GS. NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng, việc hợp tác với các đại học uy tín nước ngoài có triển vọng tốt cho sự phát triển nền đại học có chất lượng cao ở Việt Nam. (Nguồn: ĐĐK) |
Báo cáo tháng 8 của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rằng, việc đổi mới hệ thống giáo dục đại học là chìa khóa để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Ông có lạc quan về đánh giá này?
Tại họp báo với chủ đề "Giáo dục để tăng trưởng" công bố Báo cáo cập nhật tháng 8/2022 về tình hình kinh tế Việt Nam do WB tại Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết: Việc đổi mới hệ thống giáo dục đại học là chìa khóa để nâng cao năng suất của Việt Nam và giúp hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Tôi tin nhận định này là có cơ sở. Từ nay đến năm 2045 còn những 23 năm. Các nước Mỹ, Australia, New Zealand, Tây Ban Nha, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Thụy Điển, Anh, Pháp, Phần Lan, Na Uy, Đức, Nhật, Italy, Hà Lan, Thụy Sỹ, Iceland, Ireland, Israel, Kuwait, Luxembourg, Qatar, Singapore… đã đạt được mức thu nhập cao ngay từ năm 1987, nghĩa là cách đây những 35 năm. Việt Nam không thể chậm trễ hơn các nước này tới 58 năm.
Giáo dục đại học Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới dưới góc nhìn của ông và nên cải cách theo hướng nào?
Theo tiếp cận xếp hạng hệ thống (bảng xếp hạng U21 của hiệp hội các trường ĐH Universitas 21 và QS), giáo dục đại học Việt Nam chưa lọt top 50 thế giới và Việt Nam vẫn chưa có trường Đại học thuộc top 500.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của hai Đại học Quốc gia vào top 1.000, có thể đánh giá hệ thống đại học của ta thuộc vào nhóm 80/196 của thế giới.
Theo GS. Nguyễn Hữu Đức, tỷ lệ về mức độ uy tín học thuật và uy tín đối với các nhà tuyển dụng thấp còn phản ánh mối quan hệ giữa hệ thống giáo dục đại học và các bên liên quan, về mô hình và cơ chế vận hành của các trường Đại học Việt Nam. Trong đó, cơ chế thị trường và mục tiêu đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan chưa được quan tâm đúng mức.
Đó cũng là các yêu cầu mà các đại học ở Việt Nam cần đổi mới để có thể đáp ứng.
Việt Nam cần thực hiện cơ chế, chính sách đột phá thế nào để có các trường đại học tinh hoa ngang tầm thế giới?
Muốn góp phần tạo ra một thế hệ người tài có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của quốc gia, muốn đóng góp cho đất nước một đại học xuất sắc, tạo đột phá về chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam cần có những đại học tinh hoa ngang tầm thế giới. Tôi hy vọng những đại học được đầu tư đủ tầm như Đại học VinUni của Vingroup có thể sẽ là mô hình cho đại học tinh hoa ở Việt Nam.
Từ đó, tôi hy vọng những tập đoàn kinh tế khác có thể phối hợp với Chính phủ để mở tiếp những đại học tinh hoa khác nữa. Chúng ta có thể hợp tác với một số đại học tinh hoa trên thế giới để mở các phân viện đại học ở Việt Nam.
Trường Đại học quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã có quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều trường đại học uy tín và có thứ hạng cao trên thế giới như Đại học New South Wales, Đại học Monash, Đại học Deakin, Đại học Kỹ thuật Swinburne (Australia), Đại học Nottingham, Đại học West of England (Vương quốc Anh), Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand), Đại học Houston, Đại học Hawaii tại Manoa, Đại học Binghamton (Mỹ).
Đó là ví dụ tốt để có thêm nhiều hợp tác quốc tế tương tự như vậy. Đại học quốc tế RMIT ở Việt Nam là một trường đại học được công nhận quốc tế về kỹ năng lãnh đạo và tân tiến trong công nghệ, thiết kế cũng như tổ chức kinh doanh.
Sinh viên sẽ được học hỏi từ những chuyên gia trong lĩnh vực mình đang học, hưởng lợi từ mạng lưới doanh nghiệp và chương trình giảng dạy phù hợp với các xu hướng mới nhất trong ngành.
Đại học FPT cũng là nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, theo chuẩn quốc tế. Sự liên thông giáo dục quốc tế giữa đại học công nghệ quốc tế Swinburne, Australia với với Đại học FPT, qua đó để thành lập Swinburne Việt Nam.
Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cam kết cung cấp một nền giáo dục và trải nghiệm học tập đẳng cấp thế giới dành cho sinh viên tại Việt Nam.
Những ví dụ này cho thấy việc hợp tác với các đại học có uy tín ở nước ngoài là một biện pháp khả thi và có triển vọng tốt cho sự phát triển nền đại học có chất lượng cao ở Việt Nam.
Theo ông, để thu hút và trọng dụng nhân tài, cần có những chính sách ra sao?
Ông cha ta luôn có ý thức tìm kiếm người tài năng phục vụ cho nước nhà. Chiếu cầu hiền năm 1429 của Lê Lợi có ghi: “Muốn thịnh trị tất phải được người hiền, được người hiền phải do ở tiến cử. Cho nên, người làm vua phải lấy việc ấy làm đầu”.
Triều vua Lê Thánh Tông cũng lưu truyền lịch sử về ý thức trọng dụng nhân tài, với lời văn bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám do Thân Nhân Trung soạn (năm 1484): “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.
Ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật).
Đặc biệt, Người đã chỉ thị cho các địa phương trong cả nước phải kịp thời báo cáo cho Chính phủ về người tài ở địa phương mình.
Đảng và Chính phủ ta có nhiều chính sách để thu hút trí thức kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Trong nhiều năm qua, không ít trí thức Việt Nam từ các nước phát triển đã về nước tham gia kháng chiến và xây dựng đất nước.
Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế để bằng cấp của ta được công nhận trên toàn thế giới?
Công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam là việc công nhận trình độ của người học được ghi trên văn bằng theo hệ thống giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính và xác định mức độ tương đương với trình độ đào tạo quy định tại Khung trình độ Quốc gia Việt Nam.
Điều này đã được xác nhận trong Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT. Nhằm tạo hành lang pháp lý để giáo dục Việt Nam, trong đó có giáo dục đại học hội nhập với khu vực và thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc gia và Khung trình độ quốc gia Việt Nam (viết tắt là VQF).
Mục tiêu của việc ban hành Khung trình độ quốc gia là thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực làm việc trong môi trường quốc tế.
Điều lệ trường đại học cũng cho phép các trường đại học Việt Nam mở rộng hợp tác với các trường đại học thế giới để công nhận tín chỉ, đồng cấp bằng và công nhận văn bằng lẫn nhau để tạo thuận lợi cho người học trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Xin cảm ơn ông!