📞

Giữa trùng điệp trừng phạt, Nga thành công khi quay 180 độ, khéo ‘uốn’ dòng chảy thương mại sang Trung Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu (Kỳ 1)

Hải An 08:29 | 30/03/2023
Đứng trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga thực hiện quá trình “Nhân dân tệ hóa”, đưa nội tệ của Trung Quốc thay cho USD của Mỹ với tư cách là phương tiện ngoại hối chính để thanh toán các giao dịch thương mại quốc tế.
Trung Quốc đã trở thành thị trường trọng điểm của Nga và kim ngạch thương mại song phương dự kiến sẽ đạt 200 tỷ USD vào cuối năm 2023. (Nguồn: RIA)

Tác giả Ben Aris trong bài viết mới đây trên trang intellinews.com nhận định, Nga đã đảm nhận chức Chủ tịch Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) vào đầu năm nay và đang coi khu vực này là một trong những cách để Moscow có thể mở rộng thương mại sau khi phương Tây áp đặt 10 gói trừng phạt lên nước này liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Liên minh Kinh tế Á-Âu chính thức hoạt động vào đầu năm 2015, gồm 5 quốc gia thành viên: Armenia, Belarus, Kazakhstan, Nga và Kyrgyzstan.

Trong vài thập niên qua, các thị trường mới nổi đã và đang xây dựng các thể chế mới hoạt động ngoài tầm kiểm soát hoặc ảnh hưởng của các thể chế truyền thống như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Nga chuyển hướng thương mại trong thế giới rạn nứt

Xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra sự chia rẽ giữa phương Tây và một phần phương Đông và có thể dẫn đến một thế giới rạn nứt. Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon đã nêu chính xác mối lo ngại này vào ngày 27/3 vừa qua, cảnh báo cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể tạo ra các khối thương mại riêng biệt, được phân định bởi "biên giới địa chính trị".

Tại phiên khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao ở Trung Quốc, ông Ban Ki-Moon phát biểu: “Nền kinh tế toàn cầu hóa có nguy cơ bị phân mảnh thành các khối thương mại riêng biệt được vạch ra dọc theo các biên giới địa chính trị”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thành lập EEU như một hình ảnh phản chiếu của Liên minh châu Âu (EU) với hy vọng kết hợp các thành viên trong một khu vực thương mại tự do trải dài “từ Lisbon đến Vladivostok''. Tuy nhiên, giấc mơ đó đến giờ vẫn chưa thành hiện thực. Điều này đã thay đổi bản chất của EEU khi tổ chức này có vẻ sẽ mở rộng diện tích của mình không phải về phía Tây sang châu Âu mà về phía Nam và Đông sang châu Á.

EAEU đã có các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Serbia, Iran và Việt Nam, trong khi ít nhất 20 quốc gia khác, bao gồm các nước lớn như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thông nhất (UAE) hiện đang có đàm phán tương tự.

Trung Quốc đã trở thành thị trường trọng điểm của Nga và kim ngạch thương mại song phương dự kiến sẽ đạt 200 tỷ USD vào cuối năm nay. Bắc Kinh cũng có một FTA “lỏng lẻo” với EEU, được phân loại là "không ưu đãi".

Theo đó, thuế quan được hạ xuống đối với hàng hóa và sản phẩm cụ thể trên cơ sở "khi cần thiết" thay vì cố định như trường hợp của hầu hết các FTA. Tuy nhiên, Nga tiếp tục thể hiện vai trò đứng đầu trong các thành viên khác của EAEU và chiếm 80% thương mại liên khu vực.

Giống như EU, EAEU được thiết kế để cho phép tự do di chuyển lao động, vốn và hàng hóa giữa các thành viên. Nhưng kể từ khi các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với Nga, khu vực này đã trở thành nguồn cung cấp các mặt hàng bị ngăn chặn, như máy móc và công nghệ bằng cách sử dụng các kế hoạch nhập khẩu song song.

Do cơ sở hạ tầng hậu cần của Nga từ lâu đã phục vụ các đối tác thương mại chính của họ ở châu Âu, giờ đây, dưới áp lực các lệnh trừng phạt, Nga cần đầu tư mạnh vào việc định hướng lại cơ sở hạ tầng này về phía Nam và Đông để đảm bảo lưu thông hàng hóa dễ dàng trong các nước thành viên, cũng như phát triển chuỗi cung ứng mới với các nước thứ ba từ chối tham gia lệnh trừng phạt.

Ngành ngân hàng đau đầu

Một vấn đề khác cần khắc phục là việc các ngân hàng Nga bị khỏi hệ thống tin nhắn thanh toán toàn cầu SWIFT đã khiến quá trình thực hiện các thỏa thuận thương mại trở nên khó khăn. Moscow đã cố gắng thiết lập các giải pháp thay thế và kêu gọi các quốc gia khác tham gia hệ thống truyền tải thông điệp tài chính (SPFS) của Ngân hàng Trung ương Nga - một hệ thống tương tự như SWIFT - nhưng không đạt được nhiều thành công.

Để giải quyết vấn đề này, Moscow thực hiện một quá trình “Nhân dân tệ hóa”, đưa đồng tiền của Trung Quốc thay cho USD của Mỹ với tư cách là phương tiện ngoại hối chính để thanh toán các giao dịch thương mại quốc tế.

Nga đang phải đối mặt với việc mất vĩnh viễn nguồn thu từ xuất khẩu khí đốt sang EU do mất khả năng tiếp cận thị trường 27 nước. (Nguồn: AFP)

Liam Peach, một nhà kinh tế về các thị trường mới nổi của Capital Economics, cho biết: “Trung Quốc đã trở thành một phần của nền kinh tế Nga kể từ sau xung đột tại Ukraine, điều này giúp Moscow thích nghi với các biện pháp trừng phạt của phương Tây”.

Nhà kinh tế này đồng thời cho biết, Nga đã cố gắng thay thế hàng nhập khẩu từ phương Tây bằng hàng hóa Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ đã đóng một vai trò lớn hơn trong các giao dịch tiền tệ.

Dù vậy, chuyên gia của Capital Economics cũng nói thêm: “Nhưng chúng tôi nghĩ rằng vẫn còn những giới hạn về mức độ mà Nga có thể dựa vào Trung Quốc trong tương lai. Bắc Kinh khó có thể can thiệp và thay thế hoàn toàn tất cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở phía Tây nước Nga, vốn trước đây đến từ EU. Và Moscow vẫn đang phải đối mặt với việc mất vĩnh viễn nguồn thu từ xuất khẩu khí đốt sang EU (ước tính khoảng 30% vào cuối thập niên này) do mất khả năng tiếp cận thị trường liên minh 27 nước thành viên”.

Trong lĩnh vực ngân hàng, ngay cả “những người bạn” của Nga cũng cảnh giác khi làm ăn với nước này, vì tất cả các ngân hàng lớn trên thế giới đều có chi nhánh và hoạt động kinh doanh ở phương Tây, do đó phải chịu các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với hoạt động kinh doanh của họ ở Mỹ hoặc châu Âu.

Ông Alexander Korolev thuộc Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga cho biết: “Vào đầu tháng 3/2022, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu và Ngân hàng Phát triển mới BRICS (NDB) đã thông báo tạm dừng các giao dịch với Nga và Belarus.

Quyết định của các tổ chức tài chính này, đặc biệt là đóng băng cho vay đối với cả hai quốc gia, cho thấy áp lực ngày càng tăng đối với các tổ chức tài chính toàn cầu. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến việc Nga có dự định tham gia việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng khác nhau”.

Các tổ chức tài chính của các nước EAEU khác cũng đã phải suy nghĩ lại về tiền gửi của họ. Nga đã giảm cổ phần tại cả Ngân hàng Phát triển Á-Âu (EDB) và Ngân hàng Đầu tư quốc tế (IIB) - một ngân hàng phát triển khu vực với Nga, Kazakhstan, Belarus, Tajikistan, Kyrgyzstan và Armenia là thành viên.

EDB được đặc biệt quan tâm, vì tổ chức này đã có quỹ và hoạt động kinh doanh với nhiều quốc gia EEU và đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình.

Theo ông Korolev, sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy EDB được tái cấp vốn và mở rộng cổ phần, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ, vì cả hai đều có lợi ích trong khu vực.

(còn nữa)

(theo intellinews.com)