Nhỏ Bình thường Lớn

GS. Nguyễn Thanh Liêm: Tại sao chúng ta không cho trẻ em cách ly tại nhà?

Chia sẻ với báo TG&VN, GS. Nguyễn Thanh Liêm (nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương) nêu quan điểm, 'đưa nhiều em nhỏ đi cách ly tập trung cũng đặt ra nhiều vấn đề. Những sang chấn tâm lý có lẽ cần nhiều thời gian để hồi phục. Liệu chúng ta có thể làm khác không? Tại sao chúng ta không cho các em cách ly tại nhà?'.
GS. Nguyễn Thanh Liêm: Tại sao chúng ta không cho trẻ em cách ly tại nhà?
Theo GS. Nguyễn Thanh Liêm, việc cho trẻ em cách ly tại nhà là cần thiết. (Ảnh: NVCC)

Ông đánh giá thế nào về tình hình dịch bệnh ở nước ta hiện nay?

Về cơ bản tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát thể hiện qua số tử vong và số nhập viện mỗi ngày đã giảm.

Hệ thống y tế và các lực lượng phối hợp đã có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với dịch bệnh không còn lúng túng, bị động như thời gian ban đầu.

Độ bao phủ vaccine khá nhanh và hiện nay đã đạt được tỉ lệ cao. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta có thể sống chung với virus SARS-CoV-2.

Người dân đã quen dần và bắt đầu thích ứng với việc sống chung với dịch, không còn hoảng hốt, hoang mang, lo sợ như các đợt dịch trước. Bản thân tôi nhiều tuần nay cũng không theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch hàng ngày và có lẽ với nhiều người cũng vậy. Điều đó cho thấy chúng ta đã bắt đầu một giai đoạn mới, giai đoạn chung sống với dịch.

Cho đến lúc này, nguyên tắc chống dịch ứng dụng trong việc xây dựng chiến lược thế nào? Chiến lược chống dịch cần linh hoạt, thích ứng ra sao? Ông có khuyến nghị gì?

Nhìn chung, các nguyên tắc chống dịch mà chúng ta đã áp dụng là phù hợp. Tuy nhiên có lúc, có nơi cũng còn nhiều vấn đề cần được tổng kết, phân tích thấu đáo để rút ra những kinh nghiệm hữu ích, đặc biệt là đợt dịch diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.

Nếu coi “chống dịch như chống giặc” thì cần phải áp dụng các nguyên tắc tổ chức thời chiến vào chống dịch, nhất là giai đoạn căng thẳng nhất. Tổng tư lệnh phải là người có đủ và toàn quyền huy động tất cả lực lượng tham gia chống dịch.

Cơ cấu của ủy ban chống dịch cũng nên theo mô hình của bên Bộ quốc phòng, cần có “Bộ Tổng tham mưu” để hoạch định chiến lược, có “Cục Tác chiến” để vạch ra kế hoạch cho từng trận đanh, từng mặt trận, “Cục Hậu cần” để đảm bảo cung cấp đủ các trang thiết bị y tế, các trang thiết bị bảo hộ, thuốc men...

Chiến lược chống dịch cần được thực hiện đồng bộ, nhất quán. Việc áp dụng có thể linh hoạt tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương nhưng cần tuân thủ những nguyên tắc chung.

Phương châm “3 tại chỗ” cần được thực hiện quyết liệt hơn. Dịch diễn biến đã gần 2 năm, các đợt cao điểm đã xảy ra ở Bắc giang, ở TP. Hồ Chí Minh nhưng dường như vẫn còn có bài học cần được tiếp tục nghiên cứu.

"Nếu coi chống dịch như chống giặc thì cần phải áp dụng các nguyên tắc tổ chức thời chiến vào chống dịch, nhất là giai đoạn căng thẳng nhất. Tổng tư lệnh phải là người có đủ và toàn quyền huy động tất cả lực lượng tham gia chống dịch.Chiến lược chống dịch cần được thực hiện đồng bộ, nhất quán. Việc áp dụng có thể linh hoạt tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương nhưng vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc chung".

Cho đến nay, một số tỉnh phía Nam vẫn chưa thể độc lập tác chiến, vẫn cần chi viện của các bệnh viện ở miền Bắc. Điều này cho thấy công tác đào tạo các cán bộ có khả năng điều trị các bệnh nhân Covid-19 ở các tuyến tỉnh và tuyến huyện cần phải khẩn trương hơn nữa.

Trong giai đoạn mới, có lẽ việc xây dựng các bệnh viện dã chiến là không cần thiết và lãng phí. Hiện nay, hầu như tất cả các bệnh viện đang hoạt động với công suất thấp, tỉ lệ giường bệnh có bệnh nhân thấp.

Thay vì xây dựng các bệnh viện dã chiến, hãy tập trung nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện, khu phố bằng tăng cường trang thiết bị, nhất là đào tạo nâng cao trình độ cán bộ.

Tổ chức để tất cả các bệnh viện có khu vực dành cho bệnh nhân Covid-19. Nếu tổ chức được vậy chúng ta sẽ chủ động và tiết kiệm hơn.

Theo nhiều người thì cách ly tại nhà là việc “bình thường mới”. Trong khi thế giới và TP. Hồ Chí Minh đã cách ly F0 không triệu chứng và F1 tại nhà từ lâu. Phải chăng Hà Nội và nhiều địa phương khác cũng nên mạnh dạn hơn trong việc cách ly F1 tại nhà?

Chúng ta đã thực hiện đúng việc cách ly trong các đợt dịch đầu tiên khi số người nhiễm còn ít, khi ta còn chưa có kinh nghiệm. Nhưng việc cách ly tập trung hiện nay không còn phù hợp khi dịch bùng phát cũng như dịch đã lan rộng ra cộng đồng.

Tập trung F1 vào những khu không được tổ chức tốt, trong đó có những người mang virus nhưng chưa được chẩn đoán là không phù hợp. Bởi điều này không đạt được mục đích hạn chế, ngược lại có thể làm tăng khả năng lây lan.

"Sẽ còn có nhiều dịch bệnh trong tương lai. Tìm cách khống chế tối đa và chấp nhận sống chung với dịch là cách để nhân loại tồn tại và phát triển".

Điều đáng nói, đưa cả em nhỏ đi cách ly tập trung cũng đặt ra nhiều vấn đề. Các em còn quá bé để hiểu được những gì đã xảy ra. Những sang chấn tâm lý có lẽ cần nhiều thời gian để hồi phục. Liệu chúng ta có thể làm khác không? Tại sao chúng ta không cho các em cách ly tại nhà?

Cách ly tại nhà không còn mới bởi vì nhiều nước đã làm, TP. Hồ Chí Minh đã làm. Hà Nội và các địa phương không cần thí điểm nữa mà cần tổ chức thực hiện sao cho tốt. Cách ly tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra bị động khi áp lực bệnh nhân đã tăng cao vượt xa khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, vì vậy trong thời gian đầu đã có nhiều lúng túng.

Những bài học từ TP. Hồ Chí Minh cho thấy, nếu chúng ta chủ động tổ chức thật bài bản sẽ hiệu quả hơn nhiều. Cách ly tại nhà có nhiều ưu điểm. Trước hết, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế và các khu tập trung. Đồng thời, làm giảm khả năng lây lan bệnh ở các khu cách ly tập trung có điều kiện ăn, ở và việc thực hiện các biện pháp 5K không nghiêm túc. Đây cũng là cách thức giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia.

"Trong giai đoạn mới, có lẽ việc xây dựng các bệnh viện dã chiến là không cần thiết và lãng phí. Thay vì xây dựng các bệnh viện dã chiến, hãy tập trung nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện, khu phố bằng tăng cường trang thiết bị, nhất là đào tạo nâng cao trình độ cán bộ".

Về mặt y tế và sức khỏe, việc này cũng giúp người bệnh có điều kiện dinh dưỡng tốt hơn, chăm sóc tốt hơn và tình trạng tâm lý tốt hơn. Chúng ta nên chấp nhận việc cách ly tại nhà bởi vì đó chính là cách thích ứng để sống chung với Covid-19.

Sẽ còn có nhiều dịch bệnh trong tương lai. Tìm cách khống chế tối đa và chấp nhận sống chung với dịch là cách để nhân loại tồn tại và phát triển. Cũng nên nhớ là các bệnh lây nhiễm như lao, HIV đã từng gây nên tâm lý hoảng sợ và bất an khi mới xuất hiện nhưng giờ đây dường như con người cũng đã biết cách sống chung với chúng.

GS. Nguyễn Thanh Liêm: Tại sao chúng ta không cho trẻ em cách ly tại nhà?
GS. Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, đưa nhiều em nhỏ đi cách ly tập trung cũng đặt ra nhiều vấn đề. (Nguồn: Dangcongsan.vn)

Sau khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam mở cửa đã kéo theo làn sóng người dân về quê. Rất nhiều người đã mang mầm bệnh về và trở thành các "điểm lửa" ở địa phương. Từ câu chuyện này, ông có cảnh báo gì?

Làn sóng người dân từ TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận trở về quê trong thời gian dịch lan rộng là một thực tế đáng buồn.

Một trong các nguyên nhân có lẽ là do chúng ta đã không lường trước được tính chất phức tạp của dịch với số mắc cao, thời gian diễn biến kéo dài.

Việc ra đi của người dân hoàn toàn tự phát, thiếu tổ chức, để lại những hậu quả phức tạp. Thực tế này cho thấy, cần chủ động xây dựng một kế hoạch tổng thể để tổ chức cho người dân ra về cũng như tổ chức đón tiếp, theo dõi chặt chẽ sau khi họ về đến địa phương.

Dịch Covid-19 sẽ vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường vì virus luôn luôn đột biến thành chủng mới, thậm chí "thoát" cả vaccine. Tuy nhiên, hiện nay đang xuất hiện tâm lý chủ quan vì phụ thuộc vào “tấm khiên” bảo vệ là vaccine. Ông có khuyến cáo gì trong chuyện này?

Đúng là dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, cụ thể là số mắc trong cả nước vẫn cao. Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước, dịch cũng diễn biến tương tự. Tỉ lệ mắc mới ở châu Âu vẫn cao mặc dù tỉ lệ tiêm vaccine cao.

Tuy nhiên, trong bối cảnh u ám đó cũng đã le lói lên những tia hy vọng. Số nhập viện và tử vong đã giảm thấp, hệ thống y tế không còn bị quá tải, kiệt sức. Dù là cá biệt và còn quá sớm nhưng diễn biến của dịch tại Nhật Bản cũng là một dấu hiệu tích cực.

Tỉ lệ mắc mới giảm đột ngột có thể do tác động của vaccine nhưng cũng có thể do sức mạnh của virus sau một thời gian đột biến liên tục đã giảm bớt. Điều này cũng phù hợp với các vụ dịch do các virus đường hô hấp gây nên trước đây.

Dù rất mong muốn nhưng con đường để chấm dứt dịch Covid-19 còn dài và gian nan. Hiệu quả của vaccine đã được thấy là không hoàn hảo như kỳ vọng. Tỉ lệ tử vong ở những người có bệnh nền, những người cao tuổi, những người suy giảm miễn dịch vẫn cao.

Vì vậy, cần phải giám sát, bảo vệ thật tốt cho những nhóm người có nguy cơ tử vong cao khi nhiễm Covid-19. Không được chủ quan và thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K để bảo vệ cho mình và cho cộng đồng vẫn rất cần thiết.

Trân trọng cảm ơn GS!

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Chúng ta chưa chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Chúng ta chưa chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại

PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, việc tiếp thu ảnh hưởng văn hóa bên ngoài đôi khi bị sa đà và xô bồ, ...

TS. Nguyễn Viết Chức: Kỳ vọng Hội nghị Văn hóa sẽ ‘mổ xẻ’ thẳng thắn những cái chưa được

TS. Nguyễn Viết Chức: Kỳ vọng Hội nghị Văn hóa sẽ ‘mổ xẻ’ thẳng thắn những cái chưa được

Đề cập việc gìn giữ văn hóa trong quá trình phát triển và hội nhập, TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư ...