📞

“Gồng mình” đối phó với bất ổn, Mali từ chối đối thoại với các nhóm thánh chiến

06:20 | 16/07/2019
Chính phủ Mali ngày 15/7 đã từ chối lời kêu gọi đối thoại với các nhóm thánh chiến ở miền Trung, khu vực đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng bạo lực kể từ đầu năm nay. 
Bộ trưởng ngoại giao Mali Tiebile Drame. (Nguồn: AFP)

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Mali Tiebile Drame, hiện nay chưa phải là thời điểm thích hợp để chính phủ thực hiện công việc này.

Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) đã đưa ra một báo cáo, trong đó khuyến nghị chính phủ Mali đàm phán với các nhóm thánh chiến. Theo đó, các cuộc đàm phán trước hết cần được thực hiện với chỉ huy của Katiba Macina - hay còn gọi là Mặt trận giải phóng Macina, nhóm thánh chiến được thành lập bởi nhà truyền giáo thuộc sắc tộc Fulani Amadou Koufa, nhân vật bị buộc tội gây ra tình trạng căng thẳng giữa các giáo phái ở Mali. Ngoài ra, một nhóm thánh chiến khác mà Chính phủ Mali cần quan tâm đàm phán là nhóm Hỗ trợ Hồi giáo và tín đồ Hồi giáo (GSIM), tổ chức này được cho là có các mối lên hệ với al-Qaeda.

ICG cho biết, cuộc xung đột giữa lực lượng vũ trang thuộc chính phủ và các phe phái ủng hộ với các nhóm thánh chiến đã góp phần làm leo thang căng thẳng giữa các cộng đồng và gia tăng bạo lực ở miền Trung Mali. Bất chấp sự hỗ trợ từ các lực lượng của Pháp và Liên hợp quốc, Mali vẫn phải “gồng mình” đối phó với tình trạng bất ổn, vốn bùng phát từ năm 2012 ở phía Bắc, sau đó lan dần sang các khu vực khác của nước này. Trong năm 2019, miền Trung Mali đã bị rung chuyển bởi một loạt vụ xung đột sắc tộc giữa cộng đồng người Fulani và Dogon.

Một thỏa thuận hòa bình được ký kết năm 2015 giữa chính phủ với các nhóm vũ trang Tuareg nhằm làm suy yếu các nhóm thánh chiến. Tuy nhiên, một phần lãnh thổ của Mali đến nay vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Mali là một thành viên của lực lượng quân sự chung G5 Sahel, gồm Mali, Mauritania, Burkina Faso, Nigeria và CH Chad, được thành lập để đối phó với phiến quân Hồi giáo trong khu vực.

(theo TTXVN)