Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong "vòng vây" của các độc giả trẻ xin ký tặng cuốn sách "Vài ngón nghề Ngoại giao". |
Trong lúc dự đối thoại về “quyền trẻ em”, đồng nghiệp đi cùng nói rất nhỏ một câu bên tai tôi “Cô ơi! Có thông tin bác Vũ Khoan mất”. Lặng người, tôi chỉ nghĩ một người Thầy trong số những người Thầy thật sự đáng kính của ngành Ngoại giao đã trở về với đất trời.
Biết rằng sẽ có những bậc đàn anh, đàn chị trao đổi về kinh nghiệm làm việc với Thầy (tôi hay gọi với danh xưng gần gũi là Chú), tôi định im lặng, chỉ gói ghém những gì về Chú trong trí nhớ của tôi thành kỷ niệm của riêng mình để nó không vụn vặt hay phai nhạt.
Tuy nhiên, kỷ niệm và những buổi lên lớp về Chuyên đề Tư duy đối ngoại Việt Nam cho các nghiên cứu sinh (NCS) ngành Quan hệ quốc tế thôi thúc tôi viết để lưu lại và sẻ chia những kỷ niệm về Chú trong công tác đào tạo cán bộ đối ngoại cho đất nước.
Nhớ lại, khi xây dựng chương trình Tiến sĩ Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao đã đưa vào chương trình đào tạo Học phần Tư duy đối ngoại Việt Nam với ước mong sẽ đào tạo ra được những Tiến sĩ có nền tảng lý luận để có thể đóng góp tốt nhất cho việc xây dựng đội ngũ trong tương lai.
Ý tưởng này là đề xuất của PGS. TS. Dương Văn Quảng – Cựu Giám đốc Học viện. Khi tuyển được khóa tiến sĩ đầu tiên, Giám đốc gọi tôi lúc đó là Trưởng khoa Bồi dưỡng và Đào tạo sau Đại học (hiện nay là Phòng Đào tạo sau đại học) giao một nhiệm vụ thật sự không biết nên dùng từ gì để mô tả, có thể coi là “khó”.
Kỷ niệm này, tôi nghĩ, nếu đã trải qua khó có thể quên. Giám đốc nói với tôi rằng, học phần này là nhằm dần dần đào tạo được một đội ngũ cán bộ có chất lượng nên nhất định phải mời được “ông Vũ Khoan” đến lên lớp cho các nghiên cứu sinh sẽ học tại Học viện, mà “anh đến thì ông ấy sẽ không nhận” và không hề có lời giải thích.
Khi ấy, tôi không thể nói là không biết chú Vũ Khoan, vì đó là những người đồng nghiệp của thế hệ cha tôi nhưng đến nhà lãnh đạo thì tôi chưa bao giờ dám và có thể nói là tôi không quen làm bao giờ. Giờ lại đến mời giảng cho NCS thì thật là liều vì đã đoán trước câu trả lời của Chú. Bản thân tôi đã dự nhiều buổi nói chuyện, hay hội thảo mà chú đến dự và phát biểu. Mỗi lần dự là một lần học được thêm kiến thức, cách tiếp cận vấn đề của Chú. Đối với chúng tôi, ai mà phát biểu sau Chú thì thật là “không may” vì Chú đã ở tầm quá cao và mình mà nói gì sau thì không biết phải nói gì nữa. Tôi nhận nhiệm vụ và đánh liều gọi điện xin phép được đến mời Chú tham gia giảng dạy và đào tạo giúp Học viện. Chú đồng ý tiếp.
Tôi không biết bao giờ chúng tôi sẽ có lại được những người Thầy như thế cho thế hệ đối ngoại trẻ của đất nước. Đối với người giáo viên đứng lớp như chúng tôi, Thầy là tấm gương về tầm, về tâm với nghề và ngành, không thể nói nhiều hơn! |
Theo lời hẹn, tôi đến nhà gặp Chú. Về nhân cách, về tư duy của Chú nhiều người đã nói tôi sẽ không nói lại. Chú mời tôi ngồi và câu đầu tiên chú nói: “Cháu nghĩ thế nào mà mời chú dạy cho NCS? Cháu có biết là cháu đang vi phạm luật không?”! Thật sự chắc ai mà là tôi thì tim nhảy ra ngoài lúc đó.
Chân tay vặn vẹo, tôi trả lời Chú: “Cháu biết ạ, nhưng chúng cháu rất mong Chú giúp vì tư duy đối ngoại thì phải là những người vừa có kinh nghiệm công tác, vừa có chiều sâu như thế hệ chú mới dạy được ạ!”.
“Cô nói thế nào ấy chứ! Học viện toàn Phó Giáo sư với Tiến sĩ lại đi mời một ông già quê mùa thế này lên lớp”!
Không dại nào giống cái dại nào như tôi lúc ấy: “Dạ không ạ! Cháu mời Chú nói chuyện ạ! Nên cháu nghĩ hay và bổ ích! Chứ cháu không mời Chú lên lớp vì Chú vừa nói là phạm luật ạ. Quy định dạy TS. là phải ít nhất là TS. cháu biết ạ. Nhưng Giám đốc giao cháu đi mời Chú vì anh ấy bảo là anh ấy mời chắc chắn Chú từ chối!”.
Chú cười và bảo: “Thôi được rồi về đi, câu nói của anh Quảng như vậy thì chú sẽ nhận lời cho cháu”.
Tôi trải qua cũng nhiều chuyện không hề dễ dàng nhưng lúc đó tôi chỉ muốn reo thật to. Chú yêu cầu gửi đề cương cần nói chuyện, nội dung muốn Chú trình bày từng buổi cho NCS. Tôi rón rén xin Chú là cho cháu ngồi dự nghe cùng các bạn, Chú bảo PGS.TS. mà lại cần nghe ông già về hưu, ngồi đó làm tôi mất tự tin. Toát mồ hôi lần thứ hai!
Thầy đã đến và lên lớp nói chuyện với NCS (tôi không nhớ chính xác đó là khóa 1 hay khóa 2 vì sau Học viện mời Thầy giảng cho nhiều lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ do Học viện tổ chức nên mảng sau đại học không được phép độc quyền). Đó là năm tuần liên tục sau khi NCS đã được PGS.TS. Dương Văn Quảng lên lớp.
Thầy trao đổi về thời kỳ hậu không gian Xô viết, về sự thay đổi trong cách tiếp cận của thế giới đối với các nội dung về quan hệ quốc tế, về những nội dung lớn bất biến trong đối ngoại của Việt Nam và cả những vấn đề lớn đang đặt ra đối với thời đại, đối với Việt Nam. Những nội dung đó từ thập niên đầu thế kỷ XXI, mà thời gian đã trôi qua hơn một thập kỷ vẫn còn có giá trị về lý luận.
Tôi không biết bao giờ chúng tôi sẽ có lại được những người Thầy như thế cho thế hệ đối ngoại trẻ của đất nước. Đối với người giáo viên đứng lớp như chúng tôi, Thầy là tấm gương về tầm, về tâm với nghề và ngành, không thể nói nhiều hơn!