📞

GS. Ngô Bảo Châu từng rất ‘sốc’ khi tiền lương không đủ mua vé máy bay về Việt Nam

Nguyệt Anh 17:04 | 29/09/2020
TGVN. Chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời của mình, GS. Ngô Bảo Châu cho biết, ông đã cực kỳ sốc khi nhận bảng lương đầu tiên của mình. Bảng lương ấy còn không đủ tiền mua vé máy bay về Việt Nam.
GS. Ngô Bảo Châu đã chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời của mình. (Nguồn: Vietnamnet)

Nhân dịp kỷ niệm tròn 10 năm nhận giải thưởng Fields, GS. Ngô Bảo Châu đã thực hiện bài giảng đại chúng với chủ đề “Trao đổi về nghiên cứu khoa học”. Tại đây, ông đã có những chia sẻ rất chân thực với các bạn trẻ về chuyện nghề, chuyện đời của mình.

GS Ngô Bảo Châu kể lại những chặng đường từ khi còn là một học sinh phổ thông đến khi trở thành nhà nghiên cứu khoa học thực thụ. Theo ông, điều quan trọng nhất trên hành trình ấy chính là phương pháp và kỹ năng tư duy.

“Nhiều người hỏi, đã bao giờ tôi có ý định rời bỏ con đường nghiên cứu khoa học hay không? Về cơ bản là không, nhưng cũng có một vài thời điểm tôi thật sự nghi ngờ về khả năng của mình”, GS. Ngô Bảo Châu nói.

Cảm giác đó tiếp tục lặp lại sau khi ông sang Pháp. Việc học ngày càng khó hơn khiến ông dần thấy ngợp. Nhưng rất may sau đó, ông đã gặp được người thầy là Giáo sư Gérard Laumon. Người thầy đặc biệt này hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của học trò và có cách giảng dạy dễ tiếp nhận. Nhờ đó, Ngô Bảo Châu bắt đầu làm chủ được kiến thức toán học.

Ở khía cạnh thu nhập của người làm nghiên cứu, GS. Ngô Bảo Châu nhận định, đối với nhà khoa học trẻ mới bắt đầu sự nghiệp thì bài toán kinh tế, sống sót là vô cùng khó khăn. Đó là thực tế của các thầy cô đi trước khó khăn hơn vô vàn so với các bạn trẻ hiện nay.

“Cho đến tuổi 30-40, tôi cũng không có khái niệm đi ăn quán hay đi giao lưu với bạn bè, có nhưng hạn hữu thôi. Một phần cũng do mình không có nhu cầu, nó giống như một xã hội khác, có thể đáng mơ ước nhưng không liên quan đến mình. Tôi nghĩ mình phải trả giá, có những cái mình có thể tiếp cận được nhưng mọi người không tiếp cận được, ngược lại cũng có những cái nhiều người tiếp cận được nhưng mình không tiếp cận được”, GS. Ngô Bảo Châu nhấn mạnh.

GS. Châu cũng lấy dẫn chứng: "Tôi còn nhớ anh Lê Tuấn Hoan, anh Phạm Ngọc Hùng là những người kèm Toán cho tôi từ hồi cấp 2. Tôi nhớ thời các anh vừa ra trường chuẩn bị đi thi tiến sĩ đã khó khăn thế nào. Hai anh lúc đó chỉ có 2 cái quần".

Từ đó, ông cho rằng, công sức nhà khoa học bỏ ra luôn được xã hội đền đáp xứng đáng. “Bây giờ các bạn theo con đường nghiên cứu có cơ hội hơn nhiều, có thể tôi chủ quan nhưng tôi nghĩ các bạn có thể dạy nhiều hơn, thực hiện nhiều đề tài hơn, có thể không quá dư dả nhưng đủ sống với nghề của mình chứ không phải làm thêm nghề khác (như ngày xưa là bán thuốc lá, may quần may áo)… Bây giờ cũng có một số quỹ Nhà nước, quỹ tư nhân hình thành ủng hộ các nhà nghiên cứu khoa học”, GS. Ngô Bảo Châu nói.

Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, ở những nước khác điều kiện có thể dễ hơn nhưng cũng không nên nghĩ là dễ hơn nước mình, mức lương của nhà khoa học ở một số quốc gia tiên tiến cũng thấp hơn nhiều ngành trong xã hội.

“Ở Pháp chẳng hạn – một nước khoa học tiên tiến nhưng mức lương của nhà khoa học rất thấp. Cá nhân tôi cũng một vài lần sốc. Thời trẻ tôi nghĩ mình không cần tiền, mình chỉ cần thời gian để nghiên cứu thôi. Thực sự tôi nghĩ, chỉ cần người ta cho mình đủ ăn, đủ chỗ ở để làm nghiên cứu chứ không cần giàu. Song tôi cũng nghĩ, khi mình đến Pháp thì phải có một cuộc sống dư dả, không quá lo lắng nhưng tôi đã cực kỳ sốc khi nhận bảng lương đầu tiên của mình. Bảng lương ấy còn không đủ tiền mua vé máy bay về Việt Nam. Đấy không phải là người ta đối xử không tốt với tôi mà do mặt bằng chung mức lương giáo sư ở Pháp như thế”, GS. Ngô Bảo Châu tâm sự.

Lấy dẫn chứng, GS. Châu cho hay, ở Mỹ, tài chính dư dả hơn nhiều nhưng nhà khoa học nói chung thu nhập kém xa với nhiều ngành nghề khác. Ví dụ một cậu sinh viên đi làm tài chính thì ngay sau khi có bằng tiến sĩ có thể có mức lương bằng giáo sư Toán học rồi, hay nếu như anh đi làm về trí tuệ nhân tạo cho Facebook có thể gấp 3 lương giáo sư. Đó là tương đối xã hội và cơ chế thị trường chi phối như thế.

“Tôi nghĩ điều kiện cho nhà khoa học ở Việt Nam bây giờ tốt hơn trước rất nhiều. Và chúng ta có cơ hội rất lớn khi làm khoa học. Trong cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, tôi nghĩ một may mắn vô cùng lớn với tôi là Toán học. Toán học là cái mình không bao giờ bỏ và không bao giờ bỏ mình, vững chắc trong cuộc sống của tôi”, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.

(tổng hợp)