Back to E-magazine
e magazine
07:30 | 03/11/2020
Góc nhìn chuyên gia trước bầu cử Mỹ: Thấy 'người trước', rõ 'người sau' nhưng chưa ngã ngũ người về đích

07:30 | 03/11/2020

TGVN. Khi cuộc bầu cử Mỹ 2020 đang tới rất gần, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ đã có những phân tích, đánh giá và nhìn nhận về cán cân giữa hai ứng cử viên, đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden để thấy rõ một bức tranh về một cuộc đua gay cấn, chưa ngã ngũ và có nhiều yếu tố “ngầm” phải tính đến.

thay nguoi truoc ro nguoi sau nhung chua nga ngu nguoi ve dich

Khi cuộc bầu cử Mỹ 2020 đang tới rất gần, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ đã có những phân tích, đánh giá và nhìn nhận về cán cân giữa hai ứng cử viên, đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden để thấy rõ một bức tranh về một cuộc đua gay cấn, chưa ngã ngũ và có nhiều yếu tố “ngầm” phải tính đến.

thay nguoi truoc ro nguoi sau nhung chua nga ngu nguoi ve dich

Cuộc bầu cử Mỹ 2020 ở hoàn cảnh đặc biệt chưa từng có, chính điều này đã đảo lộn những cơ may của các ứng cử viên.

Hoàn cảnh đặc biệt lớn nhất chính là đại dịch Covid-19, một đại dịch xảy ra chưa từng có, không ai lường trước được, với cả nước Mỹ và thế giới. Đại dịch bắt nguồn từ châu Á sau đó lan ra châu Âu và Mỹ Latinh. Ngày 11/3, nước Mỹ lần đầu tiên công bố lệnh khẩn cấp về y tế trên toàn liên bang. Dường như, cũng chưa có tình trạng khẩn cấp nào như Covid-19, ngỡ có thể kiểm soát được nhưng cho tới nay nó vẫn ngoài tầm kiểm soát.

Cuộc khủng hoảng của Mỹ cũng nằm trong cuộc khủng hoảng đa chiều của thế giới về dịch bệnh, kinh tế và xã hội. Chỉ số kinh tế của Mỹ năm 2019 và 2020 là hai bức tranh sáng tối khác nhau, suy thoái kinh tế nghiêm trọng đúng vào dịp bầu cử. Vì vậy, trong bối cảnh đó, kỳ vọng của cử tri Mỹ cũng bị thay đổi.

Cụ thể, nếu trước đây, bất cứ khi nào có một cuộc bầu cử được tiến hành, điều người dân Mỹ quan tâm nhất là cơm ăn áo mặc, việc làm, tức là câu chuyện kinh tế. Ứng cử viên Tổng thống nào có thể đưa ra được bức tranh kinh tế lớn, sáng sủa thì sẽ được lựa chọn nhiều hơn. Các cuộc thăm dò dư luận bầu cử cuối 2019, đầu 2020 vẫn thấy những tín hiệu rất sáng cho đương kim Tổng thống.

Thế nhưng, hiện nay, tưởng chừng đại dịch chỉ thoáng qua nhưng nó lại kéo dài và chưa thấy “lối thoát”, rất nhiều bộ phận cử tri trông đợi tình hình trở lại bình thường để có thể ổn định cuộc sống. Chính điều này đã làm đảo lộn cơ may của các ứng cử viên Tổng thống.

Tổng thống Trump khi bước vào cuộc tranh cử rõ ràng có lợi thế dễ dàng trước những thành tựu kinh tế, với khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “Nước Mỹ trên hết”. Trên 90% thành viên đảng Cộng hòa tín nhiệm Tổng thống Trump trở thành ứng cử viên duy nhất của đảng này bước vào cuộc đua Tổng thống Mỹ.

thay nguoi truoc ro nguoi sau nhung chua nga ngu nguoi ve dich

Trong khi đó, ứng cử viên Joe Biden lại khởi đầu có vẻ khá vất vả, khi bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ và cũng phải gian nan mới có thể tranh thủ để trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ để bước vào cuộc đua.

Từ tháng 5 đến nay, khi dịch Covid-19 tại Mỹ vượt ra khỏi tầm kiểm soát, tình thế chính trị của bầu cử cũng thay đổi. Ông Biden từng bước gia tăng cách biệt và liên tục dẫn trước Tổng thống Trump với khoảng cách khá xa qua các cuộc thăm dò. Con số ủng hộ ông Biden so với ông Trump ở toàn liên bang là 52-53%, chênh với đương kim Tổng thống Trump khoảng 10 điểm.

Từ sự thay đổi đó có thể thấy, kỳ vọng của cử tri cũng đã khác, đa phần mong muốn nước Mỹ thoát ra khỏi khủng hoảng và trở lại bình ổn, do vậy, mới dẫn đến kết quả thăm dò dư luận như trên.

Thường thì bầu cử Mỹ được quyết định ở các bang, nhất là các bang có tranh chấp. Thăm dò dư luận ở đây cho thấy ông Biden cũng đang dẫn ở một số bang, tuy khoảng cách hẹp hơn. Ở các bang tranh chấp, xu hướng cọ xát vẫn là xu hướng chính, kịch tính và gay go.

Lật trở vấn đề sâu hơn, trong các cuộc thăm dò, nếu hỏi cử tri rằng: “Ai quản lý về kinh tế tốt hơn?”, thì câu trả lời vẫn nghiêng về đương kim Tổng thống; trong khi nếu hỏi cử tri “Ai quản lý và phòng chống dịch bệnh tốt hơn?”, câu trả lời sẽ nghiêng về ứng cử viên đảng Dân chủ.

Nhìn lại các cuộc thăm dò dư luận suốt từ đầu năm nay đều cho thấy, con số ủng hộ Tổng thống Trump là 42-43%, tức là cử tri nòng cốt rất kiên định với ông. Với việc ông Biden dẫn trước, từ đó có thể thấy, nếu bầu cử diễn ra ngày hôm nay, chắc rằng xu thế chung của người dân Mỹ là muốn sự bình ổn, do vậy, sẽ nghiêng về ông Biden nhiều hơn, khả năng số phiếu phổ thông dành cho ông Biden sẽ cao hơn Tổng thống Trump. Cuộc tranh chấp ở các bang chiến trường (với cử tri còn do dự), chắc vẫn sẽ kịch tính và gay cấn để các ứng cử viên giành lá phiếu đại cử tri.

thay nguoi truoc ro nguoi sau nhung chua nga ngu nguoi ve dich

Tuy vậy, cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 chưa hẳn mọi thứ đã ngã ngũ và vẫn có thể có những yếu tố rủi ro. Thứ nhất, đó là bài học 2016. Nếu nhìn nhận lại, các thăm dò đã dự báo sai về cuộc bầu cử khi đó, có những bộ phận cử tri bị lọt lưới, mà thăm dò dư luận không tính hết được.

Hầu hết các cuộc thăm dò dư luận đều cho rằng ứng cử viên Hillary Clinton thắng cử năm 2016, nhưng cuối cùng chỉ dẫn về phiếu phổ thông và lại kém về phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử. Kết quả là, ông Trump đã giành chiến thắng. Một bộ phận cử tri da trắng, không có bằng cấp, mất công ăn việc làm do chuyển đổi kinh tế ngành cơ khí chế tạo đã ủng hộ ông Trump. Bộ phận cử tri này đã không được các cuộc thăm dò dư luận trước đó tính đến.

Vậy cần rút ra bài học gì cho cuộc bầu cử năm 2020?

Thứ nhất, dường như ông Biden đang có nhiều chỉ số thuận hơn bà Hillary Clinton bốn năm trước. Đó là việc ông liên tục dẫn điểm trước ông Trump và với một khoảng cách xa hơn so với khi bầu cử năm 2016. Thêm nữa, ông Biden cũng có chỉ số được yêu thích cao hơn thời bà Hillary Clinton. Còn với các bang chiến trường, có vẻ các điểm dẫn mà ông Biden đang có được cho là sẽ chính xác hơn 2016, do các hãng thăm dò đều đã rút kinh nghiệm.

thay nguoi truoc ro nguoi sau nhung chua nga ngu nguoi ve dich

Thứ hai, có những yếu tố bất ngờ của cuộc bầu cử năm 2016 nay không còn nữa. Năm 2016, ông Trump là điều bất ngờ, khi từ bên ngoài bước vào chính trường Mỹ. Nay cả hai ứng viên đều không có gì là bất ngờ. Ông Trump có gần bốn năm là Tổng thống, còn ông Biden cũng có 47 năm trong chính trường và 8 năm làm Phó Tổng thống Mỹ.

Các cuộc thăm dư luận phản ánh chung một điều rằng, nước Mỹ vốn phân hoá bốn năm qua càng phân hóa và vấn đề đại dịch đang tác động bao trùm lên cuộc bầu cử lần này. Bản thân Tổng thống Trump, với chủ thuyết dân túy, dường như cũng không mở rộng và nhân lên thêm cơ sở cử tri của mình. Chính sự phân hóa đó khiến cho những cử tri dường như đều đã lựa chọn ứng cử viên cho mình. Điều này thu hẹp số cử tri được cho là còn do dự. Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy do sự phân hóa kể trên, tỷ lệ cử tri do dự năm nay giảm xuống chỉ còn khoảng một nửa, ở mức 10%, so với năm 2016 là 20%.

Thứ ba, truyền thông Mỹ, dù đều có xu hướng nghiêng về việc cho rằng ông Joe Biden sẽ chiến thắng, nhưng lại vẫn chưa khẳng định một cách chắc chắn điều này; còn nếu nói ông Trump đã thua hay chưa thì đa phần lại vẫn cho rằng, ông Trump “dưới cơ” nhưng chưa bị loại hẳn ra ngoài vòng đấu, vẫn có thể có những “cửa hẹp” để lội ngược dòng.

thay nguoi truoc ro nguoi sau nhung chua nga ngu nguoi ve dich

Vậy bức tranh trên và “cửa hẹp” đó là gì, thì có lẽ cần phải tính thêm một số điều.

Trước hết, là về cơ sở cử tri ủng hộ đối với mỗi ứng viên. Với ông Joe Biden, cơ sở ủng hộ khá đa dạng và đa thành phần, bao gồm cả các cử tri dòng chính và trung dung của đảng Dân chủ cộng với bộ phận cấp tiến và những người “chán” Tổng thống Trump.

Như vậy, dù lợi thế 52-53%, ông Joe Biden cũng có cái khó đó là, làm sao kết hợp và duy trì được liên minh ủng hộ này, vì việc họ ủng hộ ở mức độ nhiệt huyết đến đâu và cuối cùng có đi bỏ phiếu hay không lại là một câu chuyện khác.

Đó còn là câu chuyện cương lĩnh và chính sách, liệu những cam kết của ông Biden có đáp ứng được mong muốn của những thành phần cử tri đa dạng nêu trên hay không? Ví dụ, ông Biden nói về thuế, nếu đánh thuế những người có thu nhập từ 400.000 USD trở lên, thì ai ủng hộ, ai phản đối, bộ phận cấp tiến hay trung dung thấy đã ổn chưa, tầng lớp trung lưu-cơ sở của đảng Dân chủ liệu có “được lòng” hay không? Ví dụ khác là những khẩu hiệu về môi trường và bao cấp y tế, giáo dục của phe cấp tiến thì phe trung dung lại không ủng hộ…

Do đó, đến bầu cử, liệu rằng tất cả cử tri có đều hài lòng với những gì ông Biden đưa ra và ông Biden có tranh thủ được cử tri ủng hộ mình một cách nhiệt huyết hay không còn chưa thể chắc chắn.

thay nguoi truoc ro nguoi sau nhung chua nga ngu nguoi ve dich
(Nguồn: Getty Images)

Còn đối với Tổng thống Trump, có thể khẳng định, ông Trump chưa bao giờ là Tổng thống của đa số, con số ủng hộ ông giữ ổn định ở mức 42-43% từ đầu nhiệm kỳ, cả khi thuận lợi lẫn khi khó khăn, và là những lực lượng rất nhiệt thành ủng hộ ông. Nhìn lại, trong 4 năm qua, khi ông bị luận tội, khi vấp phải dịch bệnh, kinh tế khó khăn,… con số ủng hộ ông vẫn kiên định, nhiệt huyết và chắc sẽ đi bầu.

Bên cạnh đó, số người thực sự đi bỏ phiếu ở nước Mỹ trong khoảng 1-2 thập kỷ gần đây cũng chỉ xung quanh 60% và trong cái xung quanh 60% này, ứng cử viên nào động viên được cử tri ủng hộ mình đi bỏ phiếu thì mới có thể chuyển sự cam kết ủng hộ của cử tri thành lá phiếu. Cũng tương tự, dự báo tỉ lệ cử tri đi bầu năm nay sẽ cao kỷ lục, vậy là thêm ai và họ sẽ ủng hộ ai, mới là điều quan trọng.

Ứng cử viên có thể dẫn trước với khoảng hơn 50% ủng hộ nhưng lại vẫn có rủi ro là một số bộ phận trong đó không đi bỏ phiếu, một câu chuyện bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra, nhất là những cử tri không đi bỏ phiếu ở những bang tranh chấp.

Như vậy, dù ông Biden có dẫn trước ông Trump 10% trên toàn liên bang phiếu phổ thông nhưng chỉ dẫn trước 4-6% ở các bang tranh chấp thì vẫn có những rủi ro do những sai số về thăm dò dư luận hay về cử tri thực sự đi bỏ phiếu. Trong sai số thăm dò dư luận, cũng có những bộ phận cử tri thầm lặng không trả lời, không hẳn họ do dự, có thể họ đã quyết trong đầu. Có những cử tri vì Tổng thống Trump lên nắm quyền, tạo ra những phân hóa trong xã hội nên vì môi trường dễ bị kỳ thị xung quanh, họ không chủ động nói ủng hộ Tổng thống Trump. Cũng có nhiều người Mỹ không thích ông Trump về tư cách con người nhưng nhiều chính sách của đương kim Tổng thống lại mang đến cho họ công ăn việc làm, vì vậy, họ ủng hộ ông Trump.

Rõ ràng, có thể lý giải thăm dò dư luận không phản ánh hết được những tâm tư của các thành phần cử tri khác nhau.

Nếu đánh giá rằng ông Trump khó có “cửa” tái đắc cử nhưng vẫn còn “cơ” là hoàn toàn đúng đắn, nhưng “cơ” của ông Trump chỉ có thể đảo chiều tình thế nếu như ông Trump giữ được trọn vẹn những cử tri nòng cốt và cử tri ở những bang có tranh chấp mà ông đã đạt được.

Ông Trump phải cố gắng nhiều hơn nữa bởi vì năm 2016, ở hầu hết các bang tranh chấp, ông Trump giành được đa số để lấy phiếu đại cử tri không quá 1,5% so với đối thủ, đây là ranh giới khá rủi ro. Đối với ông Joe Biden, phải thấy rằng, ông có 52-53% cử tri ủng hộ nhưng đó là một lực lượng đa dạng. Làm sao tập hợp được lực lượng, tạo hưng phấn trong cử tri để những người ủng hộ thấy rằng tương lai của họ có lợi từ những chính sách của ông, tạo động lực cho họ đi bỏ phiếu cũng là việc không phải dễ dàng. Ông Biden rõ ràng “trên cơ” nhưng chưa chắc chắn, ông Trump “dưới cơ” nhưng chưa hẳn đã bị loại ra khỏi cuộc đấu có lẽ vẫn là nhận định đúng nhất cho tới ngày bầu cử.

thay nguoi truoc ro nguoi sau nhung chua nga ngu nguoi ve dich

Thăm dò dư luận là quan trọng. Nhưng cũng không nên quá chủ quan với câu chuyện thăm dò dư luận, đừng nghĩ rằng người Mỹ bất mãn với tính cách của ông Trump, với tình trạng dịch bệnh hiện tại.

Khi hỏi mỗi người Mỹ, nếu bình ổn qua đại dịch này thì họ được gì? Chưa chắc đã thấy những lợi ích từ chính sách của ông Biden mang lại. Cũng có người cho rằng nếu cứ tồn tại chính sách của ông Trump, chưa chắc đã mang lại lợi ích. Khi cầm lá phiếu trên tay, cử tri sẽ phải suy nghĩ đến việc khi ra khỏi dịch bệnh, ứng cử viên nào sẽ cho họ một cuộc sống tốt hơn, liên quan tới kinh tế và công ăn việc làm cũng như các vấn đề giáo dục, y tế, xã hội khác…

Ông Trump dường như có những chính sách rõ ràng hơn và nước Mỹ trong những năm 2017, 2018 và 2019 đã cho thấy rõ kết quả của những chính sách đó. Nhưng với ông Joe Biden, có lẽ chính sách cũng chưa có gì vượt qua “cái bóng” của cựu Tổng thống Barack Obama.

Như vậy, cử tri sẽ có cái nhìn không chỉ là ngắn hạn – dịch bệnh mà còn là dài hạn của bốn năm tới. Nếu nhìn chung chung vào những con số thăm dò thì có thể thấy ông Trump dường như “hết cửa” nhưng có những thăm dò dư luận về quản lý kinh tế lại cho thấy một góc nhìn khác.

Một nghiên cứu thăm dò của Gallup gần đây với câu hỏi: liệu cuộc sống của bạn so với bốn năm trước đây có tốt hay không? 56% người được hỏi trả lời là tốt. Có những người cảm giác đại dịch Covid-19 không ảnh hưởng tới họ nhiều thì chắc những cử tri này dù nói ra hay không họ sẽ bỏ phiếu cho người mang lại cuộc sống tốt hơn so với bốn năm trước. Đại dịch đã khiến tâm lý, kỳ vọng và trông đợi của cử tri khác đi.

thay nguoi truoc ro nguoi sau nhung chua nga ngu nguoi ve dich

Những hãng truyền thông Mỹ hiện nay dường như thiên một chiều về ông Joe Biden. Họ chắc chắn không thể không rút kinh nghiệm từ cuộc bầu cử năm 2016. Nhưng nước Mỹ trong bối cảnh vừa phân hóa, phân cực về chính trị lại vừa dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, xã hội đã làm cho chuyển dịch trong cơ cấu cử tri khác đi.

Bài học lớn nhất trong cuộc bầu cử năm 2016 là có những cử tri do dự và thầm lặng không thăm dò được, nhất là tại các bang chiến trường, nhưng có thể bài học này không áp dụng được cho cuộc bầu cử năm 2020. Tuy vậy, bài học ứng cử viên dẫn trước nhưng lại dựa trên thành phần cử tri đa dạng, tính chưa chắc chắn họ có đi bỏ phiếu hay không của năm 2016 hoàn toàn có thể cân nhắc trong cuộc bầu cử năm 2020.

Mặt khác, thăm dò dư luận những ngày sát bầu cử cho thấy bức tranh cạnh tranh sẽ rất sát sao tại các bang chiến trường khi khoảng cách giữa hai ứng viên đang dần thu hẹp lại, cùng các chỉ số kinh tế, xã hội khả quan hơn, mặc dù dịch bệnh vẫn chưa thể kiểm soát. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ quyết định rất lớn tới tương lai của hai ứng viên, khả năng biến sự ủng hộ thành lá phiếu của mỗi ứng cử viên sẽ mang tính chất quyết định cho chiến thắng.

thay nguoi truoc ro nguoi sau nhung chua nga ngu nguoi ve dich

Hầu hết trong các cuộc bầu cử Mỹ, vấn đề đối ngoại không phải là quan tâm ưu tiên, thường chỉ có thể được quan tâm một khi có tác động trực tiếp tới đời sống, xã hội của cử tri.

Đã có một số cuộc khủng hoảng đối ngoại tác động tới bầu cử Mỹ như cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây với bao nhiêu lính Mỹ bị mất tích, hay cuộc khủng hoảng con tin Iran thời Tổng thống Jimmy Carter (Iran bắt con tin người Mỹ).

Với người Mỹ hiện nay, ứng cử viên nào mềm yếu hơn với Trung Quốc sẽ gặp bất lợi hơn nhưng chắc chắn sẽ không tác động nhiều tới cử tri nước Mỹ bằng những vấn đề đối nội.

Hai ứng cử viên nếu nhìn qua hai cuộc tranh luận cọ xát rất lớn về chính sách có thể thấy họ có những cách tiếp cận chính sách cho chính quyền mới khác biệt nhau để phân hóa và tranh thủ cử tri. Ai cũng nói mình hơn và đối phương kém, câu chuyện đối ngoại cũng nhằm vào mục tiêu đó, để thể hiện lợi thế của bản thân và vạch ra điểm yếu của đối thủ, họ chỉ trích vào điểm yếu của nhau trước cử tri hơn là nhắm đến những câu chuyện đối ngoại.

thay nguoi truoc ro nguoi sau nhung chua nga ngu nguoi ve dich
thay nguoi truoc ro nguoi sau nhung chua nga ngu nguoi ve dich
Hai ứng cử viên Tổng thống có quan điểm về chính sách đối ngoại trái ngược nhau.
(Nguồn: Getty Images)
Tuy nhiên, hai ứng cử viên lại có đồng quan điểm trong vấn đề Mỹ - Trung.
(Nguồn: Getty Images)

Nước Mỹ sau bầu cử năm 2016 đã chuyển sang một giai đoạn khác với việc nhìn nhận, định vị lại lợi ích chiến lược của mình trong quan hệ quốc tế. Bước chuyển này không chỉ là do ông Trump tạo ra mà là bởi chính sự vận động trong lòng nước Mỹ. Mỹ định vị lại vị trí chiến lược, lợi ích quốc gia trong quan hệ đối ngoại, nước Mỹ vẫn cho rằng phải lấy lợi ích của nước Mỹ là trên hết, xác định vai trò lãnh đạo và vị trí cường quốc thế giới của mình, dù Tổng thống nào đắc cử đi chăng nữa.

Nhiều năm qua, nước Mỹ đã và đang tính toán và định vị lại về chiến lược, như về lợi ích nước Mỹ, xác định đồng minh, đối thủ, cũng như duy trì vai trò lãnh đạo trên thế giới. Nước Mỹ muốn tập trung hơn vào lợi ích của chính mình, quan hệ quốc tế có đi có lại, duy trì vai trò lãnh đạo nhưng nước Mỹ sẽ không thể mãi bỏ tiền đi “bao cấp” mà yêu cầu đồng minh chia sẻ trách nhiệm.

Nước Mỹ cũng không muốn dính líu vào các cuộc chiến tranh kéo dài. Ông Trump đắc cử Tổng thống năm 2016 đã càng nhấn và làm sâu sắc điều này, với khẩu hiệu làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, nước Mỹ trên hết. Câu chuyện nước Mỹ vẫn duy trì vai trò lãnh đạo song đồng minh phải chia sẻ vẫn sẽ là câu chuyện lâu dài, dù ông Biden hay ông Trump thắng cử trong cuộc bầu cử năm nay.

Hay câu chuyện về sự vươn lên của Trung Quốc, nước Mỹ cũng đã nhìn nhận lại, trước đây được xem là cơ hội nhiều hơn, chủ trương can dự tích cực để Trung Quốc trở thành “cổ đông” trách nhiệm trên thế giới; nhưng nước Mỹ bây giờ dường như “tỉnh ngộ” về sự thất bại của chính sách này, nay với Trung Quốc là đối thủ chiến lược, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung sẽ nổi hơn là can dự tích cực như trước đây, nhưng sẽ vẫn có cả mặt hợp tác, tuy mặt cạnh tranh sẽ được đẩy mạnh lên. Đây là xu hướng của cả hai Đảng ở Mỹ chứ không phải của riêng ông Joe Biden hay ông Trump. Trong cạnh tranh chiến lược gia tăng như vậy, Mỹ vẫn có lợi ích để duy trì quan hệ và có sự hợp tác với Trung Quốc.

Sau bầu cử, nếu ứng cử viên nào trở thành Tổng thống Mỹ thì cũng đều sẽ có những thay đổi trong ưu tiên đối ngoại chung và trong quan hệ với Trung Quốc.

Ông Trump cơ bản tiếp nối và sẽ ít thay đổi hơn, ngay cả trong cách ứng xử với Bắc Kinh, vẫn sẽ như chính sách hiện tại. Tuy nhiên, điểm thay đổi có lẽ sẽ là làm giảm bớt nhiệt của tình trạng “căng như dây đàn”, lòng tin chiến lược xuống rất thấp trong sáu tháng qua, khi mà mọi vấn đề đều bị chính trị hoá bởi hệ lụy của đại dịch Covid-19 và bầu cử tại Mỹ. Chắc chắn vẫn sẽ là cạnh tranh chiến lược nhưng sẽ được quản trị tốt hơn, để cửa cho hợp tác.

Nếu ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ, chắc chắn sẽ có nhiều điều chỉnh, nhưng chủ yếu là cách tiếp cận hơn là lợi ích chiến lược của Mỹ, có thể có hai điểm mới. Thứ nhất, đẩy mạnh hơn vấn đề hệ giá trị, như về dân chủ nhân quyền, như cách tiếp cận lâu nay của đảng Dân chủ. Thứ hai là câu chuyện về đồng minh. Lâu nay, ông Trump sử dụng sức mạnh và lợi thế của nước Mỹ để thực hiện chính sách qua quan hệ song phương, ít qua quan hệ đa phương và liên kết đồng minh. Ông Joe Biden sẽ coi trọng tham vấn và sử dụng đồng minh, nhiều hơn và ổn định hơn. Một điểm nữa, đó là, ngoại giao truyền thống của nước Mỹ, theo cách thông thường có thể sẽ trở lại nếu ông Biden đắc cử, cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ vẫn tồn tại, nhưng hình thái của nó có lẽ sẽ dễ đoán và quản trị được nhiều hơn so với “kiểu” của ông Trump.

Như vậy, có thể thấy, nhìn chung nước Mỹ vẫn nhấn mạnh vào lợi ích của nước Mỹ và vai trò lãnh đạo thế giới, vẫn tiếp tục nhìn nhận rằng nước Mỹ không thể mãi bao cấp và yêu cầu đồng minh, các đối tác chia sẻ trách nhiệm, nhận diện một Trung Quốc khác dù ứng cử viên nào trở thành Tổng thống.

thay nguoi truoc ro nguoi sau nhung chua nga ngu nguoi ve dich

Đối với vấn đề Biển Đông, lợi ích của Mỹ ở khu vực này xoay quan hhai điểm: Tự do hàng hải và cục diện mà Mỹ có vai trò.

Trong câu chuyện Biển Đông, cùng với 2 lợi ích này, theo đó Mỹ nhấn mạnh luật pháp quốc tế, công ước luật Biển, đồng thời duy trì sự hiện diện chung của mình ở khu vực về các mặt, chính trị, kinh tế và an ninh. Nước Mỹ đã nhận diện khác về một Trung Quốc đã khác, do vậy, châu Á-Thái Bình Dương và Biển Đông cũng sẽ được đặt trong bối cảnh này, có thêm yếu tố cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, nhưng dù thế nào, lợi ích của Mỹ tại Biển Đông vẫn dựa trên hai nền tảng căn bản nêu trên.

Dù ai sắp tới làm Tổng thống, nước Mỹ sẽ vẫn luôn coi trọng và tiếp tục hợp tác, can dự với khu vực. Với nước Mỹ, Trung Quốc là thách thức cả trên toàn cầu và tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hai mặt này tiếp tục đan xen. Ông Trump và ông Biden, chắc chắn sẽ có cách tiếp cận khác nhau, nhưng lợi ích và cách nhìn của nước Mỹ chắc chắn không thay đổi.

Cạnh tranh và quan hệ Mỹ-Trung đã chuyển sang giai đoạn mới. Về Biển Đông, gần đây có những cái mới, mà khả năng là Mỹ vẫn tiếp tục duy trì sau bầu cử, như về bác bỏ yêu sách Đường chín đoạn, ủng hộ mạnh và rõ ràng hơn về phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016. Điều đã và sẽ được cả hai đảng ủng hộ dù ứng cử viên nào trở thành Tổng thống Mỹ tới đây. Nước Mỹ bây giờ không chỉ nói chung chung về tự do hàng hải và luật pháp quốc tế mà nước Mỹ đã công nhận một cách rõ ràng hơn.

thay nguoi truoc ro nguoi sau nhung chua nga ngu nguoi ve dich

Bài: Phạm Hằng
Đồ họa: Minh Nhật

Đọc thêm

Vụ tấn công Đại sứ quán Iran ở Syria: Giọt nước có tràn ly?

Vụ tấn công Đại sứ quán Iran ở Syria: Giọt nước có tràn ly?

Israel đã tăng cường chiến dịch quân sự chống lại Iran và các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực sau vụ tấn công của Hamas ngày 7/10/2023. Sự việc ngày 1/4 dường như là lần đầu tiên một cơ quan đại diện ngoại giao lớn là mục tiêu tấn công.
Chặng đường mới của Tổng thống Ai Cập

Chặng đường mới của Tổng thống Ai Cập

Đương kim Tổng thống Abdel Fattah El-Sissi đã chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 2/4 tại Quốc hội, trở thành người đứng đầu Ai Cập ba nhiệm kỳ liên tiếp.
Mồi lửa mới đốt 'chảo lửa' Trung Đông

Mồi lửa mới đốt 'chảo lửa' Trung Đông

Vụ tấn công bất ngờ vào tòa nhà lãnh sự Iran tại Syria sẽ khiến bầu không khí căng thẳng, đối đầu tại khu vực thêm “nóng rẫy”.
Tương lai nào cho Dải Gaza?

Tương lai nào cho Dải Gaza?

Gần sáu tháng kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát, tương lai cho lệnh ngừng bắn lâu dài để tiến tới hòa bình tại Dải Gaza vẫn rất mong manh.
Quan hệ Pháp-Brazil: Nối lại nồng ấm

Quan hệ Pháp-Brazil: Nối lại nồng ấm

Chuyến đi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Brazil từ ngày 26-28/3 được cho là làm nồng ấm trở lại mối quan hệ băng giá dưới thời Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.
Ngoại trưởng Mỹ thăm Hàn Quốc: Thông điệp nồng ấm

Ngoại trưởng Mỹ thăm Hàn Quốc: Thông điệp nồng ấm

Chuyến đi Seoul vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken không chỉ có hàm ý về vấn đề Triều Tiên mà còn cho thấy nỗ lực thắt chặt quan hệ đồng minh song phương của Mỹ và Hàn Quốc, hướng tới những mục tiêu chiến lược lớn hơn.