Phía sau cái gật đầu bất đắc dĩ của Hungary, là ‘giông tố ngầm’ trong nội bộ EU? Trong ảnh: Thủ tướng Hungary Viktor Orban. (Nguồn: WSJ) |
“Thêm một quyết định sai lầm của EU”
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto vừa cho biết, Budapest sẽ không phủ quyết gói trừng phạt thứ 13 của EU đối với Nga. "Không có lý do gì để phủ quyết. Mặc dù tôi cho rằng, EU tiếp tục đưa ra một quyết định sai lầm", ông Szijjarto nói.
Ông Peter Szijjarto khẳng định thêm rằng, việc EU áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga là vô nghĩa và sẽ chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế của khối.
Tờ Financial Times trước đó đưa tin, tại cuộc họp của các đại sứ EU ngày 14/2, Hungary tiếp tục là quốc gia duy nhất không ủng hộ gói trừng phạt mới nhắm vào gần 200 cá nhân và tổ chức từ Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác được cho là đang giúp đỡ Moscow trong cuộc xung đột quân sự với Ukraine. Theo hãng tin này, Hungary đã chặn gói trừng phạt mới do có sự hiện diện của các công ty Trung Quốc trong danh sách.
Tuy nhiên, ngày 19/2, trong cuộc họp chính thức của Hội đồng Đối ngoại EU do Brussels tổ chức, Hungary đã không phủ quyết gói trừng phạt mới - gói trừng phạt thứ 13 do EU nhằm vào Nga.
Trên trang Facebook cá nhân, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary viết, các Ngoại trưởng của 27 nước thành viên EU đã tiến hành thảo luận về gói trừng phạt thứ 13 nhằm vào Nga, dự kiến sẽ áp dụng vào ngày 24/2 - tròn 2 năm chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine.
Trong gói trừng phạt mới, EU đã nhắm tới 193 cá nhân và pháp nhân. Hầu hết trong số họ là người Nga, nhưng các hạn chế được mở rộng, có thể sẽ ảnh hưởng đến cả cá nhân và tổ chức của Belarus, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Triều Tiên.
Điểm đáng chú ý là lần đầu tiên kể từ khi xung đột Nga-Ukraine leo thang, các công ty châu Á, gồm 3 công ty Trung Quốc và một doanh nghiệp Ấn Độ, đã bị đưa vào danh sách trừng phạt. 4 thực thể châu Á nói trên, bị Brussels cáo buộc đã giúp Moscow né tránh các biện pháp kiềm chế của EU, chủ yếu bằng cách cung cấp cho nước này những bộ phận có thể được tái sử dụng để sử dụng cho máy bay không người lái và các hệ thống vũ khí khác.
Trong khi đó, với cái “gật đầu” của Hungary, gói trừng phạt thứ 13 của EU nhằm vào Nga cuối cùng đã được các quốc gia thành viên nhất trí và dự kiến sẽ được Nghị viện châu Âu phê duyệt trong cuối tháng Hai này.
Hungary vẫn thể hiện lập trường trung lập kể từ khi leo thang căng thẳng Nga-Ukraine từ tháng 2/2022. Budapest lên án hoạt động quân sự của Moscow, tìm cách hạn chế cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời kêu gọi giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Các lãnh đạo Hungary nhiều lần thẳng thừng đánh giá, các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính EU nhiều hơn là Nga.
Kinh tế Hungary sẽ bị tấn công?
Giống như các gói trừng phạt trước đây của EU nhằm vào Nga, giới quan sát đã dự đoán Hungary – quốc gia thành viên EU nhưng được cho là thân Nga, luôn chỉ trích các hạn chế đối với Nga và viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ tiếp tục bỏ phiếu chặn gói trừng phạt. Nhưng điều đó đã không xảy ra, điều gì phía sau quyết định bất ngờ của Budapest?
Giới quan sát bình luận, có thể “con bài mặc cả” của Brussels lại phát huy tác dụng, khi trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh EU (ngày 1/2) nó đã giúp EU thành công – chốt gói viện trợ bổ sung 50 tỉ Euro cho Ukraine, kết thúc nhiều tuần mắc kẹt vì sự phản đối của Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Là thành viên EU, nhưng mối quan hệ giữa Hungary và EU đã không còn chặt chẽ hơn 10 năm qua. Trong ngày 1/2, trước áp lực của các lãnh đạo EU, ông Orban không dành thời gian trao đổi với báo chí khi tới dự Hội nghị thượng đỉnh, thay vào đó ông đăng lên mạng xã hội X hình ảnh ông bước đi quanh các xe máy kéo trước một cuộc biểu tình của nông dân ở Brussels (Bỉ) cùng ngày.
Trước đó, ngày 29/1, tờ FT đăng bài viết tiết lộ rằng, Brussels có thể sẽ dùng “con bài mặc cả”, đe dọa “tấn công” nền kinh tế Hungary nếu Thủ tướng Orban quyết phủ quyết viện trợ mới cho Ukraine. Chiến lược của EU là nhằm mục đích tạo tâm lý sợ hãi cho các nhà đầu tư đối với nền kinh tế Hungary, bằng cách cắt nguồn tài trợ cho Budapest để đổi lấy cái “gật đầu” của nước này cho gói viện trợ 50 tỷ Euro dành cho Ukraine từ nguồn ngân sách EU.
Kế hoạch của Brussels đánh dấu sự leo thang đáng kể trong trong nội bộ EU, mà cụ thể là với quốc gia thành viên thân Nga nhất, bài viết của FT đưa ra bình luận.
Theo đó, trong một tài liệu do các quan chức EU soạn thảo, Brussels đã vạch ra một “kế hoạch bí mật” nhắm mục tiêu rõ ràng vào những điểm yếu về kinh tế của Hungary, gây nguy hiểm cho đồng tiền của nước này và khiến niềm tin của giới đầu tư sụp đổ, trong nỗ lực gây tổn hại đến “việc làm và tăng trưởng” nếu Budapest quyết từ chối dỡ bỏ quyền phủ quyết chống lại kế hoạch viện trợ cho Kiev.
Thủ tướng Viktor Orban lâu nay khá kiên định với việc ngăn chặn việc EU sử dụng ngân sách chung để cung cấp khoản viện trợ trị giá 50 tỷ Euro (54 tỷ USD) cho Ukraine, với lý do thiếu cơ chế để kiểm soát cách Kiev sử dụng số tiền này. Ông Orban cũng cho rằng, các nước EU nên lấy tiền của quốc gia mình để viện trợ Kiev, thay vì sử dụng nguồn quỹ chung của khối.
Ngược lại, Brussels tuyên bố, nếu Hungary không lùi bước, các nhà lãnh đạo EU khác nên công khai tuyên bố cắt vĩnh viễn tất cả các khoản tài trợ của EU cho Budapest, với mục đích gây bất ổn thị trường, thúc đẩy sự sụt giảm đồng nội tệ Forint và tăng chi phí vay của nền kinh tế này.
Tài liệu của EU phân tích rõ rằng, nếu không có nguồn tài trợ từ EU, “thị trường tài chính cũng như các công ty châu Âu và quốc tế có thể sẽ ít quan tâm hơn đến việc đầu tư vào Hungary”. Hình phạt như vậy “có thể nhanh chóng gây ra sự gia tăng hơn nữa chi phí tài trợ cho thâm hụt công và giá trị đồng tiền sụt giảm”.
Trước ngày 1/2, Bộ trưởng về EU của Hungary János Bóka từng cho biết, “Hungary không thiết lập mối liên hệ giữa việc hỗ trợ Ukraine và khả năng nền kinh tế nước này có thể tiếp cận các quỹ của EU, đồng thời từ chối các bên khác làm như vậy”. Budapest đã và sẽ tiếp tục tham gia mang tính xây dựng trong các cuộc đàm phán với EU và không nhượng bộ trước các áp lực.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sức ép ngày càng tăng từ EU đã buộc Budapest phải đạt được thỏa hiệp. Và khi những cảnh báo khác được thêm vào, khả năng buộc chính phủ Hungary phải thay đổi quyết định càng nhiều.
Tài liệu do một quan chức trong Hội đồng châu Âu (EC) đưa ra, nêu rõ những điểm yếu về kinh tế Hungary - bao gồm “thâm hụt công rất cao”, “lạm phát rất cao”, đồng nội tệ yếu và mức nợ phải thanh toán trên GDP cao nhất EU.
Tài liệu trên cũng cho thấy, “việc làm và tăng trưởng của nền kinh tế Hungary phụ thuộc lớn vào nguồn tài chính nước ngoài dựa trên mức tài trợ cao của EU”.
Người phát ngôn của EC cho biết, họ không bình luận về thông tin rò rỉ.
Tuy nhiên, “con bài mặc cả” chưa lần nào khiến Brussels phải thất vọng. Không chỉ lần này, trước đây, EU cũng đã từng sử dụng đòn bẩy tài chính của mình để “nói chuyện” với các quốc gia thành viên, chẳng hạn như với Ba Lan và Hungary vì những lo ngại liên quan về luật pháp và Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng Khu vực đồng Euro.
“Nhưng một chiến lược rõ ràng nhằm làm suy yếu nền kinh tế của một quốc gia thành viên sẽ đánh dấu một động thái leo thang mới của khối này trong quan hệ nội bộ”, tờ FT nhận định.
| Giá cà phê hôm nay 20/2/2024: Giá cà phê trong nước lên 82.000 đồng/kg; dự báo giá còn tăng, sản lượng niên vụ mới tiếp tục sụt giảm Năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt hơn 1,6 triệu tấn (khoảng 27 triệu bao), giảm 8,7% so với năm 2022 nhưng tăng ... |
| Giá vàng hôm nay 19/2/2024: Giá vàng trong nước biến động mạnh, ngày vía Thần Tài nhiều kỷ lục bất ngờ được xác lập Giá vàng hôm nay 19/2/2024, giá vàng thế giới tiếp tục xác lập một tuần giảm giá, trong khi giá vàng trong nước, giá vàng ... |
| Giá vàng hôm nay 20/2/2024: Giá vàng SJC bất ngờ đổi hướng, đi ngược chiều thế giới, xuất hiện điềm báo xấu đối với quý kim Giá vàng hôm nay 20/2/2024, Giá vàng SJC quay đầu giảm trong ngày vía Thần tài, trong khi vàng thế giới tăng lên mức cao ... |
| ECOWAS ấn định ngày 3 nước châu Phi rời khối Phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU), Chủ tịch Ủy ban Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) Omar ... |
| Tổng thống Putin: Kinh tế Đức đang mất đi khả năng cạnh tranh vì thiếu năng lượng Nga Ngày 18/2, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-1, Tổng thống Vladimir Putin nhận định, nền kinh tế Đức vẫn bền vững, mặc dù ... |