Sau sự ra đi của thầy Lê Quang Long tôi giật mình tính ra các thầy cô dạy tôi từ bậc Phổ thông đến Đại học chỉ còn lại mỗi thầy, đó là GS. Hoàng Tụy.
Thầy Tụy dạy lớp tôi khi chúng tôi học lớp 7E ở Khu học xá trung ương. Vậy mà, người thầy giáo cuối cùng của tôi lại mới ra đi. Tuy thầy dạy chúng tôi từ những năm 51-52 nhưng sau này, khi chúng tôi đã trưởng thành, mỗi lần họp lớp thầy vẫn đến dự.
Ấn tượng của chúng tôi về thầy rất nhiều - một thầy giáo đúng với danh hiệu người thầy. Khi chúng tôi còn khá nhỏ, thầy đã gieo vào lòng chúng tôi tình yêu toán học. Thầy dạy rất dễ hiểu, dễ nhớ và luôn gần gũi với chúng tôi như một người cha, tuy thầy chỉ hơn lớp chúng tôi chừng 11 tuổi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mừng sinh nhật lần thứ 90 của GS Hoàng Tuỵ tại Viện Toán học Việt Nam. Ảnh: VGP |
Sau này cùng làm việc ở Đại học Tổng hợp, tôi càng thấy rõ hơn bản lĩnh cao đẹp của con người thầy. Cuộc đời của thầy là một tấm gương tự học sáng ngời. Thầy thường kể cho chúng tôi nghe về một tuổi thơ cơ cực của mình nhưng vẫn giữ nếp nhà trong việc học hành.
Lên 4 tuổi, thầy đã đã mồ côi cha. Năm 19 tuổi mới đỗ Tú tài phần I và chỉ 4 tháng sau đỗ Tú tài phần II. Ông miệt mài vừa giảng dạy đại học vừa nghiên cứu Toán học cao cấp.
Trong điều kiện vô cùng thiếu thốn về tư liệu tham khảo và người hướng dẫn, ông đã từng bước dấn thân vào “lâu đài” Toán học cao cấp với những thành tựu khiến cả thế giới các nhà Toán học phải khâm phục. Đó là phát minh ra Lát cắt Tụy (Tuy’s cut) được coi là dấu mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới: Lý thuyết tối ưu toàn cục (global optimization).
Thầy được quốc tế vinh danh tại hội thảo quốc tế với chủ đề "Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục" (1997). Với trên 100 công trình đăng trên các tạp chí có uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học như: Quy hoạch toán học, Tối ưu toàn cục, Lý thuyết điểm bất động, Định lý minimax, Lý thuyết các bài toán cực trị, Quy hoạch lõm…
Thầy đã làm cho thế giới biết đến nền Toán học của Việt Nam. Trường Đại học Linköping (Thụy Điển) trao tặng Thầy bằng Tiến sĩ danh dự (1995) và Nhà nước ta tặng thầy Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996).
Năm 2011, thầy lại nhận giải thưởng quốc tế Constantin Carathéodory. Bên cạnh các hoạt động Toán học Thầy còn có công lớn trong việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa từ bậc phổ thông đến Đại học.
GS. Hoàng Tụy. (Nguồn: TT) |
Trong sự nghiệp của mình, thầy Hoàng Tụy đã lên tiếng về những vấn đề bức thiết của khoa học, giáo dục Việt Nam, khởi xướng cuộc chấn hưng giáo dục "Mệnh lệnh từ cuộc sống". Ông có nhiều bài viết phê phán, góp ý thẳng thắn về vấn đề cải cách giáo dục. Những bài viết của ông được tập hợp lại thành cuốn “Xin được nói thẳng” với nhiều giá trị.
Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là khi thấy thầy luôn trăn trở với tình hình đất nước. Tôi đã được nghe nhiều bài tham luận của thầy về những băn khoăn và những kiến nghị sâu sắc về tiến trình đổi mới của đất nước.
Thầy luôn can đảm nói lên chính kiến của mình với mong muốn sao cho đất nước vượt qua mọi khó khăn, trì trệ để trở thành một quốc gia giàu mạnh, dân chủ và văn minh. Thầy là tiêu biểu cho cả một thế hệ trí thức chân chính của đất nước ta.
Với tôi, thầy là một nhà giáo mẫu mực. Thầy luôn nghiêm khắc với chính mình, không chấp nhận sự cẩu thả và luôn nêu cao sự trung thực, chân chính. Tôi trân trọng thầy – người thầy say mê với khoa học và luôn trăn trở với nền giáo dục nước nhà.
Vĩnh biệt thầy, người thầy giáo cuối cùng trong số các thầy cô giáo tôi từng được học. Tôi chỉ mong sao mỗi chúng ta hãy noi gương thầy để có một cuộc sống tử tế, lương thiện và luôn làm hết sức mình cho từng sự nghiệp mà mỗi người đang đảm nhiệm.