📞

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Mong thầy cô vững vàng vượt qua 'cơn bão' Covid-19

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng 13:50 | 17/11/2021
Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), GS. NGND Nguyễn Lân Dũng mong thầy cô đang đứng lớp sẽ vững vàng vượt qua giai đoạn rất khó khăn này để xứng đáng với lòng tin yêu không chỉ của thế hệ trẻ mà còn của các bậc phụ huynh.
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng mong thầy cô sẽ vững vàng trong "cơn bão" Covid-19. (Ảnh: NVCC)

Ngành giáo dục trong “cơn bão” Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành giáo dục chịu thách thức quá lớn.

Theo Tổ chức UNESCO thì có tới 188 quốc gia đã phải đóng cửa các trường học trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam đã có trên 1 triệu người nhiễm virus và hơn 20 nghìn người tử vong vì đại dịch.

Các trường học phải đóng cửa. Học sinh phải học trực tuyến. Trong hoàn cảnh kinh tế nước ta hiện nay, học trực tuyến đâu có dễ dàng như nhiều nước phát triển.

Đâu phải nơi nào cũng có đường truyền internet thông suốt, đâu phải gia đình nào cũng có đủ máy tính hay điện thoại thông minh cho con em.

Không những thế, một số gia đình, cha hay mẹ phải nghỉ việc để ở nhà hỗ trợ việc học trực tuyến cho con cái. Các cơ sở giáo dục tư nhân còn phải đóng cửa lâu dài, dẫn đến nguy cơ phá sản.

Việc đóng học phí đối với học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục công lập cũng gặp khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của đội ngũ các thầy, cô giáo.

Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn thừa nhận: “Chất lượng đào tạo có thể sẽ bị ảnh hưởng và phát sinh những vấn đề bất cập do học sinh ở nhà lâu; nhất là các cháu ở bậc tiểu học, việc học trực tuyến sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc học tập của các cháu, kể cả việc chăm sóc của các bậc cha mẹ đối với học sinh”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết: “Chúng tôi cũng coi đại dịch lần này là một cơ hội để ngành GD&ĐT chuyển đổi số, đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường học liệu, trang bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các điều kiện... Tôi nghĩ đại dịch Covid-19 vừa đặt ra những khó khăn, thách thức; nhưng tôi coi đây cũng là cơ hội để có thể đổi mới được việc chuyển đổi số”.

Vào ngày 26/3/2021, các nhà mạng lớn ở Việt Nam, bao gồm Viettel, VNPT, MobiFone và Vietnamobile cam kết hỗ trợ ngành giáo dục trong việc ngăn chặn và kiểm soát Covid-19 bằng cách miễn phí lưu lượng data điện thoại cho học sinh, sinh viên, giáo viên và phụ huynh khi sử dụng các giải pháp đào tạo trực tuyến do Bộ GD&ĐT công bố. Đây cũng được coi là nỗ lực nhằm tăng tốc quá trình số hóa ở Việt Nam.

Hiện nay, các em học sinh tiểu học thực tế đang theo chương trình quá nặng về cả chất (độ khó) và lượng (số lượng tiết học). Vậy mà lại phải học trực tuyến thì càng khó khăn biết chừng nào.

Rất may là Đài truyền hình Việt Nam đã hợp tác với ngành giáo dục để giúp học sinh lớp 1, lớp 2 có thể học qua các chương trình truyền hình. Đây là một cố gắng rất lớn, nhưng chưa phải nơi nào cũng đã có sóng truyền hình ổn định, chưa phải gia đình nào cũng đã có máy truyền hình chất lượng tốt về hình ảnh và âm thanh.

Các lớp tiểu học khác học qua máy tính hay điện thoại thông minh lại càng khó khăn hơn so với học sinh trung học cơ sở. Giáo viên tiểu học gặp khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Gia đình nào phụ huynh không sát sao kèm cặp, dạy con, cùng hỗ trợ giáo viên thì khó có thể đảm bảo khả năng tiếp thu và thực hành của các cháu ở lứa tuổi tiểu học.

Với học sinh cấp trung học cơ sở cũng khó khăn không kém. Nhiều trường ở địa bàn khó khăn dẫn đến tỷ lệ học trực tuyến thấp do thiếu thiết bị học tập.

Bên cạnh đó, các em vẫn chưa thể tiếp cận với các hình thức học mới cũng là rào cản không nhỏ đối với giáo viên. Đặc biệt, những gia đình có cha mẹ đi làm ăn xa, các em sống với ông bà, không có ai hỗ trợ trong việc sử dụng phương tiện học tập. Được biết, có trường, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến khá thấp, có lớp chỉ được 6 em.

Không chỉ ở vùng nông thôn, mà ngay cả một số trường ở trung tâm thành phố cũng có nhiều em chưa có thiết bị học tập. Giáo viên sẽ phải xoay sở ra sao khi tình hình học sinh còn khó khăn đến như vậy?

Khó khăn với giáo viên trung học phổ thông không chỉ ở chỗ hệ thống các môn học gồm môn bắt buộc, môn bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc, mà còn một số môn mới, hoạt động giáo dục mới (theo hướng tích hợp, liên môn và định hướng nghề nghiệp cho học sinh).

Lại còn kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng… Ngần ấy thứ mới mẻ mà lại dạy học trực tuyến thì bằng đánh đố các thầy cô giáo! Học trực tuyến, với các môn học có thực nghiệm và dạy học theo định hướng STEM thì hoàn toàn "bó tay".

Nên tinh giản chương trình, giảm bớt áp lực cho người dạy lẫn người học. (Ảnh: Minh Hiền)

Tình hình đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Sinh viên các trường đại học trở thành những người học lý thuyết suông, không có thực hành trong phòng thí nghiệm. Hiệu quả làm sao đạt được như bình thường, dù các thầy cô giáo có cố gắng đến đâu cũng vậy.

Tôi có liên hệ thường xuyên với các bạn dạy ở trường Đại học Khoa học tự nhiên, tôi thấy thầy trò quá vất vả. Không chỉ dạy các lớp dưới mà các bạn còn phải hướng dẫn sinh viên làm luận án tốt nghiệp.

Làm luận án bình thường đã khó, nay phải giãn cách, chia thời gian sao cho phòng thí nghiệm chỉ thường xuyên có một nhóm nhỏ thầy trò làm việc.

Đối tượng thực nghiệm là các sinh vật và vi sinh vật, không theo dõi liên tục thì làm sao thu được số liệu nghiên cứu. Đấy là chưa kể đến những sinh viên phải trả nhà trọ để về quê hồi giãn cách triệt để, nay vẫn chưa có điều kiện quay lại trường.

Mong thầy cô vững vàng vượt qua khó khăn

Bên cạnh các áp lực quá lớn cả về vật chất lẫn tinh thần đối với thầy trò tất cả các cấp, việc giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành giáo dục.

Việc học online là một giải pháp đúng đắn, phù hợp trong điều kiện của nước ta. Tuy nhiên, theo tôi nhận thấy, nội dung bài giảng nên được tinh giản, không thể tham vọng giống khi chưa có dịch, cần giảm bớt gánh nặng cho cả người dạy lẫn người học. Đồng thời, căn bệnh thành tích cũng nên được xóa bỏ nhanh chóng, nhất là trong bối cảnh dạy học online.

Đặc biệt, giáo dục phải khơi tính tự học cho học sinh, rèn luyện cho người học tính tự chủ, kỹ năng tìm kiếm tri thức chứ không phải kiểu thầy đọc, trò chép.

Trong khó khăn do dịch bệnh gây ra, thầy trò cùng nhau cố gắng khắc phục về cơ sở vật chất. Đồng thời, gia đình cũng giảm bớt kỳ vọng khi con em học trực tuyến.

Còn một thực tế nữa, bên cạnh những áp lực từ nhiều phía thì đời sống của không ít giáo viên hiện nay vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Do đó, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống của người thầy, để họ yên tâm công tác.

Tôi thấy Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay chắc sẽ không giống bất kỳ năm nào trước đây. Học sinh, sinh viên dù yêu quý thầy cô cũng không thể rủ nhau mang hoa, mang quà đến thăm thầy cô. Có lẽ chỉ còn là những lời tâm sự, những lời chúc online. Đó cũng sẽ là những sự động viên làm ấm lòng thầy cô giáo đang dạy hoặc đã từng dạy mình trước đây.

Bản thân tôi, ở tuổi 84, mỗi năm đến dịp này, trong tôi lại hiện lên hình ảnh từng thầy cô giáo cũ với tất cả lòng biết ơn và sự quý trọng.

Rất mong thầy cô đang đứng lớp sẽ vững vàng vượt qua giai đoạn rất khó khăn này để xứng đáng với lòng tin yêu không chỉ của lớp lớp thế hệ trẻ mà còn là của các bậc phụ huynh trong mọi gia đình.

Kính chúc các thầy cô và các nhà quản lý giáo dục luôn khỏe mạnh để đủ sức vượt qua mọi khó khăn trước mắt và thực hiện bằng được lời căn dặn của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”.