Năm 2022 được đánh dấu với nhiều sự kiện quan trọng có liên quan đến công tác đô thị hóa và phát triển đô thị ở Việt Nam. Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị lần đầu tiên đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 06-NQ/TW), xác định các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, các mục tiêu và nhiêm vụ giải pháp cụ thể để tăng cường công tác quy hoạch, xây dưng, quản lý và phát triển đô thị.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 với các nhóm hành động thiết thực cụ thể hóa Nghị quyết 06-NQ/TW. Cũng trong năm 2022, Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 11 tổ chức thành công tại thành phố Katowice (Ba Lan) với chủ đề “chuyển đổi các Thành phố vì một trương lại đô thị tốt đẹp”.
Hạ tầng đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa
Phát triển đô thị là quy luật khách quan mang tính thời đại và toàn cầu trong thế kỷ 21. Đến tháng 9/2022 cả nước đã có 888 đô thị, chiếm khoảng 41,5% dân số cả nước, các đô thị đã và đang là những động lực phát triển quan trọng của các vùng miền và cả nước. Đặc biệt, sau các tác động mạnh của thiên tai và dịch bệnh thời gian vừa qua, các đô thị cũng là những nền tảng trung tâm, hình thành các cơ hội mới, cung cấp các giải pháp thúc đẩy các hoạt động phục hồi nền kinh tế.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các đô thị còn nhiều yếu tố chưa bền vững. Hạ tầng đô thị vẫn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị chưa được quan tâm và chưa có kế hoạch tổng thể để thực hiện, nguồn lực còn thiếu và chưa được xã hội hóa. Nguồn lực tài chính chống chịu trước thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu còn rất hạn chế.
Theo ông Herve Conan, Giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD), Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu, do những đặc điểm vị trí địa lý, ghi nhận mức độ dễ bị tổn thương tăng với nhiều đợt khô hạn, ngập lụt và tình trạng giật lùi của đường bờ biển. Cùng với đó là vấn đề liên quan đến quy hoạch xanh, giảm phát thải khí nhà kính, carbon thấp, tăng trưởng xanh, công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, cải thiện khả năng chống chịu, phục hồi của các đô thị trước biến đổi khí hậu... cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam.
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Vân Chi) |
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh vấn đề hạn chế là quy chuẩn, tiêu chuẩn còn chậm đổi mới, chưa phát huy được vai trò của quy hoạch đô thị đối với sự phát triển kinh tế. Trong đó, nguồn lực là yếu tố quan trọng trong phát triển đô thị, nhưng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu vẫn chưa chỉ ra được.
"Phát triển đô thị, tư duy khai thác đô thị mới chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt, thiếu tầm nhìn về đầu tư dài hạn. Sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo trong cư dân đô thị ngày càng gia tăng dẫn đến sự bất bình đẳng trong tiếp cận và hưởng thụ phúc lợi xã hội...", ông Chính cho hay.
Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận, những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra có nhiều yếu tố, nhưng có nhiều nguyên nhân chủ quan. Trước hết là nhận thức về đô thị hoá và phát triển đô thị tại Việt Nam còn thiếu bền vững, chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức. Thêm vào đó, công tác quy hoạch đô thị lại chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp…
Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái cho rằng, để đáp ứng với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và quá trình quản lý, phát triển đô thị, Nhà nước đã thực hiện việc phân loại đô thị theo đúng bản chất, thông lệ quốc tế; phù hợp với thực tiễn phát triển, đặc điểm vùng, miền, vị trí địa lý cũng như đặc trưng văn hóa xã hội. Nhưng thực tế các đô thị còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, hạ tầng chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa, thiếu các nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt hệ thống cơ chế, chính sách cho phát triển đô thị vẫn chưa được hoàn thiện.
“Những quy định hiện hành phục vụ phát triển đô thị như: Phân loại đô thị - nông thôn, yếu tố vùng miền, đặc thù, loại hình đô thị; Chương trình phát triển gắn với tính khả thi, đồng bộ, nguồn lực thực hiện; khu vực phát triển gắn với việc lồng ghép các cấp độ quy hoạch; hạ tầng kỹ thuật đô thị liên quan đến điều chỉnh tổng thể, quy định quy mô, hình thức đầu tư, quản lý... chưa đáp ứng được với thực tế và chưa rõ, đúng, đủ”, ông Trần Quốc Thái chỉ rõ.
7 hệ lụy xấu của thuế tài sản thấp
Tham gia tham luận tại phiên chuyên đề về "Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị", GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cập đến vấn đề cải cách về hệ thống thuế với bất động sản tại Việt Nam.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại phiên chuyên đề về "Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị". (Nguồn: Bizlive) |
Theo ông Võ, so sánh với các nước, thuế đối với đất đai và tài sản đầu tư trên đất của Việt Nam vẫn rất lạc hậu, so ngay với các quốc gia thuộc hiệp hội Đông Nam Á. Thuế tài sản của Việt Nam chỉ chiếm 0,034% GDP, trong khi đó thuế này của Indonesia chiếm 0,42%, của Thái Lan chiếm 0,25%, của Philippines chiếm 0,84%.
So với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển OECD, thuế tài sản của nhóm các nước G7 đều đạt từ 1% tới 4% GDP, của các nhóm các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũ cũng đạt từ 0,2% tới 1%, trung bình toàn khối OECD đạt 1,856%. Tại tất cả các nước, kể cả Việt Nam, thuế này đều thu cho ngân sách địa phương. Tại các nước G7, thuế này đóng góp 90% ngân sách địa phương tại Anh (nước cao nhất) và 40% tại Đức (nước thấp nhất).
Theo tính toán của ông Đặng Hùng Võ, thuế tài sản tại Việt Nam chỉ bằng khoảng 7% của nhóm các nước phát triển trung bình thuộc Hiệp hội ASEAN, chỉ bằng khoảng 1,6% mức trung bình của nhóm các nước OECD, và chỉ bằng khoảng 1% của các nước thuộc nhóm G7.
Đáng chú ý, theo ông Võ, hiệu quả của một hệ thống thu, trong đó có thuế tài sản thấp sẽ dẫn tới 7 hệ lụy xấu.
Thứ nhất, mọi người dân đều muốn trữ tiền tiết kiệm vào bất động sản, không động viên được tiền từ dân vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Thứ 2, hiệu suất sử dụng đất rất thấp; đất để hoang hóa nhiều, các khu đô thị không có người ở vẫn gọi là đô thị "ma" xuất hiện ở nhiều nơi, các dự án "treo" có đất rồi nhưng không triển khai dự án hoặc triển khai chậm trở nên phổ biến.
Thứ 3, tình trạng dòng dân di cư về các thành phố khá mạnh, và đầu tư hạ tầng không kịp với thực tế tăng dân số, làm chất lượng cuộc sống đô thị suy giảm nhanh.
Thứ 4 là không đủ kinh phí nhà nước để phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ công cộng tại đô thị vì không có nguồn thu thường xuyên cho mục đích này.
Thứ 5, tình trạng đầu cơ đất đai tăng lên làm giá cả bất động sản tăng cao, vừa làm nền kinh tế có năng lực cạnh tranh thấp, vừa gây khó khăn cho giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp.
Thứ 6, thị trường bất động sản không ổn định, lúc nóng lên quá nhanh và lúc rơi vào đóng băng cũng quá nhanh.
Thực tế cho thấy thị trường bất động sản nước ta đóng băng trong giai đoạn 2003 - 2006, sốt giá mạnh trong giai đoạn 2007 - 2008, rồi lại rơi vào đóng băng trong giai đoạn 2009 - 2013, phục hồi và phát triển trong giai đoạn 2014 - 2018, giảm sâu cung từ 2018, sốt giá từ 2020 và lại đang đứng yên từ 2022 do gần như không có cung. Hiện nay, dự án treo rất nhiều, dự án nằm chờ phê duyệt cũng nhiều nhưng không thể phê duyệt.
Thứ 7, chất lượng đô thị hóa thấp, không đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn chúng ta phải đẩy mạnh chất lượng quá trình đô thị hóa, cần nhiều kinh phí hơn để thực hiện việc xây dựng đô thị theo triết lý "phát triển xanh" và "phát triển thông minh".
Toàn cảnh một phiên thảo luận chuyên đề. (Ảnh: Vân Chi ) |
Từ thực tế tồn tại trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đưa ra gợi mở về cho cơ chế "góp/tái điều chỉnh đất" được các nước áp dụng rất thành công trong chỉnh trang và phát triển đô thị, đặc biệt tại các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Đây được hiểu là giải pháp thực hiện đô thị hóa bằng ngay nguồn lực đất đai tại chỗ. Với cơ chế này, Nhà nước sẽ không mất kinh phí phát triển đô thị, đất góp vào đủ để phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng, nâng cấp đô thị và còn dư để bán đi có tiền xây dựng. Đồng thời, người dân tại chỗ cũng được thụ hưởng lợi ích vì mình được sống trong khu dân cư khang trang hơn. Đô thị được phát triển, chỉnh trang tốt hơn, theo đúng quy hoạch. Theo ông Võ, cơ chế này sẽ "không có chỗ đứng cho lợi ích của chủ đầu tư dự án".
Chuỗi sự kiện bao gồm Hội thảo chuyên đề với các chủ đề: “Nâng cao chất lượng Quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững”; “Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị”; “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị”. ác Hội thảo chuyên đề trong chuỗi sự kiện đã thu nhận được các ý kiến thiết thực và hiệu quả, gợi mở, tháo gỡ những bất cập hạn chế trong phát triển đô thị, tạo cơ sở, căn cứ để nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị bền vững phù hợp với đặc điểm của các vùng miền, đặc thù, đáp ứng yêu cầu cuộc sống đô thị ngày càng cao của người dân cả nước.
Các nội dung trao đổi, thảo luận tại các hội thảo cũng sẽ thiết thực hỗ trợ các địa phương định hướng, đề xuất các chương trình hành động để nắm bắt thời cơ và cơ hội và cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP.