Các biện pháp trừng phạt đã buộc Nga phải định hướng lại hoạt động thương mại của mình 180 độ. (Ảnh minh họa - Nguồn: Gazprom) |
Quan hệ giữa thương mại và ngân sách
Theo ngân hàng đầu tư BCS của Nga, trong ngắn hạn, các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân thanh toán của Moscow, có thể sẽ dẫn đến xuất khẩu của nước này giảm 22% vào năm 2023 so với mức tăng 14% vào năm 2022.
BCS cho biết trong một lưu ý: “Nhập khẩu sẽ tăng 5% vào năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn 4,5% so với mức tăng năm 2021 do các lệnh trừng phạt và đồng Ruble suy yếu. Kỳ vọng rằng thu nhập sơ cấp và thứ cấp vẫn ở mức 50-55 tỷ USD vào năm 2023, thặng dư tài khoản vãng lai sẽ giảm từ 227 tỷ USD năm 2022 xuống còn 72 tỷ USD vào năm 2023”.
Ngân hàng trên cho biết thêm: “Chúng tôi nhận thấy thặng dư tài khoản vãng lai sẽ chạm đáy trong quý II năm nay do giá năng lượng và khối lượng xuất khẩu tiếp tục giảm. Bước ngoặt dự kiến sẽ đến không sớm hơn quý III, khi giá dầu Urals tăng 14% trong quý, kèm theo một số phục hồi trong dòng xuất khẩu khí đốt. Vào năm 2024, thặng dư tài khoản vãng lai sẽ vẫn duy trì”.
Khi tỷ giá hối đoái được liên kết chặt chẽ hơn với thặng dư thương mại, điều này cũng có nghĩa là đồng Ruble có thể sẽ yếu đi. BCS dự đoán Ruble sẽ giảm xuống còn 79 Ruble/1 USD, điều này bù đắp phần nào sự sụt giảm trong thương mại, vì sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho xuất khẩu.
Nhưng giống như nhiều nhà phân tích nhận định, ngân hàng này dự đoán doanh thu từ dầu khí của Nga sẽ phục hồi vào mùa Thu, khiến đồng Ruble tăng lên 76 Ruble/1 USD vào cuối năm nay.
Theo BCS: “Nói chung, đồng Ruble yếu hơn được coi là một diễn biến tích cực đối với tình hình ngân sách của Nga. Tuy nhiên, điều này không thể bù đắp hoàn toàn sự sụt giảm nguồn thu ngân sách từ dầu khí”.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật (24-30/3): Nga tăng bán dầu cho Ấn Độ, ‘vết sẹo từ đại dịch’ chưa lành, nợ công của Đức tăng vọt, Czech muốn vay tiền từ EC |
Trong bối cảnh chi tiêu của chính phủ tăng cao, thâm hụt tăng lên 2,6 nghìn tỷ Ruble, chiếm khoảng 90% tổng thâm hụt dự kiến trong Luật Ngân sách. Các ước tính của BCS cho thấy thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên khoảng 4 nghìn tỷ Ruble vào năm 2023.
Vào năm 2024, thâm hụt - dựa trên các giả định về dòng năng lượng (với giá Urals phục hồi từ 56 USD/thùng vào năm 2023 lên 64 USD/thùng vào năm 2024 và sản lượng dầu tăng 6,5% hằng năm) - dự kiến sẽ thu hẹp xuống còn 3,5 nghìn tỷ Ruble.
Hướng thương mại mới
Các biện pháp trừng phạt không được thiết kế để ngăn Nga giao dịch trên thị trường thế giới, nhưng chúng được thiết kế để cắt nước này khỏi thị trường lớn nhất ở châu Âu và làm giảm doanh thu của Moscow từ xuất khẩu dầu mỏ. Nga đã buộc phải tìm kiếm khách hàng mới và chuyển hướng thương mại từ châu Âu sang Nam bán cầu.
Do đó, sự gần gũi về địa lý rất quan trọng và các biện pháp trừng phạt đã buộc Moscow phải định hướng lại hoạt động thương mại của mình 180 độ.
Quá trình này đã được bắt đầu ngay từ trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và được thiết kế đa dạng hóa để khai thác tốt hơn các thị trường châu Á đang phát triển nhanh.
Đồng Ruble yếu hơn được coi là một diễn biến tích cực đối với tình hình ngân sách của Nga. Tuy nhiên, nó không thể bù đắp hoàn toàn sự sụt giảm nguồn thu ngân sách từ dầu khí. (Nguồn: Tylaz) |
Không phải ngẫu nhiên mà trong bài phát biểu hồi tháng 1/2022 trước những người đứng đầu các quốc gia thành viên EAEU, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu rõ tầm quan trọng của việc mở rộng địa lý cho các mối quan hệ quốc tế của EAEU và ký kết các thỏa thuận ưu đãi mới.
Tổng thống Putin nói: “Kể từ khi thành lập vào năm 2015, EAEU đã và đang phát triển ổn định, thể hiện rõ tính hiệu quả và phù hợp của nó.
Về giá trị tuyệt đối, thương mại giữa các quốc gia thành viên của Liên minh đã tăng 60% trong giai đoạn này, đạt mức kỷ lục 73,1 tỷ USD vào năm 2021, trong khi ngoại thương tăng 46% lên 846,3 tỷ USD và tỷ lệ thanh toán bằng tiền tệ quốc gia đạt gần 75%”.
Nhà lãnh đạo Nga nói thêm: “Tôi đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa liên minh với các đối tác bên ngoài và các hiệp hội quốc tế. Chúng ta có thể thấy tác động tích cực rõ ràng của các FTA hiện có với các bên thứ ba.
Chúng ta sẽ hoàn tất ký kết các thỏa thuận tương tự với Ai Cập, Iran và Ấn Độ, đồng thời kích hoạt các hướng đàm phán mới, bao gồm cả với Indonesia và UAE.
Việc mở rộng phạm vi địa lý của các liên kết và liên hệ quốc tế của EAEU với các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latinh sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm của liên minh và xây dựng các chuỗi hậu cần mới”.
Ông chủ Điện Kremlin cũng nhấn mạnh việc hợp tác với các tổ chức đa quốc gia không liên kết như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Cộng đồng các quốc gia độc lập, ASEAN và khối thương mại Mỹ Latinh MERCOSUR, đồng thời cập nhật các hướng dẫn về định vị toàn cầu và khu vực của EAEU.
Trong năm nay, EAEU sẽ tiếp tục ký FTA với các nước Nam bán cầu.
Ở châu Á, Singapore trước đây thân cận với EAEU và tích cực phát triển thương mại với khối này bằng một thỏa thuận thương mại ưu đãi vào năm 2019, nhưng đã đình chỉ thỏa thuận này sau khi lệnh trừng phạt được áp đặt đối với Nga một năm trước. Câu chuyện với Hàn Quốc cũng tương tự, nước này đã đình chỉ một thỏa thuận thương mại ưu đãi với khối này sau khi bắt đầu xung đột ở Ukraine.
Nhưng Điện Kremlin vẫn còn nhiều việc phải làm. Ở Trung Đông, UAE đang nổi lên như một trung tâm tài chính và công nghệ lớn trong thương mại với EAEU. Ấn Độ có thể đóng vai trò tương tự một trung tâm kinh tế ở Nam Á và Mông Cổ với vai trò là trung tâm vận tải, hậu cần và cơ sở hạ tầng ở Đông Bắc Á.
| Giữa trùng điệp trừng phạt, Nga thành công khi quay 180 độ, khéo ‘uốn’ dòng chảy thương mại sang Trung Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu (Kỳ 1) Đứng trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga thực hiện quá trình “Nhân dân tệ hóa”, đưa nội tệ của Trung Quốc thay ... |
| Giá tiêu hôm nay 29/3/2023, bán dưới giá thành sản xuất, tại sao chuyên gia vẫn nhận định ‘phe bò có lợi thế hơn phe gấu’? Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước nối dài chuỗi đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 63.500 ... |
| Giá tiêu hôm nay 30/3/2023, tâm lý trữ hàng tăng cao, còn nhiều gian truân trước mục tiêu ngành hàng xuất khẩu tỷ đô Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 63.500 - 66.000 đồng/kg. |
| Bất động sản mới nhất: Thị trường sắp ‘tăng nhiệt’, trên 50% nhà đầu tư mắc kẹt trong vay vốn, rủi ro khi mua chung cư giá rẻ chưa có sổ hồng Điểm danh những rủi ro khi mua chung cư giá rẻ chưa có sổ hồng, tác động tích cực từ loạt chính sách, đang chịu ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (24-30/3): Nga tăng bán dầu cho Ấn Độ, ‘vết sẹo từ đại dịch’ chưa lành, nợ công của Đức tăng vọt, Czech muốn vay tiền từ EC IMF cảnh báo rủi ro đối với sự ổn định tài chính toàn cầu, Nga ký thỏa thuận tăng lượng dầu bán cho Ấn Độ, ... |