📞

GMS và những động lực hướng tới thương mại toàn cầu

16:51 | 30/03/2018
Đó là nội dung chính của phiên thứ 3 trong khuôn khổ Diễn đàn Đối thoại chính sách cao cấp của Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS diễn ra vào ngày 30/3, tại Hà Nội.

Phiên họp có sự góp mặt của Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh, ông Âu Dương Vệ Dân - Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), ông Chris Malone - Trưởng Bộ phận Phát triển Kinh tế, Thành viên Hợp danh kiêm Giám đốc điều hành BCG Việt Nam và ông Vincent Chin - Trưởng Bộ phận tư vấn khu vực công của BCG cùng sự hiện diện của đại diện các Bộ, ngành liên quan của Trung Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ và các doanh nghiệp tư nhân lớn trong khu vực như Lotte Việt Nam, Sunwah Hong Kong, Ernst & Young Việt Nam...

Toàn cảnh phiên thảo luận GMS và Thương mại toàn cầu. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khen ngợi sự cộng tác và kết nối sâu rộng trong suốt 25 năm qua giữa các quốc gia GMS. Các thành viên GMS có thuận lợi về mặt địa lý, do có chung biên giới đất liền, tạo ra lợi thế và thuận tiện cho việc kết nối giao thông đường bộ và phát triển các hành lang kinh tế với hơn 10.000km đường được xây dựng cùng sự hỗ trợ tài chính của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) từ năm 2002 đến năm 2016.

Hợp tác GMS trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng đạt được những bước tiến đáng kể. Một loạt các hoạt động hợp tác nhằm hỗ trợ thúc đẩy hợp tác thương mai điện tử qua biên giới cũng đã được triển khai. Nhờ các nỗ lực này, các nền kinh tế GMS ngày càng gắn kết với nhau hơn. 

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam phát biểu khai mạc. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nêu bật lên những ví dụ nổi bật về kinh tế trong khu vực như: Tỷ trọng trao đổi thương mại nội khối GMS đã tăng từ 5,7% trong năm 2010 lên 9,1% trong năm 2016; Tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài giữa các nước GMS tăng từ 436 triệu USD năm 2010 lên 1 tỷ 280 triệu USD vào năm 2016; Xuất khẩu hàng hóa của tiểu vùng GMS tăng từ 304 tỷ USD vào năm 2010 lên gần 500 tỷ USD vào năm 2016; Nhập khẩu tăng từ 310 tỷ lên 471 tỷ USD trong năm 2016. Đồng thời, các quốc gia GMS cũng đã theo đuổi những chính sách thương mại mở và tự do hơn.

Với những kết quả này, hợp tác GMS đã chứng tỏ mình là một trong những tiểu vùng phát triển nhất tại khu vực châu Á. Qua 1/4 thế kỷ phát triển, GMS luôn giữ được mức tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm ở mức 6,3%. Tuy nhiên, từng đó là chưa đủ, khi GMS vẫn còn nhiều cơ hội để đẩy mạnh phát triển hơn nữa qua kênh thương mại, thắt chặt kết nối và hợp tác trong khu vực và trên trường quốc tế.

Tại phiên họp, ông Chris Malone, Giám đốc điều hành BCG Việt Nam chia sẻ về những thử thách và cơ hội mới mở ra dành cho các quốc gia GMS trong bối cảnh thế giới đang tiến tới Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Ông Chris Malone, Trưởng Bộ phận Phát triển Kinh tế, Thành viên Hợp danh kiêm Giám đốc điều hành BCG Việt Nam phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ông cho biết, phát triển liên thương mại trong khu vực GMS đang có những phát triển và thành tựu nổi bật. Các quốc gia có sự tăng trưởng và đa dạng vượt bậc kể từ khi GMS bắt đầu đi vào hoạt động. Không những vậy, các sản phẩm xuất khẩu trong khu vực GMS cũng có sự thay đổi đáng kể khi chuyển đổi từ xuất khẩu các mặt hàng có chi phí sản xuất thấp như giày dép, dệt may sang các mặt hàng có giá trị cao hơn như thiết bị điện tử, máy tính...

Tại phiên họp này, các đại biểu cũng bàn luận về những thách thức mà các quốc gia GMS đang đối mặt cũng như tìm ra phương pháp để bắt kịp với những phát triển mới của xu thế thương mại toàn cầu. Các quốc gia GMS cũng cần tìm ra cách nhằm tận dụng triệt để các cơ hội phát triển kinh tế thông qua thương mai, đặc biệt trong bối cảnh các nước đã được hưởng lợi to lớn từ toàn cầu hóa, lưu chuyển thương mại và dịch vụ xuyên biên giới.