📞

GS. Phan Văn Trường: Chúng ta phải thay đổi nếp sống toàn cầu vì dịch Covid-19

Nguyệt Anh 13:55 | 07/07/2021
'Cuộc chiến chống Covid-19 sẽ chỉ có thể đem lại những kết quả tốt nhất nếu có sự chung tay, thể hiện trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân. Đồng thời, phương pháp lâu dài duy nhất là thuốc chữa bệnh và vaccine Covid-19'.
GS. Phan Văn Trường nêu quan điểm, để thanh toán dịch Covid-19, phương pháp lâu dài duy nhất là thuốc chữa bệnh và vaccine.

Đó là chia sẻ của GS. Phan Văn Trường với Thế giới & Việt Nam về những rào cản đặt ra khi sống chung với dịch Covid-19.

Thời gian gần đây, người ta nói nhiều đến việc "sống chung với dịch bệnh”. Vậy theo cá nhân ông, có những thách thức nào đặt ra?

Thực sự tôi không phải là bác sĩ, cũng không phải là chuyên viên chống dịch bệnh nhưng tôi nhận thấy, tất cả mọi quốc gia trên hành tinh này, dù muốn dù không, đều đang chung sống với “nó” rồi.

Thành thử, câu hỏi phải đặt ra là chúng ta có cần phải thay đổi nếp sống vì con virus này, hay chúng ta có thể coi thường nó, y như những con virus cổ kim khác đã từng xuất hiện?

Cứ xem phản ứng của một số quốc gia thì câu trả lời rất đa dạng. Nói chung, có nơi ưu tiên tăng trưởng kinh tế mặc dù vẫn tìm giải pháp cho dịch tễ.

Cũng có nơi ưu tiên cho việc chống dịch bệnh, mà vẫn hiểu rằng đây vẫn chỉ là một chiến lược ngắn hạn để bảo vệ tăng trưởng. Cả hai lựa chọn chẳng khác nhau mấy, đều mang cùng triết lý chiến đấu với dịch bệnh.

Để nhìn cho đúng đắn, tôi không nghĩ Covid-19 sẽ là dịch bệnh cuối cùng mà loài người sẽ phải đối mặt. Cứ nhìn lịch sử thì thấy rõ luôn có một bệnh dịch nào đó, to nhỏ với ít nhiều nguy hiểm, đang rình rập chúng ta.

Lần này dịch bệnh rất khó lường, không những nó đã phát triển nhanh mà các biến chủng đã tiếp ứng nhau rất nhanh chóng.

Chung sống với “nó” tất nhiên chúng ta phải tự hỏi từ đâu nó đã xuất hiện? Tôi nghĩ rằng, hệ sinh thái của toàn địa cầu đang mất thăng bằng, có thể rằng dân số đông quá, có thể là ô nhiễm đã vượt mức, các tài nguyên không còn đủ sức tái tạo nữa, nên đã tạo điều kiện mới cho sự xuất hiện của một sự điều chỉnh nào đó.

Không thể phủ nhận chúng ta đã nhận được một tín hiệu mạnh từ hệ sinh thái, nếu đúng như vậy thì chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng những yếu tố nào phải cải thiện.

Có phải hiện tượng kinh tế toàn cầu hoá đã đi tới giới hạn? Có nhiều người đã nghĩ như thế, chúng ta chưa có đủ yếu tố, cũng chưa phải lúc để kết luận. Nhưng rõ ràng, khả năng phải sống chung với dịch Covid-19 một là cao, có thể rằng chúng ta phải thay đổi nếp sống toàn cầu vì “nó”.

Tôi không chắc là sau này, khi bệnh dịch đã ra đi vĩnh viễn, một số người sẽ không tiếp tục đeo khẩu trang. Như thế, hiện tượng khẩu trang sẽ đi vào văn hoá và sẽ đặt ra một số vấn đề mang tính xã hội, như chúng ta đã từng thấy tại châu Âu và Bắc Mỹ.

Có phải là quá sớm để nói đến việc sống chung với dịch bệnh từ thực tế nước ta lúc này?

Mọi người đều mong bệnh dịch qua mau nhưng không ai biết “nó” sẽ biến đi cách nào và lúc nào. Chúng ta hãy lạc quan, trong lịch sử, chưa bao giờ có một bệnh dịch nào kéo dài quá lâu. Nhưng sự tồn tại của “nó” còn tuỳ thuộc rất nhiều vào phản ứng tập thể của xã hội ta và mức độ hiệu quả của những giải pháp khoa học.

Công dân ta đã chứng tỏ có kỷ luật cao và đã cùng chính quyền đạt được những kết quả ấn tượng những tháng qua trong việc chống chọi với dịch bệnh.

Nhưng lần này, virus SARS-CoV-2 lại thích ứng rất nhanh, nhanh hơn khả năng của con người để chế ngự nó. Chưa bao giờ, nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, với nhiều công nghệ đa dạng đã phản ứng nhanh như chúng ta đã từng thấy.

Tôi rất mong vaccine Covid-19 và sau này cả thuốc chữa bệnh nữa, sẽ hiệu nghiệm trước những biến thể không ngừng của chủng virus nguy hiểm này.

GS. Phan Văn Trường nhận định, tồn tại của dịch bệnh Covid-19 tuỳ thuộc rất nhiều vào phản ứng tập thể của xã hội ta và mức độ hiệu quả của những giải pháp khoa học.

Dường như thế giới đã quen dần với tình trạng sống chung và ứng phó với dịch bệnh. Ông có thể gợi ý những chính sách phù hợp với thực tiễn của đất nước cũng như nhận định ra sao về trách nhiệm xã hội của mỗi người dân trong lộ trình đưa cuộc sống trở về bình thường?

Đúng là người dân thực sự đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến này. Thử giả định xem, nếu trong chỉ 2, 3 tuần, cả nước chúng ta, không thiếu người nào, cố gắng sống cách ly toàn diện và tuyệt đối, thì dịch sẽ “chết” ngay.

Nhưng điều này là hoàn toàn lý thuyết, không một xã hội nào có thể sống “dị biệt” như vậy, dù chỉ một ngày. Vì vậy càng cần thiết hơn bao giờ hết việc mỗi đồng bào nâng cao tính kỷ luật nhất có thể trong cuộc chiến với Covid-19.

"Chúng ta không thể không rút tỉa bài học, bởi lẽ, chẳng nơi nào trên thế giới có thể nói rằng họ đã thành công hoàn toàn trong việc chống bệnh dịch. Chúng ta hãy tự tin đi con đường của mình, nhưng hãy ý thức hơn nữa về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, tôn trọng mức kỷ luật cao hơn nữa để đánh bại nó".

Điều này có nghĩa, cuộc chiến chống Covid-19 sẽ chỉ có thể đem lại những kết quả tốt nhất nếu có sự chung tay, thể hiện trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân.

Về dài hạn, có lẽ chúng ta còn nhiều việc phải làm, thậm chí nghĩ tới một chính sách tăng trưởng kinh tế phù hợp với một chính sách phân phối dân số rải rác hơn, thay vì tập trung như ngày nay.

Công nghệ thông tin và công nghệ số đóng vai trò quan trọng ra sao trong việc sống chung với dịch bệnh một cách an toàn, thưa ông?

Những công nghệ chỉ có thể là dụng cụ tạo thêm hiệu ứng chứ không thay thế hoàn toàn được đời sống thực. Tuy công nghệ thông tin có thể có những đóng góp nhất định nhưng những lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, ẩm thực… đòi hỏi sự giao tiếp trực tiếp, thực chứ không ảo.

Việc sống chung với dịch bệnh là không thể tránh được. Vì vậy, phương pháp lâu dài duy nhất là thuốc, thuốc chữa bệnh và thuốc ngừa bệnh.

Thời chung sống với dịch bệnh cũng cần thúc đẩy quá trình số hóa và phổ cập sử dụng Internet thế nào?

Dĩ nhiên chúng ta vẫn phải tiến triển việc này một cách tích cực, dù có hay không có dịch Covid-19.

Việt Nam có thể học được gì từ kinh nghiệm quốc tế trong việc đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới?

Ngay từ đầu, các quốc gia tân tiến đã nhìn thấy rằng giải pháp bền vững phải là tiêm vaccine ngừa Covid-19 và họ đã đặt ngay giả định rằng chính sách ưu tiên đời sống kinh tế mới là thực tế. Các quốc gia phương Tây cũng đã nhìn thấy ngay từ đầu rằng họ phải chấp nhận có sự mất mát.

Chúng ta thấy gì từ nền kinh tế phương Tây gặp khó khăn trong nhiều tháng qua?

Các thị trường chứng khoán Tây Âu, Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng năng động. Thậm chí, tại một số quốc gia, tăng trưởng kinh tế còn tăng tốc ngay giữa mùa Covid-19.

Tại nhiều quốc gia, dân chúng không sẵn sàng bỏ những thói quen như đi xem bóng đá, đến nhà hát, dự dạ hội. Có lẽ, họ hiểu những thống kê khác chúng ta, họ đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh dịch cũng khác chúng ta.

Tất nhiên, chúng ta không thể không rút tỉa bài học, bởi lẽ, không nơi nào trên thế giới có thể nói rằng họ đã thành công hoàn toàn trong việc chống bệnh dịch.

Chúng ta hãy tự tin đi con đường của mình, nhưng chúng ta hãy ý thức hơn nữa về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và tôn trọng một mức kỷ luật cao hơn nữa để đánh bại nó.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Giáo sư Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là Cố vấn của chính phủ Pháp về thương mại quốc tế.

Ông được Tổng thống Pháp tặng Huy chương Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh năm 2007, là "cha đẻ" của cuốn sách nổi tiếng "Một Đời Thương Thuyết"...

(thực hiện)