồng?

15:00 | 10/04/2016
Trong sự phát triển của thời cuộc, giới trẻ Việt có nhiều lựa chọn hơn trong thưởng thức các loại hình nghệ thuật. có lẽ một phần vì thế mà những môn nghệ thuật truyền thống như hát Tuồng đang dần trở nên xa lạ với họ...

tuôTrong cuộc sống hiện đại, nhu cầu giải trí của người dân nói chung và giới trẻ nói riêng khá phong phú, đặc biệt là các loại hình giải trí được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Đây là xu thế tất yếu của hội nhập.

Nhưng các loại hình nghệ thuật truyền thống, cụ thể là nghệ thuật Tuồng, ở đâu trong trào lưu du nhập của văn hóa nước ngoài? Người viết đem câu hỏi này chia sẻ với Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn nhằm giải tỏa những băn khoăn về số phận của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Nghệ sỹ Ưu tú Kiều Oanh trong trích đoạn nổi tiếng “ông già cõng vợ đi xem hội”. (Ảnh: MH)

Bước chuyển tư duy

Theo đánh giá của ông Phạm Ngọc Tuấn thì cái nhìn hiện nay của công chúng đối với Tuồng ngày càng tích cực hơn, thể hiện ở lượng khán giả đến xem tuồng ngày càng đông hơn, không chỉ những người lớn tuổi mà cả giới trẻ và khán giả nước ngoài. Điều đó chứng tỏ sự thay đổi rất lớn về mặt tư duy, cũng như nhận thức của khán giả đối với nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Tuồng nói riêng.

Bên cạnh đó, ông Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, Tuồng cũng là loại hình nghệ thuật lựa chọn khán giả, không phải ai xem Tuồng cũng hiểu được Tuồng, mặc dù đó là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian giàu bản sắc được nhân dân yêu mến.

Vừa qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam tham gia liên hoan sân khấu các nước ASEAN và Trung Quốc, đã giúp khán giả các nước ASEAN đặc biệt là khán giả Trung Quốc thấy được sự khác biệt giữa Tuồng của Việt Nam và kinh kịch Trung Quốc chứ không phải như nhiều người vẫn lầm tưởng là hai loại hình này giống nhau. Tại liên hoan, Tuồng của Việt Nam đã được Ban Tổ chức đánh giá rất cao về mặt nghệ thuật.

Năm 2004, Nhà hát Tuồng hợp tác với nhà hát Moute Charge của Pháp và dựng được một số vở như: tác phẩm “Vòng Cát”, biểu diễn ở Pháp sau đó biểu diễn ở Bỉ, Morocco, Tây Ban Nha. Ở Việt Nam, vở diễn “Vòng Cát” đã tham gia Festival Huế và Festival sân khấu quốc tế ở  Hà Nội. Vở “Angtigon Việt Nam” biểu diễn ở Pháp... Các tác phẩm được đánh giá cao về việc kết hợp phong cách phương Đông và phương Tây. Cả hai vở đã biểu diễn ở nhiều tỉnh trong cả nước như  Lào Cai, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh…

Thu hút khán giả trẻ

Trong những năm qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam hết sức nỗ lực để tìm ra hướng đi mới nhằm thu hút khán giả trẻ như đưa các chương trình biểu diễn tuồng vào phục vụ các trường học. Hoạt động này ít nhiều mang lại hiệu quả khi đón nhận phản hồi tích cực từ các khán giả trẻ. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, khi khán giả hiểu được cái hay cái đẹp trong Tuồng thì họ sẽ dần đón nhận loại hình nghệ thuật này một cách tự nhiên.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, Tuồng là loại hình nghệ thuật khó xem và giới trẻ vẫn có khoảng cách nhất định với môn nghệ thuật này. Nhà hát Tuồng Việt Nam phải tiếp cận với đối tượng khán giả này bằng nhiều cách.

Một trong những giải pháp mà Nhà hát Tuồng Việt Nam đưa ra đó là các chương trình có tính tương tác, cho phép giới trẻ tìm hiểu cặn kẽ hơn về nội dung ca ngợi tính “trung quân ái quốc”, tính đạo lý, ngôn ngữ văn học trong tuồng cũng như vũ đạo và trang phục… là những điều tạo nên cái hay của nghệ thuật Tuồng.

Bên cạnh các vở Tuồng về đề tài lịch sử truyền thống như Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Nguyễn Tri Phương…, Nhà hát Tuồng đã dựng các vở Tuồng hài như “nghêu sò ốc hến”, “Trương Đồ Nhục”, “Trương Ngáo đúc chuông”… hay đề tài hiện đại như “Không còn đường nào khác”… để giới trẻ dễ tiếp cận.

Trông ra thế giới

Nhìn ra các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…, cách quản lý, bảo tồn nghệ thuật truyền thống không khác nhiều so với cách quản lý hay cách thu hút giới trẻ ở Việt Nam. Họ cũng có nhiều cách kéo khán giả trẻ gần hơn với nghệ thuật truyền thống như ở Việt Nam.

Ông Phạm Ngọc Tuấn đưa ra dẫn chứng mà Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp thu như việc duy trì và phát triển kịch Noh và Kabuki ở Nhật Bản. Theo ông, họ cũng giới thiệu những kịch Noh dạng truyền thống cho khán giả trẻ qua cách giao lưu, tương tác giống Tuồng Việt Nam. Tuy nhiên, điểm khác là các hoạt động này có tính chất xã hội hóa cao. Ngoài ra, Nhật Bản có quỹ phát triển văn hóa nhằm khai thác tốt nhất hỗ trợ tích cực của cộng đồng, của doanh nghiệp trong công tác bảo tồn nghệ thuật truyền thống.

Hiện nay, một số nước rất ưu tiên các nghệ thuật truyền thống và làm tốt công tác quảng bá nghệ thuật truyền thống đến với du khách, và cả giới trẻ. Chẳng hạn như ở sân bay Incheon, Hàn Quốc có sân khấu biểu diễn các loại hình nghệ thuật đạt hiệu ứng rất tốt. Nếu được, tại những sân bay, cầu cảng hay các resort Việt Nam có nhiều khách du lịch qua lại, nên có sân khấu để có thể tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật.

Có thể thấy, trong sự phát triển như vũ bão về mọi mặt của thế giới, những loại hình nghệ thuật truyền thống sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ nếu nó không được quan tâm, bảo tồn và phát huy đúng cách. Trong đó, dù đã gặt hái được ít nhiều thành công thì cũng không thể phủ nhận khoảng cách giữa Tuồng và giới trẻ đang ngày càng xa. Cách duy nhất để tránh cho xu hướng này phát triển quá nhanh chính là làm sao giúp giới trẻ hiểu được cái hay, cái đẹp trong Tuồng và chủ động hơn trong tìm đến với môn nghệ thuật này.