Cả EU và ECB đều coi Thủ tướng Mario Draghi là một đối tác đáng tin cậy và có khả năng đối phó với khủng hoảng tại Italy. (Nguồn: The Telegraph) |
Cuộc khủng hoảng toàn diện
Sau nhiều tháng âm ỉ, căng thẳng đối với liên minh cầm quyền tại Italy cuối cùng đã bùng nổ vào ngày 14/7, khi Phong trào Năm Sao (M5S) theo chủ nghĩa dân túy, một thành viên chủ chốt trong chính phủ liên đảng của ông Draghi, đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu về dự luật cứu trợ trị giá 26 tỷ Euro nhằm giúp đỡ các gia đình chống chọi với tình trạng lạm phát tăng cao.
Mặc dù giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện, với 172 phiếu thuận so với 39 phiếu chống, ông Draghi đã đệ đơn xin từ chức, nhưng bị Tổng thống Sergio Mattarella từ chối.
Italy hiện đang trong cuộc khủng hoảng chính trị, xảy ra đúng vào thời điểm tồi tệ nhất, khi nước này phải vật lộn với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt, ảnh hưởng từ xung đột tại Ukraine và kế hoạch thực hiện gói “chống phân mảnh” của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Tuần này sẽ rất quan trọng và không chỉ đối với Italy. Kịch bản tốt nhất là ông Draghi tiếp tục làm Thủ tướng càng lâu càng tốt. Thủ tướng sẽ phát biểu trước Quốc hội vào ngày 20/7.
Các cuộc tổng tuyển cử, dự kiến được tổ chức vào mùa Xuân năm 2023 khi Quốc hội hiện nay hết nhiệm kỳ, nhưng cũng có thể phải tổ chức sớm nếu Tổng thống Mattarella không thể giúp hàn gắn những rạn nứt trong liên minh cầm quyền.
Mặc dù nguy cơ đối với việc trì hoãn các cuộc bầu cử là có, một liên minh do ông Draghi lãnh đạo trong thời gian chuyển tiếp, với một số thẩm quyền hạn chế, sẽ là tốt hơn nhiều để ông có thời gian thúc đẩy các chính sách thiết yếu trong vài tháng tới.
Ưu tiên chủ chốt là việc phê duyệt ngân sách tiếp theo và thúc đẩy thông qua các cải cách cần thiết để Liên minh châu Âu (EU) giải ngân đợt tiếp theo của Quỹ phục hồi hậu Covid-19 trị giá 750 tỷ Euro, mà riêng phần dành cho Italy đã lên tới 200 tỷ Euro.
Chênh lệch giữa chi phí đi vay của Italy và Đức - vốn đã tăng lên sau khi ECB tuyên bố sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu - đã gia tăng hơn nữa do căng thẳng chính trị.
Các nhà đầu tư vẫn lo lắng về các khoản nợ công của Italy, hiện đã ở mức trên 150% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đòi hỏi lợi suất ngày càng cao hơn khi mua trái phiếu của chính phủ nước này
Ngày 30/6, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy là 3,47%, mức cao nhất kể từ năm 2014. Bất ổn chính trị có nguy cơ làm tăng chi phí đi vay và điều này có thể gây chấn động thị trường tiền tệ, nơi đồng Euro đang chịu áp lực nghiêm trọng.
Chi phí vay tăng cao đối với Italy, quốc gia cần trả khoản nợ hơn 200 tỷ Euro vào cuối năm nay, là vấn đề lớn, nhất là khi ECB dự kiến tăng lãi suất vào ngày 21/7.
ECB cũng sẽ tiết lộ cách họ lên kế hoạch giải quyết "sự phân mảnh" về lợi suất trái phiếu giữa các quốc gia mắc nợ nhiều như Italy và các nước láng giềng phía Bắc của họ.
Dù thiết kế cuối cùng của kế hoạch trên là gì, công cụ này cũng sẽ yêu cầu một mức độ ổn định chính trị, đặc biệt là do các điều kiện sẽ được áp đặt đối với các quốc gia được hưởng lợi từ kế hoạch mới.
Gánh nặng trên vai Thủ tướng Draghi
Italy dưới thời Thủ tướng Draghi là đồng minh của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Một khoảng trống chính trị ở Rome sẽ là một vấn đề nữa của phương Tây.
Nước Anh đang bận rộn lựa chọn một thủ tướng mới, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không có đa số ghế tại Nghị viện.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã phủ bóng đen lâu dài lên chính trường Italy, không chỉ vì nó khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao, mà còn vì mối quan hệ lâu dài với Nga.
Nhà lãnh đạo của M5S, cựu Thủ tướng Giuseppe Conte, đã công khai đặt câu hỏi về sự khôn ngoan khi hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, dẫn đến sự chia tách trong đảng của ông.
Phần lớn gánh nặng đó đè lên đôi vai của ông Draghi. Dù biết rằng nhiệm kỳ Thủ tướng của ông sắp kết thúc, nhưng giới lãnh đạo chính trị đã không thuyết phục được các thị trường rằng họ có thể tìm ra một lộ trình hợp lý để tiếp tục những cải cách mà Italy rất cần.
Thay vào đó, khi các cuộc bầu cử đến gần, các cuộc đấu đá nội bộ đã gia tăng.
Các đảng chính trị tại Italy nên cam kết ủng hộ các cải cách của Thủ tướng Draghi và thúc giục ông ở lại nắm quyền cho đến cuộc tổng tuyển cử năm 2023. Tuy nhiên, họ cũng phải lập kế hoạch đáng tin cậy cho một tương lai hậu Draghi.
EU và ECB cũng vậy. Cả hai tổ chức này đều coi cựu Chủ tịch ECB là một đối tác đáng tin cậy và có khả năng đối phó với khủng hoảng.
"Cửa sổ" cho cải cách cơ cấu tại Italy, mà Thủ tướng Draghi đã mở ra, có thể nhanh chóng đóng lại.
Các chính trị gia Italy, bao gồm cả bản thân ông Draghi, phải đảm bảo rằng cánh cửa đó không được đóng trong tuần này, dù với bất kỳ giá nào.