Người dân Phước Tích đang làm gốm. |
Giờ đây, trước đổi thay của thời cuộc, nghề gốm hưng thịnh một thời giờ chỉ là hoài niệm.
Một thời vàng son
Phước Tích của ngày xưa nức tiếng với nghề gốm. 12 Cửa lò, 12 bến nước là chứng tích còn lại của một thời huy hoàng với nghề gốm. Gốm Phước Tích xưa kia đã vượt qua nhiều sản phẩm gốm nổi tiếng khắp các vùng trong nước để trở thành lựa chọn duy nhất trong Hoàng cung.
Gốm Phước Tích được nung rất kỹ, lò đắp kiên cố nhiệt cao, lửa lúc nào cũng đượm hồng, nhờ thế mà sản phẩm không nứt, không giòn, giữ nhiệt, giữ hương vị. Hoa văn trên những sản phẩm của Phước Tích được trạm chổ tinh tế và rất đặc trưng không lẫn với bất kỳ sản phẩm nào. Nhờ những nghệ nhân gốm tài ba và rất sáng tạo, sản phẩm của Phước Tích mang đậm dấu ấn riêng. Nhờ đó mà 12 bến nước bên dòng sông Ô Lâu lúc nào cũng đầy ắp ghe xuôi ngược chở gốm đi khắp các vùng. Ghe xuôi về xứ Quảng, ghe ngược về miền Thanh Nghệ Tĩnh, ghe về dưới Huế chở gốm vào Hoàng cung...
Nghề gốm đã mang đến sự phồn thịnh và giàu có một thời cho ngôi làng nhỏ bé này. Phước Tích nằm trong lòng cù lao của Sông Ô Lâu, biệt lập với những xóm làng ngoài Huế, nhưng nhờ gốm mà nó không biệt lập với những hoạt động giao thương ngoài kia...
Khi thời thế thay đổi, triều đình Huế suy tàn, Hoàng cung Huế chỉ còn là chứng tích của lịch sử, những cuộc chiến binh lửa của thời cuộc kéo theo những đổi thay ở Phước Tích. Nghề gốm Phước Tích vì thế không còn được chú trọng. Những lò gốm dần nguội than hồng, bến nước bên dòng Ô Lâu vắng bóng thuyền ghe xuôi ngược. Phước Tích trở lại với cuộc sống bình yên và trầm lặng.
Mong ước trở lại
Giờ đây, khi ý thức được những giá trị của truyền thống, nghề gốm bắt đầu được khôi phục, những lò cũ than tàn sau bao nhiêu năm giờ đây bắt đầu đỏ lửa. Những nghệ nhân gốm tài hoa một thời luôn đau đáu với nghề truyền thống đã làm nên tên tuổi cho quê hương, cho bản thân họ một thời nay sẵn sàng truyền lại lửa nghề cho cháu con. Nhưng lớp trẻ bây giờ khác xưa, họ xa quê học tập và mưu sinh bằng những nghề khác dễ kiếm tiền hơn.
Liệu có mấy người trở lại để giữ lửa từ nghề gốm, liệu có mấy người còn tha thiết với gốm như lớp người đi trước? Đó là câu hỏi lớn mà những nghệ nhân vang danh một thời với nghề gốm luôn trăn trở. Chỉ có một số ít lò gốm năm xưa được khôi phục lại, nhưng chủ yếu để phục vụ khách du lịch, thăm quan. Còn hầu như vẫn nguội than. Sản phẩm làm ra không đáng kể và thương hiệu gốm Phước Tích vẫn còn lạ lẫm với thị trường.
Phải chăng cần một chiến lược đầu tư và sự quan tâm hơn nữa để khôi phục lại nghề cổ truyền nơi đây. Cần một nhiệt huyết và quyết tâm giữ lửa cho nghề gốm của những người con Phước Tích, đặc biệt là những lớp trẻ hậu thế.
Phước Tích từng được mệnh danh "Nơi thời gian ngừng lại" khi trải qua nửa thế kỷ dãi dầu nắng mưa cây thị 500 năm tuổi vẫn còn đó, 12 bến nước vẫn vẹn nguyên, 12 họ tộc, 12 lò gốm vẫn tồn tại. Liệu rằng có phải những sự sắp đặt ngẫu nhiên của tạo hóa ban tặng cho Phước Tích luôn trường tồn cùng năm tháng, còn những giá trị lịch sử và văn hóa mà người Phước Tích từng làm nên, từng là niềm tự hào thì dần đi vào hoài niệm. Nghề gốm hưng thịnh lẫy lừng một thời giờ lùi vào dĩ vãng như những ngôi nhà rường ba gian hai chái trở thành kiến trúc của quá khứ...
Người Phước Tích yêu quê và luôn trân trọng quá khứ, họ thuộc lịch sử về làng như bài học thuở vỡ lòng. Ước mong sao người Phước Tích sẽ làm thời vàng son quay trở lại, 12 bến nước lại tấp nập ngược xuôi ghe đầy ắp gốm, 12 lò gốm sẽ lại rực hồng... để đất và người Phước Tích sẽ hưng thịnh như xưa.
Hạ Nguyên