📞

GS. Nguyễn Lân Dũng: “Phản biện phải có văn hóa”

14:26 | 14/09/2018
Sau những ồn ào về Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại thời gian qua, GS.NGND. Nguyễn Lân Dũng (Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực) chia sẻ, phản biện là rất cần thiết nhưng phải có văn hóa và mang tính xây dựng…

Thưa GS, được biết trước đây con trai ông - PGS. ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đã từng học tại trường thực nghiệm khóa I. Ông suy nghĩ thế nào về những quan điểm trái chiều thời gian qua về Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại?

Tôi học cùng GS. Hồ Ngọc Đại từ lớp 7. Tôi biết rất rõ anh Đại là người giỏi toán, có tài và suốt đời tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Sau này, thầy Đại còn nghiên cứu về Tâm lý học cùng với bố tôi – GS. Nguyễn Lân. Hồi ở Liên Xô, anh Đại đã được giao trách nhiệm lãnh đạo một trường Tiểu học và thu được những kết quả tốt. Nhờ đó, anh Đại được nhận bằng Tiến sĩ khoa học.

Tôi được biết khi về nước, lãnh đạo có ý định bổ nhiệm anh Đại làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo. Tuy nhiên, anh từ chối và hăng hái đứng ra tổ chức việc mở trường Thực nghiệm Giảng Võ.

Sau này, thầy Phạm Vũ Luận trong một lần thị sát tại Lào Cai nhận thấy các cháu người dân tộc ở miền núi tiếp thu tốt cách dạy của thầy Đại. Bởi vậy, trên cương vị Bộ trưởng, thầy Luận quyết định cho dạy thí điểm, vì lúc đó Quốc hội quy định chỉ có một bộ sách giáo khoa.

GS. Nguyễn Lân Dũng.

GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại chia sẻ: “Tôi quan niệm cái gì tốt nhất mới đem cho trẻ con. Tôi không lấy trẻ con làm thí điểm mà đã phải nghiên cứu cẩn thận, thấy thật sự tốt mới đem dùng cho trẻ. Sau 40 năm, giờ tôi có thể nói bộ sách Tiếng Việt 1 là công trình mà tôi yên tâm nhất”.

Trong chuyện đổi mới cách tập đọc, tập viết, tôi biết rõ bởi vì con trai tôi - PGS. Nguyễn Lân Hiếu và các bạn của cháu như GS. Ngô Bảo Châu, PGS. Phan Hương là học sinh khoá I của trường Thực nghiệm. Hồi đó, tôi là Trưởng ban phụ huynh của lớp này. Các bạn khoá này rất thân thiết với nhau cho đến tận hôm nay. Tôi có điều kiện theo dõi các bạn ấy trong suốt nhiều năm qua, tất cả đều thành đạt, dù mỗi cháu ở một cương vị khác nhau. Các cháu quý mến nhau và thường xuyên họp mặt với nhau, nhất là mỗi khi Ngô Bảo Châu về nước. Chúng yêu quý thầy Đại và các thầy cô đã dạy từ hồi tiểu học.

Về chuyện học chữ bằng hình vuông, hình tròn, nhiều người không hiểu nên phê phán nặng nề. Đầu tiên, các cháu học tiếng, mỗi cháu có một hộp các miếng nhựa với các hình khác nhau và các cháu học các bài thuộc lòng như: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng”… Ứng với mỗi từ, các cháu đặt một hình, từ nào trùng nhau sẽ đặt hình giống nhau. Sau đó, các cháu học từng nguyên âm, phụ âm. Thầy Đại dạy bằng cách cho nối các chấm để tạo thành chữ. Vì vậy, trẻ học chữ rất vui và nhớ lâu.

Tôi không đi sâu thêm vào nội dung của công nghệ giáo dục bởi thầy Đại cũng đã chia sẻ kỹ và những anh chị, chuyên gia đều đã phân tích. Ở đây, tôi chỉ muốn khẳng định, ngày Hiếu học trường Thực nghiệm của thầy Đại, tôi chưa bao giờ phải dạy thêm ở nhà. Bây giờ nhiều người không hiểu cứ “ném đá” tùy tiện. Điều đáng nói, công nghệ giáo dục chẳng liên quan gì đến đề xuất cải tiến chữ viết của PGS. Bùi Hiền. Thầy Hiền chỉ viết trong một báo cáo khoa học tại một hội nghị về ngôn ngữ học. Ai đó lại đưa lên công luận làm xúc phạm quá đáng đến Thầy.

Hiện nay, đã có 800.000 cháu học sách công nghệ giáo dục. Muốn biết chất lượng của công nghệ giáo dục sao không khảo sát các cháu mà người lớn cứ phê phán tùy tiện thế? Ở khía cạnh khác, việc thí điểm trong thời gian quá lâu lại là chuyện khác, thuộc trách nhiệm của người khác, có liên quan gì đến thầy Đại?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Trong năm 2017 và 2018, Bộ đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia tài liệu Tiếng Việt 1. Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá: tài liệu này về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn tiếng Việt lớp 1. Tài liệu Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng dân tộc thiểu số”.

Theo ông, nguyên nhân do đâu khiến các bậc phụ huynh lo lắng, hoang mang dù chưa hiểu cụ thể nội dung của công nghệ giáo dục?

Những phụ huynh mà tôi quen biết khi làm Trưởng ban phụ huynh thời khoá I có thấy ai phàn nàn gì đâu? Ai lo lắng, hoang mang chắc vì không hiểu thôi. Các cháu học sinh có lo lắng, hoang mang không thì cần điều tra kỹ hơn. Thật lòng, tôi tin là không có. Còn bộ sách “Cánh buồm” của thầy Phạm Toàn mà trường Phổ thông liên cấp Olympia (tôi là Chủ tịch Hội đồng khoa học) đã sử dụng lâu nay và thấy rất tốt.

Với chủ trương nhiều bộ sách giáo khoa, nếu Hội đồng nào đó gạt bỏ hai bộ sách của Thầy Đại, Thầy Toàn là một chuyện vô cùng phi lý và không trong sáng. Còn trường nào thích chọn bộ sách giáo khoa nào là quyền của họ, các Sở giáo dục không nên can thiệp. Tóm lại, tất cả vì con em chúng ta như khẩu hiệu thường dùng.

Nhìn lại, vấn đề không còn nằm ở chỗ sách Tiếng Việt 1 - công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại chất lượng thế nào. Lớn hơn, việc tấn công của dư luận rất có thể triệt tiêu động lực cho mọi sáng kiến, mọi ý tưởng, phải không thưa GS?

Đúng vậy, chúng ta đang sống trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, mọi việc đang cần đổi mới tư duy, tôn trọng mọi sáng kiến, phát minh. Chúng ta cần tôn trọng cái mới nếu nó hợp lý hơn, tiến bộ hơn cái cũ. Mạng xã hội là thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng cần tôn trọng nhau, không nên thoải mái “ném đá”, nhất là những chuyện mình không nắm vững. Phản biện là rất cần thiết nhưng phản biện phải có văn hóa và mang tính xây dựng. Văn hóa phản biện là nói đúng sự thật, nói có lý, không phải “a dua” một cách tùy tiện...

Xin cảm ơn Giáo sư!

(thực hiện)