📞

GS. Huỳnh Văn Sơn: Mong các bạn trẻ sống tử tế, hướng đến cái mới để chinh phục chính mình

Nguyệt Hà 15:54 | 09/09/2022
“Hành trình đổi mới và sáng tạo cần sự chuyên nghiệp, cần quyết tâm làm người tử tế, cần thái độ chấp nhận sự thay đổi, cần kỹ năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và nhất là sự thách thức với bản thân mình để trưởng thành hơn”.
GS. TS. Huỳnh Văn Sơn cho rằng, mỗi giáo viên và nhà trường cần nhận thức đúng về việc sống tử tế, dạy học sinh tử tế.

Đó là quan điểm của GS. TS. Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) với báo Thế giới và Việt Nam liên quan đến việc giáo dục sự tử tế cho người trẻ.

Mục đích cuối cùng của giáo dục là giúp các em trở thành người tử tế và có ích cho xã hội. Quan điểm của ông thế nào về tầm quan trọng của việc sống tử tế?

Tôi cho rằng, không là người tử tế, liệu chúng ta có thể đào tạo hay dạy dỗ con cái, trẻ em thành người tử tế?

Tôi từng nói với những cử nhân sư phạm rằng, họ là những trí thức thực thụ. Tôi mong các bạn trẻ hãy sống tử tế, tử tế với đồng nghiệp, với người thân, với cộng đồng và với chính mình.

Sự tử tế không phải là tài sản quý theo kiểu “của để dành” nếu chúng ta chọn sai khi bắt đầu. Sự tử tế cũng không phải là món quà tự nhiên được ban tặng một cách vô tư mà đó là hành trình làm người, hành trình hoàn thiện bản thân mình.

Khi chạy theo những giá trị thiếu cân nhắc, người ta không lường được rằng, thiếu tử tế lại làm hại chính người thân mình hay thậm chí bản thân mình. Vì thế, bài học sống sao cho là người tử tế, cùng với người xung quanh trở thành người tử tế càng nên được chú trọng trong nhà trường, trong gia đình hơn bao giờ hết.

Vậy ông định nghĩa thế nào là người tử tế dưới góc độ của nhà sư phạm?

Người tử tế cần biết thực hiện và tuân thủ những giá trị chuẩn mực trong cuộc sống. Đó chính là kiểu định hướng lối sống, lựa chọn giá trị, ứng xử theo chuẩn mực mà ta tích lũy và chấp nhận trong cuộc sống.

Người tử tế biết suy nghĩ, cân nhắc, biết thể hiện thái độ, hành vi tử tế trong mối quan hệ với người khác cũng như với chính mình không chỉ trong nghề nghiệp, công việc mà cả cuộc sống hàng ngày. Dạy làm người tử tế cũng chính là mục tiêu và phương thức của nhà trường và là sự mong mỏi của mỗi chúng ta.

Vừa là chuyên gia tâm lý, vừa là người quản lý, theo ông mỗi nhà trường và giáo viên cần chuẩn bị gì để xây dựng nhân cách cho người trẻ?

Nhà trường và thầy cô giáo cần nhận ra cốt lõi của việc giáo dục con người sống tử tế, đó là một trong những mục đích rất quan trọng. Để người ta không quá lạc lõng khi hướng đến sống tử tế, văn minh, cần tử tế ngay trong suy nghĩ và cả cách bày tỏ cảm xúc hay những hành vi của mình. Đây là một hành trình khó khăn, nhiều thách thức và nhất là không phải giải quyết ngày một, ngày hai. Có thể có những biểu hiện tử tế nhưng để hình thành nhận thức, lối sống tử tế cần thời gian, cần kết quả của một quá trình.

"Làm công việc gì cũng cần trình độ nhưng quan trọng hơn còn là thái độ. Làm nghề gì chúng ta cũng rất cần kỹ năng và lương tâm. Làm ở vị trí nào, phải biết mình là ai để đúng vai nhưng quan trọng hơn nữa là biết vai của người khác là gì để cùng tương tác, để làm việc nhóm, để cùng tạo ra những giá trị cho xã hội".

Mỗi giáo viên và nhà trường cần nhận thức đúng về việc sống tử tế, dạy học sinh tử tế và tử tế phải trở thành văn hóa của nhà trường. Tử tế sẽ là tấm gương phản chiếu, là tấm kính người ta soi rọi, là sự phản ánh đa chiều để chúng ta tốt hơn, hoàn thiện hơn để từ đó có thể góp phần xây dựng nhân cách của thế hệ trẻ.

Đương nhiên, sự tử tế không thể chỉ giới hạn trong môi trường giáo dục hay chỉ là hình ảnh mẫu của thầy cô, nhà trường mà phải là sự tử tế mang tính chất thật và thực. Bối cảnh mới cho thấy học sinh cần sống và thể hiện thái độ, ứng xử tử tế kể cả với cái like hay những dòng bình luận có trách nhiệm trên mạng xã hội.

Cần thiết phải đề cao sự tử tế trong những thử thách cuộc sống?

Những áp lực, những vấn đề trong cuộc sống chính là thử thách để người ta sống tử tế. Tử tế ở đây chính là việc phải biết tự tạo việc làm, biết khởi nghiệp, biết làm việc một cách chuyên nghiệp hơn. Tôi muốn nói rằng, các bạn trẻ hãy tỏa sáng trong lĩnh vực của mình, dù nở sớm hay nở muộn, dù thầm lặng cũng đều đáng trân trọng. Như vậy đã là sống tử tế với nghề, với đời.

Thật may khi chúng ta có những Giáo sư ở tuổi 65 - 70 vẫn còn yêu nghề, vẫn có những cô giáo bám bản để gieo con chữ. Do đó, không vì chúng ta tốt nghiệp loại gì, thứ hạng gì mà hãy không ngừng hoàn thiện bản thân, không ngừng học tập, không ngừng phấn đấu. Một bạn trẻ khi khởi nghiệp, không thể thiếu sự chuyên nghiệp về chuyên môn hay sự vô tư về đạo đức. Hãy cho mình một cơ hội làm nghề chuyên nghiệp.

Chúng ta chấp nhận thử thách, thử nghiệm bản thân nhưng luôn giữ cho mình nhiệt huyết, lòng tự trọng, đạo đức nghề nghiệp và sự tử tế trong hành trình. Hành trình hoàn thiện bản thân không chỉ là học vị, học hàm mà chính là những gì chúng ta đang sống và cống hiến, có sứ mạng tiếp nối để tạo ra những nhà khoa học trẻ, những người có ích cho xã hội và mang lại những giá trị nhất định.

"Tử tế sẽ là tấm gương phản chiếu, là tấm kính người ta soi rọi, là sự phản ánh đa chiều để chúng ta tốt hơn, hoàn thiện hơn để từ đó có thể góp phần xây dựng nhân cách của thế hệ trẻ".

Làm công việc gì cũng cần trình độ nhưng quan trọng hơn còn là thái độ. Làm nghề gì chúng ta cũng rất cần kỹ năng và lương tâm. Làm ở vị trí nào, phải biết mình là ai để đúng vai nhưng quan trọng hơn nữa là biết vai của người khác là gì để cùng tương tác, để làm việc nhóm, để cùng tạo ra những giá trị cho xã hội.

Chung quy lại, sự chuyên nghiệp qua kỷ luật, qua làm việc nhóm, qua giải quyết vấn đề và hơn hết là chuyên nghiệp trong mỗi lời hứa, việc làm, chất lượng của hành động. Đó là sự tử tế đúng nghĩa được đặt trong bối cảnh của mỗi con người.

Ở một khía cạnh khác, người trẻ cũng cần sáng tạo, biết làm mới mình và không ngừng đổi mới thế nào để bắt kịp xu hướng của thời đại? Liệu tử tế có ảnh hưởng hay tác động gì?

Ngoài kia, xã hội cần biết bao ý tưởng về sự đổi mới sáng tạo để giúp con người sống tốt hơn. Từ những vấn đề dân sinh đến vấn đề về khoa học kỹ thuật, hợp tác quốc tế, ngoại giao và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Tôi mong các bạn trẻ sẽ bền tâm, vững chí, không ngừng thách thức bản thân trong công việc để làm việc tốt hơn. Không sợ thất bại và cho mình cơ hội rèn giũa, cùng hướng đến cái mới để chinh phục chính mình. Đó là sự tử tế đúng nghĩa khi ta sống và hết mình với nghề đã chọn.

Thách thức nhưng cũng là cơ hội, hãy khai thác những gì thuộc về kinh nghiệm, bản lĩnh và nhất là kỹ năng, tiềm lực của mình. Hãy là người làm nghề chân chính, đủ bản lĩnh. Đó là sự tử tế khi chúng ta đã và đang phấn đấu làm người tử tế, sống tử tế với nghề, sống tử tế với những đòi hỏi và thách thức của cuộc sống và nghề nghiệp đã tạo nên.

Hành trình đổi mới và sáng tạo cần sự chuyên nghiệp, cần quyết tâm làm người tử tế, cần thái độ chấp nhận sự thay đổi, cần kỹ năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và nhất là sự thách thức với bản thân mình để trưởng thành hơn.

Chúng ta sẽ làm được nếu có niềm tin, có nền tảng tri thức và kỹ năng đã được đào tạo, từ trách nhiệm của bản thân, giúp ta sáng tạo và đổi mới. Nói khác đi, muốn sống tử tế buộc chúng ta phấn đấu và không ngừng thách thức bản thân, hoàn thiện chính mình theo hệ giá trị ta chọn nhưng sự tử tế là một trong những giá trị cốt lõi có sức mạnh đặc biệt.

Xin cảm ơn ông!