Nhỏ Bình thường Lớn

Gỡ khó cho mỹ thuật Việt: Không dễ!

Có thể coi Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 sự là tổng kết quá trình 5 năm sáng tạo của giới mỹ thuật trong nước, nhưng qua đó cũng bộc lộ những hạn chế của nền mỹ thuật nước nhà mà việc tìm ra giải pháp là điều không đơn giản. Báo TG&VN đã có cuộc trao đổi với ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm, Trưởng Ban Tổ chức Triển lãm), về vấn đề này.
Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm Vi Kiến Thành - Trưởng Ban Tổ chức Triển lãm. (Ảnh: M.H)


Qua triển lãm lần này ông thấy mỹ thuật Việt Nam trong những năm qua đã có những bước đi như thế nào?

Cá nhân tôi cho rằng, trong 5 năm vừa qua, mỹ thuật Việt Nam có xu hướng đi lên, cùng với đầy đủ những biến động, thay đổi trong đời sống mỹ thuật nước nhà.

Nền mỹ thuật của chúng ta bước vào Đổi mới cùng đất nước từ năm 1986. Đó là những năm tháng sôi nổi, nhiệt huyết của một lớp nghệ sĩ với những tìm tòi, sáng tạo, thể nghiệm. Đó cũng là thời kì sôi động của thị trường mỹ thuật, tác giả được ghi nhận và tác phẩm tiêu thụ được. Tiếp theo đó là thời kì Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, sự giao lưu Văn hóa được đẩy mạnh với nhiều trường phái nghệ thuật du nhập vào Việt Nam, với sự tiếp nhận nồng nhiệt từ các nghệ sĩ trẻ.

Tuy nhiên, trải qua thời gian và tác động xã hội, các nhân tố mới cũng sẽ dần trở nên quen thuộc, trong khi các nhân tố trẻ chưa thực sự được định hình, chính điều đó làm cho những năm gần đây, nền mỹ thuật Việt Nam có vẻ như đang tĩnh lại. Tôi nói tĩnh lại vì nó vẫn chuyển động phát triển nhưng chậm hơn, bản thân người nghệ sĩ có độ lùi cần thiết để nhìn lại con đường và có sự tĩnh tâm để sáng tác, theo tôi đó cũng là một cái hay. Với nghệ thuật, sự tĩnh tâm luôn là điều cần thiết để tạo nên những tác phẩm có giá trị.

Công tác tổ chức triển lãm năm nay có những nét mới nào so với những năm trước, thưa ông?

Đầu tiên là thay đổi về tên gọi, từ Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc thành Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam, điều đó thể hiện mặt bằng sự phát triển và khẳng định vị thế của Triển lãm đối với đời sống mỹ thuật của cả nước, đại diện cho quốc gia.

Thứ hai, Hội đồng nghệ thuật năm nay cũng có các thành viên mới, trẻ hơn và sự tham gia của đại diện giới phê bình mỹ thuật có uy tín là anh Phan Cẩm Thượng. Nhà lý luận có vai trò như cầu nối giữa khán giả với tác phẩm, rất cần thiết cho Hội đồng nghệ thuật.

Thứ ba là năm nay, tất cả các loại hình, từ video art, trình diễn, sắp đặt, body art, body painting,… đều được mời tham gia và hoàn toàn bình đẳng với nhau trong đánh giá và nhận xét. Tuy vậy, số lượng tác phẩm thuộc nghệ thuật đương đại năm nay tham gia ít, chưa thực sự có tiếng nói riêng, bản thân các nghệ sĩ cũng vẫn còn mặc cảm, e dè, chưa tham gia Triển lãm do có quan niệm đây là một sân chơi truyền thống.

Thứ tư là thay vì tổ chức Hội thảo, năm nay, chúng tôi tổ chức 4 cuộc tọa đàm công khai với công chúng và truyền thông. Sự tương tác với xã hội, sự cởi mở của các nghệ sĩ trong các cuộc tọa đàm cũng là cầu nối để khán giả hiểu hơn về mỹ thuật nước nhà.

Thứ năm, kinh phí giải thưởng năm nay đã bước đầu được xã hội hóa với sự tài trợ một phần của tập đoàn SunGroup.

Một góc buổi tọa đàm được tổ chức tại Triển lãm. (Ảnh: M.H)


Như ông chia sẻ, năm nay chúng ta siết chặt hơn về lựa chọn tác phẩm. Vậy, tiêu chí lựa chọn là gì?

Tất cả các tác phẩm thuộc mọi thể loại của Mỹ thuật không vi phạm bản quyền tác giả, được sáng tác từ năm 2011 đến 2015 đều có thể tham gia Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam lần này. Hội đồng nghệ thuật đã chọn từ 4.076 tác phẩm tham dự lấy 409 tác phẩm trưng bày và trao giải cho 38 tác phẩm xuất sắc. Ngoài ra còn có 13 tác phẩm được Nhà nước đặt hàng trong đề án 844 của Chính phủ về 2 cuộc kháng chiến. Quy trình chọn lựa được tiến hành nghiêm túc và chặt chẽ với sự công tâm, khách quan của Hội đồng Nghệ thuật.

Từ góc độ quản lý nhà nước, theo ông, vấn đề lớn nhất của mỹ thuật Việt Nam hiện nay là gì và cần có những giải pháp nào?

Vấn đề thì nhiều, nhưng ở thời điểm này theo tôi có 2 vấn đề lớn, mà để giải quyết thì không đơn giản mà phải gỡ từng nút thắt một.

Đầu tiên là mỹ thuật Việt Nam chưa thực sự được sự ủng hộ và tạo điều kiện phát triển của xã hội. Qua dư luận, qua những thông tin trên báo chí, có thể nói, mỹ thuật là một trong những ngành nghệ thuật bị hiểu, bị đánh giá không đúng nhất và thiếu sự ủng hộ nhất.

Khó khăn thứ hai, đó là hệ lụy từ khó khăn trên, chúng ta chưa có được thị trường mỹ thuật ở trong nước. Đấy là 2 vấn đề khó khăn lớn của mỹ thuật Việt Nam hiện nay.

Về nội lực, lực lượng nghệ sĩ, sức sáng tạo, tài năng của đội ngũ họa sỹ Việt Nam tôi cho là đầy triển vọng. Nhưng chúng ta chưa có được sự ủng hộ của xã hội, cũng sự quan tâm và tạo điều kiện của Nhà nước còn thiếu và yếu. Chúng ta cũng chưa có thị trường mỹ thuật trong nước. Việc xây dựng cho được thị trường này vừa là mục tiêu, vừa là động lực để mỹ thuật Việt Nam phát triển trong những năm tới.

Xin cảm ơn ông!

Minh Hòa (thực hiện)