📞

GS. Nguyễn Minh Thuyết: ‘Có bao giờ xã hội bằng lòng với ngành giáo dục đâu?’

14:43 | 17/09/2020
TGVN. Chia sẻ với TG&VN, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, tất cả những ngành phục vụ trực tiếp, trong đó có giáo dục đều “làm dâu trăm họ”, người ta khen ít mà chê thì nhiều.
GS. Nguyễn Minh Thuyết. (Ảnh: NVCC)

Trong những ngày qua câu chuyện về sách giáo khoa lớp 1 vẫn làm nóng các diễn đàn. Ông có suy nghĩ gì xung quanh câu chuyện này?

Đầu năm học mới bao giờ báo chí cũng tập trung vào giáo dục, đặc biệt là xoáy vào những tin tiêu cực. Thực sự, ý kiến phản biện xã hội cũng đem lại những lợi ích nhất định. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và những người liên quan là phải tiếp thu những ý kiến này.

Tuy nhiên, nếu báo chí chỉ tập trung vào nói những chuyện tiêu cực thì có thể khiến dư luận hoang mang và đặc biệt là bất lợi cho khởi đầu năm học, nhất là năm nay chúng ta bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1.

Nhưng dư luận có ý kiến là bộ sách giáo khoa mới khá đắt?

Nếu tính gộp theo như thông báo của một số trường với hơn 800 nghìn một bộ sách thì đắt thật, nhưng đó không phải là giá sách giáo khoa. Thực ra, giá một bộ sách giáo khoa lớp 1 chỉ từ 179 nghìn đến 199 nghìn đồng.

Ngày xưa Nhà nước định giá sách giáo khoa, người dùng được lợi bởi vì sách làm từ kinh phí nhà nước. Còn bây giờ sách giáo khoa làm bằng tiền của tư nhân, bằng vốn của các nhà xuất bản nên không thể đòi hỏi người ta bù giá như Nhà nước làm trước đây.

Vả lại, thực ra, sách giáo khoa không đắt. Ví dụ như bộ sách Cánh Diều giá 199 nghìn đồng/bộ nhưng môn nào cũng có sách giáo khoa điện tử miễn phí kèm theo. Mà sách giáo khoa điện tử rất thuận lợi cho học sinh.

Vừa rồi tôi có sang Đông Anh (Hà Nội), nói chuyện với giáo viên, nhân cũng xem giáo viên dạy tuần đầu tiên như thế nào, thì giáo viên phản ánh là cả thầy lẫn trò rất hào hứng, đặc biệt rất thích sách giáo khoa điện tử.

Làm ra quyển sách giáo khoa điện tử tốn kém lắm. Ví dụ, bộ sách Tiếng Việt lớp 1 mà tôi làm chủ biên có 14 video phim hoạt hình, cả trăm video hướng dẫn viết chữ và cả trăm bài tập tương tác, tức là những bài tập mà học sinh làm vào đấy, sách có thể trả lời đúng hoặc sai, phụ huynh ở nhà có thể hướng dẫn con. Tất cả những sách giáo khoa điện tử ấy là miễn phí, nên thực chất không đắt đâu.

Lớp 1 mà phải “cõng” tới 23 đầu sách có phải là căn bệnh nhồi nhét, đi ngược mục tiêu giảm áp lực học hành, thi cử như nhiều nhận định, thưa GS?

Ở ta, nhiều vị phụ huynh nói: “Ngày xưa tôi đi học cầm mỗi cuốn sách thôi”. Nhưng thế giới hiện đã thay đổi, giáo dục cũng khác rồi, ở các nước mà tôi biết, sách giáo khoa đều kèm theo vở bài tập. Vở bài tập, vở tập viết (luyện viết) là công cụ cho học sinh học tập.

Tóm lại, quan trọng là phân biệt rõ sách bắt buộc phải mua và sách không bắt buộc. Thứ hai, các nhà xuất bản cũng phải tính toán, môn nào cần hay không cần có vở bài tập kèm theo.

Nếu nhà trường đưa ra danh sách những cuốn cần mua và lĩnh vai phân phối giúp phụ huynh học sinh, để phụ huynh đỡ phải mất công đi lựa chọn thì tốt nhưng nếu mình lại kiêm thêm việc phát hành để nhận chiết khấu là không đúng.

Điểm yếu của chúng ta trong công cuộc đưa giáo dục Việt Nam đi lên và phát triển theo ông là gì?

Điểm đầu tiên là công tác quản lý vẫn còn nhiều yếu kém, chưa lường được các tình huống, thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên. Thế nên, mới đầu năm đã xảy ra bao nhiêu vụ như sập tường, sập cổng trường,…

Thứ hai, sự quan tâm của chính quyền, cấp ủy đối với giáo dục tuy đã tốt hơn trước nhưng chưa đủ. Ở các thành phố, học sinh ngồi nhồi nhét quá đông, ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa dù cơ sở vật chất của nhiều trường đã tốt hơn nhưng vẫn còn nhiều trường xập xệ.

Thứ ba, tâm lý của người dân cũng chưa thích ứng được với cái mới, cái này cũng một phần do lỗi của ngành giáo dục về công tác tuyên truyền.

Có thể nói, báo chí thường chạy theo dư luận, không có kiểm tra hoặc một số người viết báo không hiểu biết lắm về giáo dục nên có những ý kiến không đúng, tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Ở Việt Nam thường có thói quen nói theo số đông, số đông nói như thế nên ngành giáo dục chẳng nói lại được. Bây giờ chúng ta làm cuộc đổi mới giáo dục, nhân tâm phân tán sẽ không thể làm tốt được đâu. Ta làm gì, kể cả làm việc nhà thì cả nhà phải đoàn kết, cùng một chí hướng, việc xã hội càng phức tạp hơn, chứ mỗi người một ý theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì khó làm tốt lắm.

Để nâng cao chất lượng và để giáo dục Việt Nam tiệm cận với giáo dục thế giới thì từ phía người thầy và phụ huynh sẽ phải có những thay đổi như thế nào, thưa ông?

Nếu nhìn bảng xếp hạng về cạnh tranh kinh tế, Việt Nam thường đứng vào khoảng thứ 130/190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Còn giáo dục mình được xếp hạng khoảng độ 60, riêng giáo dục phổ thông có thứ hạng cao hơn, chỉ khoảng độ 30-35 thôi.

So với xếp hạng kinh tế thì thứ hạng giáo dục như vậy là rất tốt. Đó là kết quả cố gắng của Đảng, Nhà nước cho đến người dân, các thầy các cô, nhưng dân mình vẫn kêu ca về giáo dục nhiều quá.

Theo tôi, cái đáng kêu ca nhất là giáo dục ở ta còn kinh viện, hàn lâm quá. Sách dạy, người dạy thiên về lý thuyết; học sinh vận dụng, thực hành kém. Đó là vấn đề theo tôi cần khắc phục nhiều nhất và cũng là một trong những trọng tâm của đổi mới lần này.

Về phía người thầy, tôi chỉ mong thầy cô hiểu tinh thần của chương trình mới, tâm huyết và chuyển tinh thần ấy thành hiện thực. Nói thì dễ nhưng làm rất khó, lâu nay, giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học phải làm theo chỉ đạo kiểu cầm tay chỉ việc của cấp trên, bây giờ làm chương trình mới được linh hoạt, được sáng tạo nhưng thầy cô cũng còn ngần ngại.

Về phía phụ huynh học sinh, tôi hiểu ai cũng đặt rất nhiều hy vọng vào con. Nhưng như người phương Tây thường nói: “Không phải một chốc xây được thành La Mã”, các cháu phải có thời gian mới tiến bộ được. Ở đời, con người không chỉ cần công danh, tiền bạc, cái cần nhất là hạnh phúc. Bởi vậy, chúng ta hãy làm sao để con cái cảm thấy hạnh phúc ngay từ khi đi học.

Theo ông triết lý giáo dục của nước ta là gì?

Lâu nay người ta cho rằng Việt Nam không có triết lý giáo dục. Thực ra, không có một nền giáo dục nào vận hành mà không có triết lý cả. Ngay cả người đi học cũng có triết lý của mình như “học để làm quan”, “học để làm cán bộ” hay “học để làm người”. Đấy cũng là triết lý giáo dục chi phối tất cả mọi chuyện từ mục tiêu đến phương pháp, nội dung học tập.

Theo tôi, từ thời phong kiến cho đến gần đây, triết lý giáo dục của nước ta vẫn là học để làm quan, làm cán bộ, dạy học là để đào tạo nhân lực cho xã hội. Nhưng bây giờ đã đến lúc phải có một nền giáo dục nhân văn, hài hòa giữa mục tiêu “vị xã hội” và “vị cá nhân”. Học trước hết để mỗi người phát triển được các tiềm năng của mình, phát huy được hết năng lực của mình, sống một cách hạnh phúc. Từ cá nhân được phát triển đầy đủ ấy sẽ hình thành đội ngũ nhân lực phục vụ cho đất nước.

Là một nhà giáo, có khi nào ông cảm thấy ngành giáo dục như “làm dâu trăm họ” không?

Thực ra tất cả những ngành phục vụ trực tiếp đều “làm dâu trăm họ” cả. Người ta khen ít mà chê thì nhiều. Xã hội có bao giờ bằng lòng với ngành giáo dục đâu? Ngành giáo dục thường khuyên phụ huynh học sinh không gây áp lực lên chuyện học hành của con cái. Nhưng áp lực mà các thầy cô đang chịu còn lớn hơn nhiều. Đó cũng là tình trạng chung của người làm giáo dục ở các nước.

Khoảng năm 2010, tôi có việc phải sang Thái Lan, ngồi trên máy bay tôi mới giở một tờ báo của họ ra đọc. Tôi giật mình thấy ở trang đầu có một bài viết giật tít rất lạ: “Một nền giáo dục đang rơi tự do”. Thú thực, lúc đầu, do suốt ngày đọc những bài chê giáo dục từ báo chí nước mình, tôi cứ nghĩ bài báo viết về giáo dục Việt Nam. Nhưng hóa ra đó là một bài chê giáo dục Thái Lan rất dữ. Thú vị nhất là bài báo có đoạn họ so sánh với giáo dục Việt Nam, đại ý: Hãy nhìn Việt Nam xem. Việt Nam nước nghèo hơn chúng ta nhưng học sinh, sinh viên của họ giỏi hơn, đoạt nhiều giải quốc tế hơn.

Tôi nhớ có lần phát biểu trong cuộc gặp mặt của cố Thủ tướng Phan Văn Khải với các thế hệ nhà giáo, GS.NGND Dương Trọng Bái nói: Báo chí Mỹ còn chê sách giáo khoa Vật lý của họ hơn mình nhiều.

Có nước nào mà người dân không chê giáo dục đâu? Đó có thể là vì ai cũng đặt quá nhiều kỳ vọng vào giáo dục nên dễ sốt ruột và thất vọng. Nhiều khi, cũng có cả tâm lý “đèn nhà hàng xóm sáng hơn đèn nhà mình” nữa.

Thực sự, các thầy cô chắc cũng có lúc buồn vì ít được mọi người chia sẻ. Nhưng đã làm dâu trăm họ thì phải lấy niềm vui sáng tạo, lấy niềm vui của học sinh làm niềm vui của mình.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)